Hương Trà Xanh B’lao

cay che xanh

HƯƠNG TRÀ XANH B’LAO

Đến Bảo Lộc vào mùa mưa nhiều hơn nắng nhưng đi tới đâu cũng ngửi được hương thơm thoang thoảng của trà, một mùi hương đặc trưng đã gắn bó với người dân nơi đây gần một thế kỷ qua, không thể lẫn với bất kỳ nơi đâu. Vùng đất này có nghề kinh doanh trà thuộc loại sầm uất nhất nước, có những cánh đồng hút mắt với màu xanh của cây chè và bóng người dân cần mẫn với đôi tay thoăn thoắt hái chè tươi…

cay che xanh

Mùa mưa trên đất Bảo Lộc kéo dài một cách kỳ lạ khiến buổi sớm mai thêm mờ mịt sương mù. Trời chưa sáng hẳn, từng tốp người đã kéo nhau ra những cánh đồng bát ngát cây chè. Không biết mỗi ngày có bao nhiêu người dầm sương, đội mưa, hứng nắng như thế trên những đồi chè. Ở Bảo Lộc, cuộc sống người dân chủ yếu gắn liền với cây chè.

cay che xanh

Hầu như gia đình nào cũng có vườn chè, nhiều thì vài ba ha, ít cũng có mảnh vườn nhỏ. Cứ đôi ba ngày, họ lại hái chè tươi mang ra chợ bán. Những lúc không ra vườn nhà thì họ kéo nhau đi hái chè thuê trên những đồng chè của các trang trại lớn hoặc nhặt lá chè (phân loại lá, cành và búp chè) cho các đại lý thu mua.

cay che xanh

Đi một quãng là ra đến các đồi chè, mỗi người được phát cho cái gùi để đựng lá chè rồi chia nhau ra các gốc chè. Những đôi tay thạo việc cứ thoăn thoắt lướt trên các ngọn cây, nhiệm vụ của họ là hái cho đúng một tôm hai lá (ngọn trà có đủ tiêu chuẩn hai lá và một đọt búp). Một điều đáng ngạc nhiên là nhân công hái chè thuê chỉ toàn nữ đủ mọi lứa tuổi, không hề thấy bóng dáng đàn ông.

cay che xanh

Chị Lê Thị Lắm ở xã Lộc Thanh nói: “Chẳng có gì lạ đâu, bọn đàn bà tụi tui không làm được việc nặng nên giao việc trông coi vườn chè, cà phê, cây ăn trái… ở nhà cho chồng, còn tụi tui thì tranh thủ đi hái chè thuê để kiếm tiền chợ vậy mà…”. Mỗi ký lá chè tươi được chủ vườn trả công khoảng 3.000 đồng, có lúc cao hoặc thấp hơn tùy thời điểm, nhưng được cái công việc ổn định, ngày nào cũng có việc làm, không sợ thất nghiệp.

Chị Lắm cho biết thêm, trung bình mỗi ngày một người hái được từ 15 đến 30kg lá tươi, tùy vào sức khỏe cùng sự nhanh nhẹn của mỗi người. Tiền công được trả theo tuần. Hái hết đồi này thì kéo sang đồi khác, đường về khá xa nên ai cũng mang cơm theo ăn sáng, ăn trưa tại chỗ. Những bữa cơm diễn ra chóng vánh để còn tranh thủ làm tiếp.

Những mẩu đối thoại vụn vặt bên gốc chè mang đủ hương vị, màu sắc giống như một tách trà. Có người chọn công việc hái chè thuê như một cái nghề theo họ hàng chục năm trời. Như chị La Thị Sáng, ở nhà cũng có vườn chè nhưng không có tiền mua phân bón, đầu tư giếng nước để tưới nên cây ở vườn nhà chị không đâm chồi thường xuyên.

Cứ đeo theo cái vườn chè cằn cỗi ấy thì có nước đổ nợ nên chị bỏ mặc cho nó mọc hoang, thỉnh thoảng hái được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu. Phần lớn thời gian chị theo mọi người đi hái chè thuê, chồng chị cũng đi làm công cho vườn khác. Đứa con gái thì nửa ngày học ở trường, nửa ngày đi hái chè thuê đỡ mẹ tiền sách vở. Những người có hoàn cảnh như chị Sáng không hiếm, nếu không nói là đa số. Cứ như thế, người dân xứ trà lại đi làm thuê trên chính cánh đồng chè ở quê hương mình.

Khi được hỏi đã bao giờ uống trà ô long tinh chế chưa, các cô đều lắc đầu, dù có người đã hái loại trà được trồng để xuất khẩu này suốt hàng chục năm rồi. Với những lo toan ám ảnh, ai cũng cắm cúi làm việc vất vả, cái lưng chẳng lúc nào được thẳng, đôi tay thao tác càng nhanh thì càng hái được nhiều chè. Không khí làm việc đang khẩn trương thì bất chợt cơn mưa ập đến, gió rất mạnh.

Như phản xạ tự nhiên, ai cũng vội ngừng tay, mặc vội áo mưa đã được chuẩn bị sẵn và tiếp tục… cắm cúi hái chè! Quan sát kỹ mới thấy, cũng có người mang bao tay hẳn hoi, nhưng phần đông hái chè bằng tay trần, nhựa chè bám đen đầu ngón tay. “Nhựa chè thì lo gì, làm xong, ngón tay ít nhất cũng có vài vết đứt tươm máu mà còn chẳng ai màng đến nữa là.

Có lúc cả ngón bị nứt, mà nứt rất sâu, đau rát lắm nhưng cũng phải cắn răng mà chịu, nếu đeo bao tay vào thì khó hái được nhanh!”, chị Nguyễn Thị Nga vừa nói vừa xòe hai bàn tay với ngón cái và ngón trỏ nứt nẻ, đen nhẻm.

Đứng cạnh bên, chị Pang Kao K’Hoa chia sẻ thêm: “Tôi đã hái chè thuê gần 15 năm nay. Nhiều lúc chán lắm chứ, nhưng cứ như cái nghiệp nó vận vào thân, không làm gì khác được. Ở đất này, đứa trẻ lên 6 đã phải hái chè, cụ già hơn 60 cũng vẫn còng lưng trên đồi chè… Thôi thì đến đâu hay đến đấy…”.

cay che xanh

Nói rồi chị tất tả kéo ụp nón lá, che bớt phần nào ánh nắng chói chang. Khí hậu ở Bảo Lộc khá khó chịu, mưa vừa dứt là lại nắng chang chang. Chừng vài giờ sau thêm một cơn mưa như trút nước. Chỉ trong một buổi sáng mà hết nắng lại mưa đến mấy lần.

cay che xanh

Tuy nhiên, dù mưa hay nắng, không một người thợ hái chè nào nghĩ đến chuyện nghỉ tay dù chỉ trong chốc lát. Mấy ai biết được đằng sau hương vị ngạt ngào, ngây ngất của bao loại trà là những giọt mồ hôi mặn chát của những người phụ nữ chịu thương chịu khó, tần tảo mưu sinh, đời này nối tiếp đời kia.

Xứ Bảo Lộc trù phú và thơ mộng với những nương chè xanh bát ngát. Giữa những đồi chè, thỉnh thoảng lại bắt gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa. Đến Bảo Lộc, nhìn chỗ nào cũng thấy chè: Từ những mảnh vườn chè bao la chạy tít tắp đến tận chân trời, chè bao bọc xung quanh nhà ở, ở trong sân nhà cho đến những bao bì rực rỡ ở tiệm bán trà.

cay che xanh

Phải công nhận một điều, người Pháp có lý khi chọn vùng cao nguyên Bảo Lộc để biến thành một cao nguyên chè nổi tiếng… Cây chè xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó theo quá trình phát triển, nó có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau năm 1930, khi Quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn được mở ra.

Cây chè là một trong những loại cây công nghiệp có mặt sớm nhất ở vùng đất B’lao và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình ở vùng đất này, bắt đầu từ những đồn điền chè của người Pháp như Felit B’lao, B’lao Sierré… rồi đến các trang trại, các vườn chè của các hộ gia đình. Từ đó xuất hiện nghề trồng chè và chế biến trà.

cay che xanh

Nghề làm trà ở B’lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Gần 2.000 cơ sở sản xuất, chế biến trà lớn, nhỏ là con số thống kê sơ bộ ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Trà B’ lao không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã tỏa hương sang nhiều thị trường trên thế giới. Trà Bảo Lộc được chuyển đi các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà.

Quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà. Nếu như trà ngoài Bắc thường không ướp hương thì trà B’lao truyền thống lại có bí quyết riêng. Những đọt chè non hái mang về được phơi hoặc sấy trên bếp than hồng đến khi nào chè khô và tỏa hương thơm ngát là được. Trà chế biến đến đây gọi là trà mộc.

Một số người thích uống loại trà này vì còn mang đầy đủ hương vị của trà. Muốn ngon hơn, người ta ướp thêm quế hương hoặc cam thảo. Hương ướp trà B’lao chủ yếu là hương hoa sói, hoa nhài, hai loại cây này rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.

Dù trà Bảo Lộc đã phần nào khẳng định được danh tiếng của mình và đang từng bước chuyên nghiệp hóa việc sản xuất và chế biến khi cơ bản đã xây dựng một số vùng nguyên liệu tập trung ở các xã vùng ven như Lộc Châu, Đại Lào, Lộc Thanh… nhưng những hộ trồng và kinh doanh trà gia đình vẫn chưa được chú ý, họ như những người ngoài cuộc. Ông Nguyễn Văn Lâm, một nông dân trồng chè lâu năm ở xã Lộc Thắng, có mảnh vườn chuyên canh cây chè hơn 3ha nhưng do vốn yếu, hạn chế về kỹ thuật chăm sóc và giá cả luôn biến động nên ông liên tục lao đao.

Ông bảo, trung bình mỗi năm vườn chè mang về khoảng 40 triệu đồng, nhưng trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới tiêu, thuê nhân công hái chè… thì ông lỗ trắng là cái chắc! Nhưng ông khẳng định sẽ tiếp tục trồng chè cho dù giá có xuống đến đâu, bởi với ông cũng như bao người dân xứ Bảo Lộc, cây chè không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là linh hồn của vùng đất và con người nơi đây…


HOÀNG PHƯƠNG