Trồng Cam Canh Xen Lẫn Dược Liệu – Nhà Vườn Hưng Yên “Giàu To”

cây cam

Ý TƯỞNG THÔNG MINH CỦA NHÀ VƯỜN HƯNG YÊN KHI TRỒNG CAM CANH XEN LẪN DƯỢC LIỆU

Gần 20 năm trước, cây cam đường canh được người dân xã Tân Dân (Khoái Châu) đem về trồng xen thêm cây địa liền trên đất ruộng. Thấy được hiệu quả kinh tế mà hai loại cây này mang lại, những năm trở lại đây, nhiều gia đình trong xã đã chọn cây cam đường canh và cây địa liền là cây trồng chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.

c6d9b5d33c98c213c2b4b7ab2018f921a3

Về Tân Dân một ngày cuối năm, đúng vào mùa thu hoạch cam và củ địa liền, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những vườn cam rộng lớn trĩu trịt quả trông thật thích mắt, bên dưới những vườn cam vàng rực quả chín là một màu xanh rì của cây địa liền. Con đường liên xã đã được bê tông hoá, hai bên đường san sát những ngôi nhà cao tầng khang trang. Không khí thu hoạch cam thật tấp nập, khắp nơi những chiếc xe máy, xe tải vào ra không ngớt.

cây cam

Cam đường canh là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, quả cam có mã đẹp, vị ngọt và thơm được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào mỗi dịp Tết. Giống cam này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh (từ 3 đến 4 năm cây cho thu hoạch); khi thu hoạch, trung bình một cây cho từ 40 đến 50 kg quả, thậm chí có cây đạt 80 kg quả. Nếu chăm sóc tốt cây sẽ cho thu hoạch trên dưới 10 năm, rồi mới cằn cỗi dần. Còn địa liền là một loại cây dược liệu, cây thân thảo, thân rễ hình trứng, gồm nhiều củ nhỏ, thường được trồng vào tháng giêng và đến mùa khô khoảng tháng 11-12 âm lịch là có thể thu hoạch. So với các địa phương khác, Tân Dân có lợi thế hơn là đất nông nghiệp ở đây chủ yếu là đất thịt màu mỡ có pha một hàm lượng nhỏ cát, rất thích hợp để trồng cây địa liền và các loại cây lâu năm như cam. Việc trồng xen địa liền không những không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cam mà ngược lại, địa liền được trồng bên dưới vừa có thể tận dụng được lượng phân bón, thuốc trừ sâu bà con bón cho cam, vừa hạn chế được cỏ dại, đến tháng 5, tháng 6, lá địa liền xòe rộng phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây cam trong những ngày nắng hạn. Không những vậy, địa liền còn là loại cây ít bệnh, dễ chăm sóc và mang lại thu nhập cao. Chính bởi vậy, nhiều năm trở lại đây, cây cam và cây địa liền đã và đang góp phần tích cực trong xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Đến thăm vườn cam của anh Nguyễn Đình Hằng ở thôn Bãi Sậy 1, vào mùa thu hoạch, vườn cam của gia đình anh trông thật thích mắt. Những cây cam cao hơn đầu người trĩu trịt quả chín, phải dùng gậy chống để đỡ quả. Với 1,3 mẫu cam đường canh trồng xen củ địa liền, qua cây camgần 20 mùa cam nếm đủ cả cay đắng, ngọt bùi, anh Hằng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam đường canh, anh cho biết: “Trồng cam không khó nhưng cần sự đam mê và phải đầu tư. Cam đường canh là một loại cây ăn quả khó tính nên những người trồng phải chăm sóc rất công phu, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trong đó yếu tố quan trọng nhất để cây ra được hoa là người làm vườn phải biết được thời tiết khi nào chuẩn bị trời rét đậm để trước đó xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam. Lúc cây đậu quả non lại phải khoanh – tiện gốc một lần nữa để giữ quả. Đối với cây khoẻ thì tiện bóc vài hôm rồi bọc lại, còn yếu thì phải tiện mịn hơn…”. Năm nay, ước tính gia đình anh Hằng thu được khoảng 5 tấn cam và gần 5 tấn củ địa liền, với giá bán hiện nay là gần 20.000 đồng/kg củ địa liền, trên 50.000 đồng/kg cam, trừ mọi chi phí gia đình anh thu lãi từ 200- 300 triệu đồng”.

Chia tay anh Hằng, chúng tôi đến thăm vườn cam canh của gia đình ông Lê Thanh Sơn cũng ở thôn Bãi Sậy 1. Mặc dù không phải là người tiên phong trồng cam đường của xã và diện tích cam cũng chỉ hơn 6 sào nhưng vườn cam của ông Sơn năm nay lại là một trong những vườn cam cho nhiều quả và mã đẹp nhất cả xã. Dự tính, mùa cam năm nay, gia đình ông sẽ thu được khoảng 2,5 tấn quả và gần 2 tấn củ địa liền. Ông Sơn cho hay: “Mỗi khi có chương trình tập huấn trồng trọt về thôn, tôi lại tích cực tham gia, nghe ở đâu có mô hình trồng cam hiệu quả, tôi cũng tìm đến tận nơi học hỏi. Sở dĩ năm nay có rất nhiều hộ trồng cam bị mất mùa nhưng vườn cam của gia đình tôi vẫn sai quả và chất lượng quả tốt cũng là do tôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để chăm sóc vườn cam của gia đình”.

Không riêng gia đình ông Sơn, anh Hằng, rất nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên xoá đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định từ cam. Cây cam canh đã thực sự trở thành cây không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Được, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Dân phấn khởi cho biết: “Cây cam đường canh được đem về trồng ở xã từ những năm 1992, 1993, thấy được hiệu quả kinh tế cao nên đến năm 1995 các hộ gia đình đã mạnh dạn đưa cây cam ra đồng. Hiện xã có khoảng 60-70 hộ trồng cam xen lẫn cây địa liền với diện tích gần 40 ha, tập trung ở 2 thôn, Bãi Sậy 1 và Bãi Sậy 2, mỗi năm cây cam đường canh và địa liền đóng góp hàng tỷ đồng vào tổng thu nhập của xã”.

Thấy được giá trị kinh tế cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam đường canh và địa liền được người dân nơi đây coi là những loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cùng việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp sẽ tạo điều kiện để nhân dân Tân Dân xây dựng vùng cam có “thương hiệu” để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo báo HY