CÂY NHÃN 300 NĂM TUỔI
THÍCH NGHE TIẾNG CHUÔNG CHÙA
Có người kể rằng, cây nhãn tiến vua trong sân chùa Hiến (Hưng Yên) ngót nghét 300 tuổi không chỉ cổ mà còn rất thiêng, biết nghe cả tiếng chuông chùa, gõ mõ…
Cây nhãn tiến vua nổi tiếng ngày xưa nằm trong sân chùa Hiến (Hưng Yên) giờ đã ngót nghét 300 tuổi. Theo thời gian, chẳng hiểu vì sao thân cây càng ngày càng nghiêng hẳn vào phía cửa chùa, các cành đẹp (cành la) cũng lao vào phía cửa chùa…
Nhằm hướng cửa chùa mà nghiêng
Đến đất Hưng Yên hỏi cây nhãn cổ hầu như ai cũng biết. Không ít người còn kể rằng cây nhãn này không chỉ cổ mà còn rất thiêng vì biết nghe tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ, tụng kinh… Chúng tôi đến chùa Hiến thuộc làng Hoa Dương (Mậu Dương) cổ xưa, nay gọi đường phố Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên nơi có cây nhãn tiến vua cổ vào buổi trưa một ngày đầu tháng 4 khi hoa nhãn bắt đầu nở rộ. Cây nhãn tiến vua cổ nằm ngay đầu cổng chùa giáp với tường rào ngăn chùa Hiến với đường phố Hiến. Cây không cao, không to như một số cây cổ thụ khác, nhưng lại xum xuê, vỏ cây sù sì, rêu bám đầy in dấu tích của thời gian. Đặc biệt, đúng như mô tả của nhiều người dân trong vùng thân cây không thẳng mà đổ nghiêng về phía cửa chùa.
Đại đức Thích Thanh Sơn, trụ trì chùa Hiến kể đây chính là cây nhãn cổ nhất ở đất Hưng Yên. Cách đây khoảng 300 năm có ông quan trấn thủ của Trấn Sơn Nam đã mang từ đâu cây nhãn về đất này trồng. Chả hiểu hợp đất hay đây là giống nhãn đặc bịêt mà khi ra hoa, kết quả thì quá ngon không giống nhãn nào bì kịp. Vì là nhãn quý nên đến mùa quả chín, người ta hái quả để lễ Phật và làm đặc sản để tiến vua. Cũng vì là nhãn quý nên đối với người dân trong làng, nhãn được chia theo suất đinh.
Người dân sống lâu năm ở đây kể, thật ra cây nhãn bây giờ chỉ là một nhánh của cây nhãn cổ ngày xưa. Trước đây cây to gấp 3 lần cây bây giờ nhưng theo thời gian cây bị già cỗi, mục ruỗng và đổ gục xuống. Một nhánh còn sót lại từ thân cây bị đổ này đã vươn lên và thành cây bây giờ. Điều đáng nói khi mọc lên, nhánh cây này không mọc thẳng mà mọc nghiêng, cũng không nghiêng ra phía đường mà lại nghiêng vào phía cửa chùa. Những cành cây nghiêng về phía chùa thì xum xuê, đẻ nhánh nhiều hơn hẳn so với phía cây giáp với mặt đường, hoa nở cũng nhiều hơn và quả cũng nhiều hơn…
Vì cây bị nghiêng nên người dân đã dùng 2 cột điện để chống cho cây khỏi đổ. Mấy năm trở lại đây, do cột điện nhìn không thẩm mỹ nên đã được thay bằng 2 cột bê tông thiết kế giống như thân cây cho đẹp mắt.
Đại đức trụ trì chùa Hiến kể, việc cây nghiêng vào chùa cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng cây nhãn này thiêng nên nghiêng về phía chùa để nghe tiếng chuông, tiếng gõ mõ, tụng kinh và đây cũng chính là lý do cây cho hoa thơm, trái ngọt mà các giống nhãn khác không thể sánh bằng. Ý kiến khác lại cho rằng đơn giản là vì cây bây giờ chỉ là nhánh cây mọc lên từ thân cây bị đổ, có thể khi mọc đã mọc lệch và nghiêng về phía chùa như một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn phía nhà chùa thì không cố lý giải điều này vì cây nghiêng là tự nhiên, mà cái gì là tự nhiên thì cứ trả về tự nhiên.
Không có cây thứ hai
Đối với nhãn thông thường “cứ một năm ăn quả, một năm trả cành”, nghĩa là một năm sai quả thì sang năm sẽ mất mùa. Tuy nhiên, cây nhãn cổ này năm nào cũng ra quả, chưa bao giờ bị mất mùa. Mà quả thì rất đặc biệt hoàn toàn không giống với các loại nhãn khác. Ai sống ở khu vực này lâu đều biết, so với nhiều cây nhãn cũng được trồng trong khuôn viên chùa, cây nhãn cổ này bao giờ hoa cũng rất sai, chùm hoa to và có mùi thơm ngào ngạt. Khi đậu quả thì vỏ ngoài của quả có màu nâu nâu, chùm nhãn rất dài và mềm chứ không cứng như nhãn thông thường, quả bẹt và to như trái vải thiều. Bóc qua lớp vỏ, khác với các loại nhãn khác có cùi nhẵn bóng, cùi nhãn của cây nhãn cổ này có nếp nhăn và có màu đùng đục như màu của viên đường phèn, ăn thì cho vị ngọt vừa phải, thơm, dai và giòn, khi ăn không bị dính răng.
Điều đặc biệt nữa là người dân đã lấy hạt của cây nhãn cổ để trồng với mong muốn nhân rộng giống cây này, mà cũng trồng cách đấy không xa, vậy mà quả tuy cũng to nhưng ăn không thơm và ngọt như cây nhãn cổ… Không ít người dân cho rằng vì đây là nhãn thiêng nên không có chuyện mang giống đi muôn nơi được.
Về điều này sư trụ trì chùa lý giải, việc nhãn năm nào cũng có quả là do chủ ý của nhà chùa vì muốn có quả để lễ đức phật. Thông thường, nếu để cây sai hoa, đậu quả nhiều thì sang năm cây sẽ bị mất mùa. Vì thế, năm nào nhà chùa cũng thực hiện cắt tỉa để giữ cho cây ra quả vừa đủ để năm sau lại ra quả tiếp. Vì thế, mỗi năm làm sao để cây chỉ ra khoảng 20kg/vụ. Để làm được điều này, khi hoa nhãn bắt đầu đậu quả, quả to như hạt đỗ thì bắt đầu tỉa, cứ 5 chùm thì tỉa 3 chùm (nếu cắt ngay từ khi hoa mới nở thì rất khó vì cắt sâu sẽ làm cây đau mà cắt ngắn thì chỗ vừa cắt sau một thời gian sẽ đùn ra hoa mới).
Còn việc cũng hột nhãn ấy trồng ra chỗ khác chất lượng không bằng cũng dễ lý giải. Có thể tại vị trí đấy, đất tốt nên thích hợp cho cây, còn ra chỗ khác đất không hợp nên cây không thể bì kịp. Bản thân sư thầy cũng tự tay lấy hột nhãn trồng 2 cây ngay trong khuôn viên chùa, khi đậu quả, quả cũng to, nhưng không ngọt bằng và hạt thì to hơn so với cây nhãn cổ rất nhiều.
Vừa chăm vừa lo
Hiện nay, việc chăm cây thì không có gì khó vì đã có cả quy trình chăm, mỗi năm cứ 3 lần phun thuốc một lần tỉa cành (tỉa các cành khô, sâu…). Tuy nhiên, điều khó nhất bây giờ là cây đang được trồng trong một bầu đất. Nhiều người lo rằng bầu đất này không đủ chất dinh dưỡng cho cây.Bản thân nhà chùa trước đây đã có ý tưởng phá vỡ bầu đất, nhưng ý tưởng này cho đến bây giờ vẫn chưa ai dám thực hiện vì sợ “đụng” vào có thể không bảo tồn được cây. Tuy nhiên, cứ để bầu đất như thế này thì về lâu về dài cũng không khả thi. Trước đây bầu đất thấp nhưng giờ đã cao đến 2m, và nếu cứ bón tiếp đất cho cây thì không biết bầu đất sẽ cao đến mức nào.
Sưu tầm