CÂY HOA PHƯỢNG TÍM
“KHÔNG CÁNH MÀ BAY”
Trong hơn hai tháng qua (từ trước Tết Quý Tỵ – 2013 đến nay), trên địa bàn TP.Đà Lạt đã xảy ra nhiều vụ trộm cây phượng tím – loài cây quý hiếm nhập ngoại chỉ trồng tại Đà Lạt – Lâm Đồng.
Đây là cây phượng tím duy nhất ở Việt Nam suốt mấy chục năm, từ 1965 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước – khi giống cây này bắt đầu được “nhân bản” (kỹ thuật in vitro) đại trà và được mang trồng khắp Đà Lạt. Trong vài năm gần đây, người dân ở một số tỉnh khác có mang giống phượng tím Đà Lạt về địa phương mình trồng, nhưng kết quả hầu hết những cây giống ấy chỉ có lá nhưng không nở hoa. Do vậy, phượng tím cho đến lúc này gần như là giống hoa độc quyền của xứ sở hoa Đà Lạt. Hơn thế, qua thời gian, phượng tím đã trở thành “linh hồn” của xứ sở sương mù Đà Lạt.
Chỉ một đêm, cả chục cây phượng “không cánh mà bay”
Vài tháng qua, nhiều hộ dân và kể cả các cơ quan, ban ngành bỗng trở nên lo lắng, bởi trên địa bàn TP.Đà Lạt đã xuất hiện nạn đào trộm gốc phượng tím cổ thụ (từ mười năm trở lên)… mang đi đâu không rõ(!). Không ít chủ nhân những gốc phượng tím có tuổi từ mười năm trở lên trong vườn được một số người đặt vấn đề mua bán (bứng nguyên cả rễ), với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Rải rác đã có những vụ trộm gốc phượng cổ thụ xảy ra trên địa bàn TP.Đà Lạt. Một cơ quan trên đường Quang Trung chỉ sau một đêm có đến cả chục cây phượng tím “không cánh mà bay”. Nghiêm trọng hơn, cách nay chưa lâu, một vụ “trộm” phượng tím hy hữu đã xảy ra tại khuôn viên Trung tâm Vui chơi giải trí Đà Lạt (số 11, Trần Quốc Toản).
Buổi chiều, Thanh tra Cty dịch vụ đô thị Đà Lạt lập biên bản đối với ông Nguyễn Quang Hưng (Trưởng ban đại diện điều phối Trung tâm) về việc bứng 6 gốc phượng tím ngay trong khuôn viên của trung tâm; thì sáng hôm sau, lực lượng chức năng lại bắt quả tang chiếc xe chở những gốc phượng tím này đi tiêu thụ (trị giá khoảng 120 triệu đồng, nhằm lấy tiền trang trải tiền điện nước như lời giải thích của ông Hưng sau đó).
Chỉ tính những cây phượng tím “đời đầu” (những cây phượng tím con đầu tiên được nhân giống đại trà vào những năm đầu 90) thì tuổi thọ của chúng hiện nay cũng đã lên trên dưới 20 năm. “Những gốc phượng trên 30cm này phải có giá hơn 30 triệu đồng/gốc!” – một người “sành” “mặt hàng” phượng tím ở Đà Lạt nói.
Phượng tím lâu nay trở thành “linh hồn” của xứ sở sương mù Đà Lạt, vì vậy đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng đào trộm như hiện nay.
(Theo Lao động)