Người Tiên Phong Giúp Cây Na Ra Trái Theo Ý Muốn

Anh Nguyễn Xuân Thủy chăm sóc vườn na.

NGƯỜI TIÊN PHONG GIÚP CÂY NA RA TRÁI THEO Ý MUỐN

“Sinh ra ở làng, thấm thía đến tận cùng những khó khăn, thiếu thốn của nhà nông, từ nhỏ tôi đã chọn cuộc đời mình sẽ bám chặt lấy đất quê, nhưng không phải là trồng lúa, trồng ngô mà làm vườn, trồng na”.

Anh Nguyễn Xuân Thủy chăm sóc vườn na.
Anh Nguyễn Xuân Thủy chăm sóc vườn na.

Tôi là người đầu tiên ở vùng này tìm ra giải pháp thâm canh và thụ phấn nhân tạo cho na dai, năm 2009 được hội đồng khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đánh giá cao, được Hội Nông dân (ND) tỉnh lựa chọn là giải pháp cải tiến kỹ thuật hiệu quả áp dụng trong sản xuất…” – Anh Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội ND xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang kể về con đường lập nghiệp của mình…

42 tuổi (sinh năm 1970), thâm niên mấy mươi năm trồng na, 15 năm làm cán bộ Hội ND, 6 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội ND, anh Thủy bảo rằng, giờ thì tâm lý lo lắng đến mất ăn, mất ngủ không còn ám ảnh anh mỗi khi vườn na mắc dịch bệnh hay lá biến màu nữa. Ngày trước, chưa vững về kỹ thuật chăm sóc na, quá trình ra hoa, kết quả của cây lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vụ nào gia đình anh cũng như bà con ở đây lại nơm nớp lo. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì cao; na năng suất lại kém, hình thức xấu, thương lái ép giá… nên nhiều vụ thu hoạch cả vườn na chỉ vừa đủ vốn đã là may.

“Đã xác định na là giống cây chủ lực để làm kinh tế thì phải tìm ra giải pháp để chi phối chu trình ra hoa, đậu quả” – anh Thủy nghĩ vậy và đã khăn gói tìm đến các vựa na lớn trong nước như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tây Ninh để học hỏi kinh nghiệm. Từ những điều mắt thấy, tai nghe, tay ghi, anh trở về vườn na nhà mình khoanh khoảnh đất để nghiên cứu và thử nghiệm. Thời gian phải tính bằng năm, anh đã hoàn thiện, xây dựng thành công quy trình kỹ thuật thâm canh, chủ động thụ phấn nhân tạo để cây na dai cho năng suất cao.

Theo quy trình kỹ thuật mà anh Thủy xây dựng thì vào thời điểm sau lập xuân 20 ngày, các chủ vườn tiến hành cắt cành từ 20 – 30cm, dùng thuốc siêu lân phun 7 ngày/lần. Khi nụ hoa na hé mở có màu trắng thì thụ phấn nhân tạo cho hoa. Đây là phương pháp thủ công rất hữu hiệu trong việc chủ động số quả trên mỗi cây, để có quả to đều và mẫu mã đẹp. Cùng với đó, anh Thủy sử dụng phân bón lá, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên na không những cho quả to, đều mà tình trạng nấm mốc và thối cây cũng không còn. “Thực tiễn đã chứng minh, ở diện tích na phát triển tự nhiên chỉ thu lãi tối đa khoảng 22 triệu đồng/ha, với những khu vườn áp dụng theo giải pháp kỹ thuật do tôi xây dựng lãi tới trên 100 triệu đồng/ha” – anh Thủy cho biết.

Rất nhiều hộ trong xã, trong huyện nhờ vườn na thâm canh theo phương thức chủ động thụ phấn theo cách của anh Thủy mà có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Giải pháp kỹ thuật của tôi mới đây đã được chính quyền huyện Lục Nam đề nghị Hội ND phổ biến, nhân rộng. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều gia đình làm giàu nhờ cây na…” – anh Thủy bộc bạch.

Sưu tầm