Cây Bơ – Hy Vọng Mới Cho Ngành Nông Sản Việt Nam

cây bơ

TRÁI BƠ – NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Trái bơ ngày càng được quan tâm trên thị trường thế giới vì không chỉ là món ăn chơi mà còn là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, được dùng chế biến trong bữa ăn hàng ngày và sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm.

Loại trái cây bổ dưỡng

Bơ (Persea americana) là loại cây ăn trái, được cho rằng có nguồn gốc từ Mexico khoảng 12 ngàn năm trước, qua Guatamela rồi đến Trung Mỹ, lan rộng xuống Nam Mỹ: Colombia, Venezuela, Las Guyanas, Brazil, Ecuador, Pêru, Bolivia và Chi Lê. Bơ được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới, khu vực EU hầu như chỉ có Tây Ban Nha. Bơ du nhập vào nước ta vào thế kỷ 20. Cây bơ dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể sống được từ 25 đến 40 năm. Thu hoạch trung bình một cây bơ từ 200-300 kg. (Bảng 1)

Bảng 1: Năng suất một cây bơ
Nguồn: sme-gtz.org.vn, Phân tích chuỗi giá trị bơ Đắk Lắk.

Trái bơ rất tốt cho sức khỏe vì bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, có hàm lượng protein cao, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và giàu chất chống oxy hóa (Bảng 2) có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do gây ung thư, lão hóa da, giúp duy trì làn da săn chắc,… Tại các nước như Mỹ, Mexico, Úc , Nhật,… trái bơ được đánh giá cao vì được sử dụng nhiều cách khác nhau như ăn quả tươi, chế biến nhiều món ăn ngon, trích ly dầu sử dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, vỏ trái bơ, lá và vỏ cành có thể sử dụng để làm thuốc kháng sinh, trị bệnh lỵ, tiêu chảy, cầm máu, chữa vết thương, viêm họng, hay sử dụng như một loại trà.

Bảng 2: Thành phần trong 100 gr thịt trái bơ

Nguồn:http://nutritiondata.self.com

Hiện diện trên thị trường quốc tế

Trồng bơ thâm canh để bán bắt đầu tại Mỹ (California và Florida) vào những năm 1930, sau đó là Israel, Nam Phi và Chi Lê… Theo FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations), sản lượng bơ thế giới tăng gấp bốn lần qua bốn thập kỷ. Năm 2012 sản lượng hơn 4 triệu tấn (BĐ 1). Hiện nay Mexico là nước sản xuất bơ lớn nhất thế giới, kế đến là Chi Lê, Cộng hòa Dominican, Indonesia, Mỹ, Colombia (Bảng 3). Phát triển mạnh sản lượng bơ được ghi nhận ở các nước Chi Lê, Kenya, Rwanda, Ethiopia, Pê-ru và Cộng hòa Dominican.

BĐ 1: Phát triển sản lượng bơ trên thế giới

Nguồn:The Statistical Division (FAOSTAT)

Bảng 3: Sản lượng các nước dẫn đầu về trồng bơ

Nguồn: FAOSTAT

Mexico là nước xuất khẩu bơ nhiều nhất, kế đến là Chi Lê, Pê ru, Hà Lan, Tây Ban Nha. Năm 2012, Mexico xuất khẩu khoảng 1/3 sản lượng, chiếm tỷ trọng 46 % lượng bơ xuất khẩu của thế giới với gần 500 ngàn tấn bơ, trị giá 0,9 tỷ USD (Bảng 4, BĐ 2).

Bảng 4: Các nước dẫn đầu xuất khẩu bơ


Nguồn: FAOSTAT

BĐ 2: Các nước xuất khẩu bơ, năm 2012

Nguồn: http://www.freshplaza.com/article

BĐ 3: Các nước nhập khẩu bơ, năm 2012

Nguồn: http://www.freshplaza.com/article

Các nước dẫn đầu nhập khẩu bơ là các nước phát triển. Mỹ đứng đầu với 503 ngàn tấn năm 2012, nguồn nhập chủ yếu từ Mexico, EU là thị trường nhập khẩu bơ quan trọng thứ hai sau Mỹ, bao gồm Hà Lan (95.693 tấn), Pháp (94.610 tấn), Anh (37.675 tấn), Tây Ban Nha (33.948 tấn), Đức (26.817 tấn) và Thụy Điển (18.800 tấn). Châu Á có Nhật là nước nhập khẩu bơ đứng thứ tư với 59 ngàn tấn năm 2012 (BĐ 3).

Nhu cầu bơ EU có xu hướng gia tăng, hiện bình quân tiêu thụ bơ tính trên đầu người của khối EU chưa đến 0,6 kg/người/năm, dân Đan Mạch tiêu thụ nhiều bơ nhất trong khối EU nhưng chỉ mới đạt 1,8 kg bơ/người/năm (BĐ 4), trong khi dân Mexico tiêu thụ bình quân đầu người mỗi năm đến 7 kg, nhiều nhất thế giới, Chi Lê: 3,5 kg/người/năm, Mỹ: 2,36 kg/người/năm, Pêru: 2,5 kg/người/năm.
BĐ 4: Tiêu thụ bơ tính trên đầu người ở châu Âu
Nguồn: FAOSTAT

BĐ 5: Giá bơ xu thế tăng ở Mỹ trong vài thập kỷ qua
Nguồn: http://worldavocadocongress2011.com/

Thu hút nghiên cứu

Theo cơ sở dữ liệu sáng chế (SC) tiếp cận được, thời gian đầu các SC liên quan đến bơ hầu như đều được đăng ký ở Mỹ, SC đầu tiên vào năm 1923 về đóng gói bơ (số US 681344), đến năm 1943 mới có SC về trích dầu bơ. Năm 1966, lần đầu tiên có SC đăng ký ở Anh mang số GB 002166 về sử dụng dầu bơ trong dược phẩm. SC liên quan đến bơ được đăng ký rải rác đến những năm 1980.

Giá trị tiềm ẩn trong trái bơ hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu trong vài thập kỷ vừa qua và số lượng SC đăng ký tăng mạnh, đến nay có 469 SC (BĐ 6) liên quan đến bơ được đăng ký trên thế giới. Thông qua các SC đăng ký, lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất là điều chế các sản phẩm chăm sóc da, chế biến làm thực phẩm và trích xuất dầu béo (BĐ 7). Đáng kể nhất là Công ty Laboratoires Expanscience (Pháp) sở hữu rất nhiều SC liên quan đến sử dụng các thành phần có trong trái bơ để sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm (BĐ 8). Tuy nhiên Mỹ lại là nước có nhiều đăng ký SC về bơ, chiếm đến 43% số lượng đăng ký SC trên thế giới; kế đến là Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Trung Quốc, Nhật (BĐ 9).
BĐ 6: Phát triển đăng ký SC liên quan đến bơ trên thế giới
Nguồn: Wipsglobal, KL.

BĐ 7: Lĩnh vực các đăng ký SC liên quan đến bơ dựa theo số phân loại SC
Ghi chú: A23L-001, A61K-008, A61K-036,… số phân loại sáng chế quốc tế (IPC)

A23L-001: chế biến thực phẩm.
A61K-008: dược phẩm chăm sóc da.
A61K-036: dược phẩm điều chế từ cây cỏ, tảo,nấm,…
C11B-001: sản xuất dầu béo.
A23B-007: bảo quản và ủ chín bằng phương pháp hóa học.
A01H-005: tạo các giống mới.
A61Q-019: sản phẩm chăm sóc da.
A61K-031: thuốc chứa các hợp phần hữu cơ hoạt tính.
A61P-017: thuốc điều trị rối loạn da.
C07D-307: các hợp chất dị vòng chứa các vòng năm cạnh chỉ có một nguyên tử oxy là dị nguyên tử.
Nguồn: Wipsglobal, KL.

BĐ 8: Đơn vị đăng ký nhiều SC liên quan đến bơ

BĐ 9: Nơi có nhiều SC đăng ký liên quan đến bơ

Dù là loại trái giàu dinh dưỡng và du nhập đã lâu nhưng sản lượng bơ Việt Nam còn khiêm tốn vì chủ yếu sử dụng trong nước, thường dùng làm thức uống, ít người biết chế biến thành món ăn. Trước đây, cây bơ phần lớn được trồng rải rác trong các hộ gia đình làm bóng mát, rào chắn ở khu vực Tây Nguyên, nay tuy được quan tâm trồng để thương mại nhưng chưa phát triển nhiều; bơ Việt Nam hiện chưa có trong danh sách thống kê của FAOSTAT. Thời gian qua, UBND Tỉnh Đắk Lắk cùng các nhà khoa học và những doanh nghiệp tâm huyết nỗ lực phát triển, nâng cao giá trị trái bơ với hy vọng phát triển thêm một mặt hàng nông sản giá trị cho khu vực Tây Nguyên.

VŨ TRUNG, STINFO Số 8/2014