Thạc Sĩ Lương Văn Dũng Một Kẻ “Nghiện” Trà Mi

cay hoa tra mi

THẠC SĨ LƯƠNG VĂN DŨNG MỘT KẺ ” NGHIỆN ” TRÀ MI

Gã đó là thạc sĩ Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học – Trường Đại học Đà Lạt. Ông là cán bộ khoa học chủ chốt thực hiện đề tài “Điều tra nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng”, và ông đã trở thành con “nghiện” hoa trà mi từ khi lao vào cuộc chơi khoa học đầy thử thách và cũng rất hứng thú này.

cay hoa tra mi

Những đóa trà mi trên núi thẳm

“Vua chơi lan, quan chơi trà”, dân gian nói về thú chơi cao sang của người xưa như thế. Lan là phong lan, trà là hoa trà mi. Ngay cả trong truyện Kiều của Nguyễn Du, nhà thơ cũng dùng hình ảnh của hoa trà mi để nói về thân phận của nàng Kiều “Tiếc thay một đóa trà mi, con ong đã tỏ đường đi lối về”. Còn tiểu thuyết gia người Pháp Alexandre Dumas với tác phẩm Trà hoa nữ (La Dame Aux Camélias) nổi tiếng với thân phận và tình yêu của kỹ nữ Marguerite Gautier, cũng lấy cảm hứng từ loài hoa này – Th.s Lương Văn Dũng đã bắt đầu câu chuyện trà mi của ông như vậy đó.

Qua câu chuyện của Th.s Dũng, hóa ra trà mi không phải chỉ để chơi như một thú tao nhã cao sang, nhiều công trình khoa học đã công bố trong nụ hoa có những hợp chất làm dược liệu phục vụ cho sức khỏe con người, ngăn ngừa bệnh ung thư. Vì lẽ đó mà nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, nhân giống trà mi, đặc biệt là trà mi vàng. Trà mi vàng tự nhiên chỉ có ở hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia khác chưa phát hiện và ghi nhận được. Riêng Việt nam có tới 20 loài trà mi vàng.

cay hoa tra mi cay hoa tra mi

Là một chuyên gia thực vật học, Th.s Lương Văn Dũng nhiều năm “ăn nằm” với cây cỏ, và hoa trà mi cũng có duyên đến với ông hay nói ngược lại cũng không sai. Nhận đề tài, Lương Văn Dũng cùng cộng sự lăn lóc khắp các vùng rừng núi Lâm Đồng. Những địa danh Đồng Nai Thượng, Đạ Huai, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, núi Voi đều ghi dấu chân của ông. Núi rừng bao la, biết hoa ở đâu mà tìm? Ông nói: “Cơ sở để đi thực địa là tài liệu đã công bố, dựa vào thông tin của ngành lâm nghiệp, tìm kiếm thông tin từ thợ rừng, kết hợp với kiến thức và sự hiểu biết của mình”.

Hai năm trèo đèo lội suối, có những chuyến đi dài ngày, nhưng mới về tới nhà chưa kịp nghỉ ngơi, nghe tin ở vùng nào có trà mi là lên đường đi ngay. Nhiều khi ở nhà lâu, thấy nhớ. Nhớ nhất là niềm vui sướng khi lần đầu tiên phát hiện ra trà mi. Cảm xúc đó không tả được, một sự rung động, một sự hoan lạc khoa học. Có những chuyến đi nhiều ngày không thành công, nhưng ông vẫn cố nán lại. Đi ở ngọn núi này, nhìn sang dãy núi kia, thấy sinh cảnh phù hợp với hoa trà mi là tiếp tục đi và tìm.

Trà mi không phân bố tập trung, nên việc tìm kiếm rất khó khăn, vừa vận dụng kiến thức khoa học, nhưng cũng có khi “tùy duyên” mà thành. Ông kể, có những chuyến đi thực địa, phải tìm người dân bản địa dẫn đường. Gặp người “hút” về trà mi thì xác suất gặp được hoa cao hơn. Cũng giống như người đi câu được cá, đi bẫy được chim. Người tìm trà mi cũng vậy, nhưng không gọi là tay “sát hoa” mà là có duyên với hoa.

Tìm được trà mi ở trong rừng chỉ là bước đầu, có những đối tượng phải đi ba đến bốn lần để xác định và lập hồ sơ khoa học. Gặp cây nhưng phải chờ đến mùa ra hoa để quay trở lại, gặp hoa rồi phải chờ ra quả. Có những cây đã tìm thấy, nhưng một hai tuần sau trở lại thì cây không còn vì dân phát rừng làm rẫy. Tốc độ phá rừng nhanh như vậy, trà mi có cơ tuyệt chủng cùng với nhiều thực vật quý hiếm khác.

cay hoa tra mi

Từ vườn khoa học đến thị trường

Trời xanh không phụ gã “nghiện” Lương Văn Dũng và cộng sự của mình. Các nhà khoa học thực hiện đề tài đã tìm ra được 4 loài trà mi vàng tại Lâm Đồng, trong đó có hai loại đặc hữu chỉ có ở Lâm Đồng, đó là “trà mi Đà Lạt” (Camellia dalatensis) và “trà mi Di Linh” (Camellia dilinhensis). Phát hiện mới này đã được công bố trên tạp chí khoa học trà mi (International Camellia Joural). Công bố quốc tế này đã gây tiếng vang trong giới nghiên cứu trà mi trong nước và thế giới.

Kể ra thì nhanh, nhưng để có được hai công bố quốc tế trên thật không dễ dàng. Th.s Lương Văn Dũng giới thiệu vườn nhân giống của Khoa Sinh học – Đại học Đà Lạt, trong đó có một khu vực dành cho trà mi. Nhiều thí nghiệm, qua nhiều giai đoạn khác nhau đầy thử thách và hy vọng. Đáng kể nhất là khắc phục được hai vấn đề khó khăn nhất, đó là cây không bung chồi và không ra rễ. Th.s Dũng và cộng sự đã nhân giống thành công 3.000 cây theo phương pháp “giâm hom”. Từ kết quả này, đã chuyển giao cho Vườn quốc gia Bi Doup – Núi Bà, Vườn hoa thành phố Đà Lạt, Khu công nghệ cao – Sở KHCN Lâm Đồng. Cùng với nhân giống “giâm hom”, Th.s Lương Văn Dũng thực hiện phương pháp nhân giống “nuôi cấy mô”. Qua những vật lộn trong phòng thí nghiệm, kết quả rất mỹ mãn, nhân giống thành công 3.000 cây.

Việc của các nhà khoa học đã xong, phần khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế cần những nỗ lực khác. Tại Hội thảo khoa học “Định hướng bảo tồn và phát triển một số loài thực vật quý hiếm, có giá trị ở Lâm Đồng” được tổ chức đầu tháng 9 vừa qua, Th.s Lương Văn Dũng đã trình bày đề tài “Phương án bảo tồn loài trà mi Đà Lạt”, trong đó có phân tích các góc độ khai thác. Hoa trà mi, ngoài là đối tượng nghiên cứu khoa học, cần khai thác kinh doanh như một loại cây cảnh cao cấp để phục vụ người sành chơi. Hiện nay trên thị trường, một chậu hoa trà mi dao động từ 400.000 – 800.000 đồng. Hoa trà mi nên được trồng tập trung ở các khu du lịch sinh thái như một đặc sản của địa phương vì Lâm Đồng có đến 14 loài trà mi tự nhiên.

Một hướng khai thác rất quan trọng là sản xuất dược liệu. Các quốc gia nổi tiếng về nghiên cứu và nhân giống hoa như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc đều sản xuất dược liệu từ loài hoa này. Việt Nam không thể không làm khi ta có nguồn nguyên liệu trà mi thiên nhiên trời cho như hiện nay. Ít nhất, có thể làm ngay các sản phẩm từ trà mi Đà Lạt như nụ hoa khô, bột lá, dầu béo, thực phẩm, nước uống chức năng.

Làm khoa học luôn cần sự lãng mạn, Th.s Lương Văn Dũng chỉ tay vào vườn cây trà mi và nói, rằng ông hình dung vài năm tới, khắp khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt sẽ tràn ngập hoa trà mi, và trên nhiều cung đường của thành phố Đà Lạt cũng sẽ được trồng hoa trà mi để du khách phải ngẩn ngơ như ngắm nàng Marguerite Gautier xinh đẹp bước ra từ tác phẩm của Alexandre Dumas. Đúng là chỉ có gã “nghiện” trà mi chính hiệu mới lãng mạn như thế.

Sưu tầm