CÂY KHÔNG DIỆP LỤC
NHỮNG KẺ ĂN BÁM THỨ THIỆT TRÊN ĐẤT VIỆT
Trong tự nhiên Việt Nam, có một số loài thực vật không có chất diệp lục trên cơ thể, chúng sống nhờ vào dinh dưỡng từ các chất hữu cơ phân huỷ của sinh vật khác, hoặc từ mô chết.
Hầu hết các loài thực vật sống bám thường ở các vùng núi cao, và là những loài thuốc quý trong dân gian. Tuy nhiên số lượng loài rất hiếm gặp đối với ngay cả những nhà nghiên cứu về thực vật. Một số loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Trên hình vẽ là cây Dó đất hoa thưa Balanophora laxiflora. Trên đỉnh Mẫu Sơn – Cao Bằng, ở độ cao 1.600m so với mặt biển loài thực vật Balanophora laxiflora được đưa vào sách đỏ Việt Nam, đang khoe sắc trong cái lạnh cuối thu và như báo hiệu những cơn gió mùa đông bắc sẽ tràn về.
Cây ký sinh trên rễ, màu nâu đỏ, không có diệp lục, cao 10 – 20cm. Loài cây này là nguồn gene qúy hiếm và rất độc đáo, cây còn được dùng làm thuốc. Hiện chúng là loài bị săn tìm ráo riết để phục vụ cho những bài thuốc tăng cường sinh lực cho các quý ông.
Dó đất nấm Balanophora fungosa. Trong các loài thực vật thuộc họ dương đài Balanophoraceae, thì Dó đất nấm Balanopphora fungosa có vùng phân bố rộng khắp từ Ấn Độ, Đông Dương đến đảo Hải Nam, bán đảo Malaysia, đảo Sumatra (Indonesia), vài đảo ở Thái Bình Dương và Australia.
Ở Việt Nam, nhiều người gặp chúng ở khu vực từ Hà Nội tới An Giang. Đây là loài mọc phổ biến trong rừng thường xanh. Chúng ra hoa quanh năm nhưng chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Loài cây này sống ký sinh trên rễ các loài cây thân gỗ, cả cây gỗ và dây leo.
Đồng bào dân tộc ở Ninh Thuận thường dùng cây sắc nước uống làm thuốc trị bệnh đau bụng và đau toàn thân. Có người dùng nó như vị tỏa dương làm thuốc ngâm rượu bổ tinh, cường tráng mạnh gân cốt.
Dó đất đài rộng Balanophora latisepala. Dãy núi Minh Đạm thuộc Bà Rịa -Vũng Tàu với bạt ngàn các loài sinh vật tồn tại, nay chỉ còn là trong ký ức đối với người sống quanh vùng núi này. Giờ đây chúng chỉ còn trơ trọi những tảng đá mẹ bạc phếch cùng năm tháng và những lùm cây bụi lúp xúp bao quanh.
Mặc dù sự tàn phá của con người như muốn tuyệt diệt các loài sinh vật đã được tạo hóa ban tăng cho thiên nhiên nơi đây, nhưng đâu đó trong các hang sâu, kẽ đá loài Dó đất đài rộng Balanophora latisepala vẫn tồn tại và phát triển trong các vách đá ẩm ướt, thiếu sáng.
Loài thực vật ký sinh không thân, có củ cứng, mặt nhăn nhúm, có mụn hình sao. Cụm hoa cái của chúng hình đầu tròn, màu nâu đỏ, cuống ngắn.
Dó đất cúc phương Balanophora cucphuongensis. Đây là loài đặc hữu hẹp của miền bắc Việt Nam, lần đầu tiên loài này được các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Bân phát hiện ở khu vực Bống thuộc vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình năm 1995. Hiện loài này được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Đầu chuỳ Rhopalocnemis phalloides. Trong các loài thực vật ký sinh, thì loài cây này thực sự mang đến điều kỳ thú cho người chiêm ngưỡng. Loài cây ký sinh trên rễ này hoàn toàn không có lá và không có diệp lục, nó cao 15 – 25cm. Thân mập, dạng củ, màu vàng đậm hoặc vàng nâu.
Đây là loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam, vì nó là nguồn gene quý hiếm, đại diện duy nhất của chi Rhopalocnemis đơn loài ở Việt Nam. Loài này được các nhà nghiên cứu phát hiện mọc rải rác trong rừng (ký sinh trên rễ) cây lá rộng, ở độ cao khoảng 1.000 – 2.000m ở Kontum, Lâm Đồng, Gia Lai.
Theo VNE