Chàng Thanh Niên Làm Giàu Trên Mảnh Đất Nghèo Từ Cây “Vạn Năng”

CHÀNG THANH NIÊN LÀM GIÀU TRÊN MẢNH ĐẤT NGHÈO TỪ CÂY “VẠN NĂNG”

Cũng bình thường như bao người nhưng nhờ lao động chăm chỉ, anh Nguyễn Tiến Dương đã trở thành triệu phú với thu nhập 300 triệu/năm nhờ cây vạn năng chùm ngây.

Người đầu tiên trồng và phát triển giống cây quý tại miền Bắc

Anh Nguyễn Tiến Dương ( Sóc Sơn- Hà Nội) tuy xuất thân từ một vùng quê gắn liền với cây lúa nhưng lại được sinh ra trong gia đình khá giả khi bố mẹ có cơ sở sản xuất chè lớn nổi tiếng khắp vùng. Được bao bọc bởi gia đình, tương lai là người kế nghiệp xưởng chế biến chè mà nhiều người hàng mong ước, thế nhưng anh Dương lại muốn tạo dựng cho mình con đường sự nghiệp riêng để thử thách bản thân. Và anh đã quyết định lập một trang trại trồng chùm ngây với diện tích rộng 5000m2.

Ông chủ trẻ kiếm bộn tiền từ cây “vạn năng” - 1

Anh Nguyễn Tiến Dương làm giàu trên mảnh đất nghèo khó quê hương

Là một người trầm tính, ít nói, từ nhỏ đến lớn anh chưa hề có ý niệm về ngành nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi song khi bắt tay tạo dựng trang trại, anh Dương lại trở nên tháo vát, thạo mọi công việc như đã thân thuộc từ lâu lắm khiến nhiều người kinh ngạc.

Hiện nay, khi các khu công nghiệp được mọc lên nhiều hơn, người dân tại các vùng quê bỏ đất canh tác nông nghiệp để đi làm công nhân nên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng lớn. Và chính anh đã biến những mảnh đất ruộng bỏ hoang trở nên xanh tốt bởi một loại cây được ví là cây “vạn năng”.

Ở Việt Nam, chùm ngây được phát hiện mọc hoang từ lâu đời tại nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận. Chỉ vài năm gần đây, khi được mang hạt từ nước ngoài về Việt Nam, được trồng có chủ định và qua nghiên cứu, người ta thấy được lợi ích to lớn từ loại cây này.

Sự hiểu biết của người dân về loại cây quý này cũng còn hạn chế. Vậy mà, một chàng trai mới học hết cấp 3 đã tìm hiểu, nghiên cứu và nhân giống được một trang trại chùm ngây với số lượng hơn 3 nghìn cây và trở thành người đầu tiên trồng và phát triển giống cây dược liệu quý giá này tại miền Bắc.

Anh Dương cho biết: “Chùm ngây vừa là dược liệu, vừa là một thực phẩm rất tốt. Ngoài khả năng thanh lọc nước và cho giá trị dinh dưỡng cao, cây chùm ngây còn là một dược thảo quan trọng trong việc điều trị một số bệnh. Nó có tính kích thích, giúp lưu thông máu huyết, giúp dễ tiêu hóa, tác dụng trên hệ thần kinh, làm dịu đau; ngoài ra, hạt và nhựa cây cũng giúp giảm đau rất tốt”.

Quá trình lập nghiệp làm giàu từ cây chùm ngây

Cũng giống bao trang trại khác, ý định ban đầu của anh Dương chỉ là đào ao thả cá, nuôi gà, nuôi trâu, trồng rau để phục vụ gia đình. Thế nhưng cơ duyên đến bất ngờ với anh khi gặp chú Phan Văn Ngũ ( huyện Bảo Yên- tỉnh Lào Cai), người đã tìm hiểu về cây chùm ngây trước đó và được biết giá trị tiềm năng về kinh tế nên đã thuyết phục anh Dương thử nghiệm với loại cây trồng mới này.

Ông chủ trẻ kiếm bộn tiền từ cây “vạn năng” - 2

Anh Dương cho biết nên thu hoạch rau chùm ngây vào buổi sáng sớm là thích hợp nhất.

Anh Dương tìm hiểu thông tin về loại cây chùm ngây trên mạng, qua những hội thảo về công dụng chùm ngây mang lại và quyết đoán với ý định nhập giống cây về trồng tại trang trại. Vì đây là loại cây rất dễ trồng nên anh càng hăm hở hơn với công việc mới. Tuy nhiên, càng hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi những cây non cứ chết dần chết mòn

Khi cây giống bị chết hàng loạt như vậy, anh Dương có nhờ đến chi cục bảo vệ thực vật của huyện Sóc Sơn tìm hiểu nguyên nhân nhưng chưa có kết quả cụ thể vì đây là một loại cây mới nên chưa có công trình nghiên cứu về các loại bệnh mà cây mắc phải.

Không chấp nhận mất số tiền vốn và công sức ban đầu đã bỏ ra, anh Dương kiên trì theo đuổi tới cùng, anh khắc phục sai sót trong khâu ươm cây giống và tiếp tục phát triển những cây chùm ngây của mình.

Cây chùm ngây có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Những vùng thiếu nước nên trồng vào mùa mưa, tức khoảng tháng 4, tháng 5.

Loài cây này chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc. Tuy nhiên cây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt. Chính vì vậy, để trồng những cây chùm ngây này, anh Dương phải tạo những luống rộng khoảng 2m, cao khoảng 20-30 cm và chuẩn bị các rãnh để thoát nước tốt. Mỗi luống có thể trồng 2 hàng chùm ngây với khoảng cách của các cây là 1m nếu trồng cây để lấy rau. Và nếu trồng cây để lấy hạt và hoa thì cần khoảng cách lớn hơn.

Theo kinh nghiệm của anh Dương, khi cây ươm lên mầm cao khoảng 15cm – 20cm thì sẽ đem ra ruộng trồng và chỉ cần 3 tháng trở đi là có thể thu hoạch được. Điều đặc biệt, cây chùm ngây không có sâu nên không cần phun thuốc vì vậy mà mọi người có thể trực tiếp ngắt lá chùm ngây ăn sống được.

Thu 300 triệu/năm nhờ cây “thần dược”

Để chăm sóc tốt hơn cho trang trại của mình, anh Dương thuê thêm 6 công nhân cố định với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Hiện tại vườn chùm ngây của anh Dương tập trung vào để thu nhập lấy rau là chủ yếu. Loại rau này có giá bán trên thị trường dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg. Và thị trường chủ yếu của trang trại anh Dương là những cơ sở bán rau sạch trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi năm, cơ sở anh Dương cung cấp khoảng 3000 cây chùm ngây, tương đương với 300 triệu đồng.

Chị Mai Thị Hạnh ( Nghĩa Tân- Cầu Giấy- Hà Nội) người trực tiếp lấy rau chùm ngây của anh Dương để bán buôn cho biết: “Tôi lên mạng tìm hiểu thì được biết rau chùm ngây có rất nhiều chất dinh dưỡng và đã bắt đầu kinh doanh rau chùm ngây, thời gian đầu tôi chỉ kinh doanh online, người ta dùng và phản hồi lại rất thích loại rau này, tốt cho mọi người đặc biệt đối với trẻ con và phụ nữ mới sinh”.

Ngoài việc trồng chùm ngây để thu hoạch sản phẩm, anh Dương còn đầu tư phát triển vào cây chùm ngây giống để cung ứng giống cho trang trại cũng như cung ứng giống cho những hộ xung quanh.

Để phát triển rộng rãi mô hình cây trồng chùm ngây, anh Dương đã đầu tư cây giống và phân bón cho những hộ nông dân tại địa phương. Tổng diện tích các hộ dân trồng hiện nay đã lên tới 6 héc ta.

“Được phổ biến từ hội cấp trên từ năm 2012, tôi thấy Dương trồng được loại cây này rất có tiềm năng nên đã đưa hội viên tới thăm quan, học hỏi và hiện tại diện tích trồng của xã tôi đã lên 3,5 héc ta dựa trên nguồn cung cấp giống của anh Dương”– ông Nguyễn Văn Muộn (Chủ tịch hội làm vườn xã Mai Đình- huyện Sóc Sơn) cho biết.

Dự định trong tương lai anh Dương sẽ đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm từ cây chùm ngây như đóng trà túi lọc, nghiền lấy bột,…và lập một trang web giới thiệu về loại cây cũng như công dụng của nó mang lại để nhiều người được biết tới.

Theo 24h.com.vn