TRỒNG SEN LẤY NGÓ
GIÚP NGƯỜI DÂN THOÁT NGHÈO
Đang trong mùa lũ, thay vì phải nằm nhà chờ nước lũ rút để gieo sạ lúa, nhiều nông dân ở các xã Kiến Bình, Nhơn Ninh, Nhơn Hòa (huyện Tân Thạnh) vẫn lặn ngụp ngoài đồng để thu hoạch ngó sen. Anh Nguyễn Văn Nhiều, nông dân xã Nhơn Ninh, hì hụp ôm can nhựa lặn xuống ngắt ngó sen.
Anh Nhiều nhẩm tính: 1,3ha sen mỗi ngày thu hoạch được 15-20kg ngó sen, với giá ngó 20.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình anh kiếm gần 400.000 đồng/ngày. Đây là một khoản thu nhập rất lớn đối với nhà nông.
Rời xã Nhơn Ninh, chúng tôi men theo tuyến kênh 2000 Bắc thuộc ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh. Đây được xem là “vương quốc sen” của huyện Tân Thạnh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây gần 400 triệu đồng, ông Võ Thành Tâm tự hào cho biết cơ ngơi này có được chính là nhờ vào thu nhập từ cây sen.
Ông Tâm nói mấy năm trước gia đình chân ướt chân ráo đến lập nghiệp ở đây, nhà nghèo, không có vốn liếng nên tối ngày chỉ ngụp lặn với công việc đồng áng và đánh bắt cá. Mấy năm qua, giá lúa cứ bấp bênh, vùng này đất trũng, nhiễm phèn nặng nên lúa cho năng suất rất thấp. Việc đánh bắt cá trong mùa lũ cũng trồi sụt bởi lượng cá về đồng giảm nhiều so với trước.
Từ khi tiếp cận với mô hình trồng sen lấy ngó, ba năm nay hơn 1,2ha sen đã giúp gia đình ông Tâm có cuộc sống ổn định, con cái được đi học trên trường huyện.
Khác với anh Nhiều, ông Tâm giữ nước trong ruộng để trồng sen ba vụ, trung bình 1ha thu hoạch 8-10 tấn ngó sen. Nếu giá duy trì ở mức 15.000 đồng/kg thì có thể thu nhập 100-150 triệu đồng/năm. Hai năm qua, giá sen dao động ở mức 15.000-20.000 đồng/kg nên chuyện vợ chồng ông Tâm cất được nhà không phải là khó hiểu. Hai đứa con của ông Tâm cũng được gửi lên huyện Tân Thạnh học hành tới nơi tới chốn.
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, cho biết chuyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây sen như trường hợp của ông Tâm không phải là cá biệt ở xã. Điều đó giải thích vì sao Nhơn Hòa là xã có diện tích trồng sen lớn nhất huyện (204ha). Cây sen đã làm thay đổi cuộc sống nghèo khó của bà con vùng này là điều rất đáng ghi nhận.
Nguồn lợi từ cây sen đã tạo nên sức hút đối với nhiều hộ nông dân. Hàng trăm hecta tràm tái sinh trước đây được khai phá để trồng lúa đã được chuyển sang trồng sen. Đi dọc đường N2 thuộc xã Nhơn Ninh hay theo các tuyến kênh Tân Lập, Bảy Thước… rất dễ nhìn thấy đồng sen xen kẽ với những vạt rừng tràm.Chỉ vào ruộng sen đang cho ngó trong mùa nước lũ, ông Lê Văn Bền ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, nói trước đây dãy ruộng 3,2ha này là rừng tràm do ông trồng rồi thu hoạch, tràm mọc tái sinh. Song do giá trị kinh tế của cây tràm không cao, mấy năm qua giá bán tràm liên tục giảm nên gia đình ông chuyển đổi sang trồng lúa. Sau nhiều năm trồng lúa bấp bênh, giờ đây ông Bền đã chuyển hẳn sang trồng sen.
Theo so sánh của ông Đỗ Thành Hây, người trồng sen kỳ cựu ở xã Nhơn Hòa, do đất ở đây phần lớn nhiễm phèn nặng, lúa vụ đông xuân trúng lắm chỉ có thể lãi 20 triệu đồng/ha, còn vụ hè thu chỉ có lãi khi giá lúa cao, phần lớn từ huề vốn cho tới lỗ. Tính ra hai vụ lúa người nông dân chỉ lời được khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng sen thì hai vụ cầm chắc lời từ 35-45 triệu đồng.
Ông Hây đúc kết: “Mần lúa lời gấp ba lần trồng tràm, trồng sen lời gấp đôi trồng lúa. Vì vậy người dân ở đây cứ phá tràm mần lúa hoặc trồng sen”.
Ông Vũ cho rằng không phải đợi đến lúc sen có giá người dân mới phá tràm trồng sen. Nhiều năm qua do giá cây tràm không hấp dẫn, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ người trồng tràm nên chuyện người dân phá tràm trồng sen hay trồng lúa là khó tránh khỏi.
Hiện nay, toàn huyện Tân Thạnh còn khoảng 2.700ha tràm, so với diện tích trước đây lên đến hơn 10.000ha, dù huyện đã có quy hoạch giữ diện tích tràm còn lại để “lá phổi” của Đồng Tháp Mười không tiếp tục bị tổn thương. “Giữ được cây tràm hay không tùy thuộc vào giá tràm chứ chúng ta không thể hô hào là giữ được, bởi cây sen cũng có những giá trị của nó” – ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, thống kê toàn huyện cho biết hiện có khoảng 800ha trồng sen, phần lớn là diện tích trồng sen lấy ngó. Sở Công thương tỉnh Long An đã xúc tiến thành lập thương hiệu và ngó sen Hải Nhơn đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên từ ngày được công nhận đến nay, thương hiệu này vẫn chưa thể phát huy được thế mạnh như mong muốn, sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều nên giá cả còn bấp bênh.