CÂY NHÂN TRẦN (CÂY THUỐC)
Cây nhân trần còn có tên gọi khác là chè nội, chè cát, tuyến hương lam, tên khoa học Adenosma caeruleum R. Br. (Adenosma glutinosum (L.) Druce var. caeruleum Tsoong), thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.
Cây nhân trần thường mọc hoang ở những đồi, ruộng trung du miền Bắc, nhiều nhất tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghĩa Lộ, Quảng Ninh, Hà Nội (Sóc Sơn), v.v… ở phía Nam cũng gặp Nhân trần mọc ở Tây Ninh. Nhân trần phân bố ở Thái Lan, ấn Độ, Inđônêxia.
Đặc điểm
Cây nhân trần là loài cỏ mọc hoang sống hàng năm, cây cao từ 80 – 110 cm, thân tròn màu tím sẫm, trên thân có lông trắng mịn, cây có khả năng phân cành nhiều. Lá mọc đối, hình trứng, đầu lá dài, mép lá có răng cưa, phiến lá dài từ 4 – 9 cm. Hoa mầu tím, mọc đơn độc, hình ống. Quả nang hình trứng, khi chín quả có mầu nâu và tự tách ra, hạt nhỏ mầu nâu. Mùa hoa vào tháng 8 – 9. Mùa quả vào tháng 9 – 10.
Công dụng
Thường dùng chữa:
1. Hoàng đản cấp tính;
2. Tiểu tiện vàng đục và ít;
3. Phụ nữ sau sinh đẻ ăn chậm tiêu.
Ngày dùng 20-30g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Nhân dân thường dùng Nhân trần làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu. Cũng dùng kết hợp với quả Dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát triển ở trẻ em.
Ở Trung Quốc, người ta dùng cây này để chữa:
1. Giai đoạn đầu của bệnh bại liệt trẻ em, thấp khớp đau nhức xương;
2. Đau dạ dày;
3. Rắn cắn, đòn ngã tổn thương, viêm mủ da;
4. Eczema, mề đay. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.
Để dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.
Một số hình ảnh tham khảo cây nhân trần
Sưu tầm