Cây Dương Xỉ Có Khả Năng Lọc Nước Ô Nhiễm Do Thạch Tín

duong xi loc asen

CÂY DƯƠNG XỈ CÓ KHẢ NĂNG LỌC NƯỚC Ô NHIỄM

DO THẠCH TÍN

Theo các nhà khoa học Mỹ, có thể làm sạch nước ô nhiễm thạch tín (asen) bằng cách trồng một loại dương xỉ mang tên Pteris vittata trong đó. Trong vòng chưa tới một ngày, cây sẽ hút asen ra khỏi nước, làm mức kim loại độc này giảm xuống dưới ngưỡng an toàn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đặt ra.

duong xi loc asen
Dương xỉ Pteris vittata có khả năng lọc asen

Tiến trình làm sạch nước theo cách trên được gọi là lọc thực vật (phytofiltration). Nó có thể là một phương pháp rẻ tiền loại bỏ asen khỏi nguồn nước. Theo Mark Elless thuộc Công ty Edenspace Systems ở Virginia và đồng nghiệp, dương xỉ có thể được trồng trực tiếp trong nước, tương tự các hệ thống lau sậy hiện được sử dụng để loại bỏ chất hữu cơ.

Andrew Meharg, chuyên gia nghiên cứu thực vật hấp thụ asen tại ĐH Aberdeen (Anh) nhận xét: “”Đây là một công nghệ thú vị””. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng nó là phương pháp phù hợp nhất để làm sạch nước trên quy mô nhỏ tại các nước phát triển chứ không phải lọc nước ô nhiễm tại các quốc gia đang phát triển.

Nước sinh hoạt và tưới tiêu nhiễm asen, được lấy từ các giếng khoan, là mối đe doạ lớn đối với sức khoẻ người dân tại Bangladesh và Ấn Độ. Khi nước được sử dụng để tưới cho các đồng lúa, asen cũng tích tụ trong loại cây trồng này. Theo ước tính, 3.000 người có thể chết ở Bangladesh mỗi năm do ngộ độc asen từ nước. Elless và đồng nghiệp hy vọng dương xỉ của họ có thể được thích ứng để giúp lọc nước tại những quốc gia này. Phương pháp mới rất rẻ tiền và loại dương xỉ trên sinh trưởng trong khí hậu nóng ẩm giống như khí hậu ở nhiều vùng châu Á.

Tuy nhiên, Meharg ít lạc quan hơn. Ông chỉ ra rằng dương xỉ không thể đối phó được với lượng nước khổng lồ được sử dụng trong tưới tiêu. Sử dụng dương xỉ làm sạch nước có thể mang lại lợi ích ở những nước phát triển hơn. Chẳng hạn asen trong hàng nghìn hệ thống cung cấp nước tại Mỹ vượt quá giới hạn 10microgam/lít của EPA. Giới hạn này sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2006. Giới hạn hiện nay là 50microgam/lít.

Cách đây ba năm, Pteris vittata được xác định là thực vật siêu hấp thụ asen. Nó sẽ chứa tới 22g asen trong mỗi kilogam lá. Đây là loài thực vật sinh trưởng nhanh và chịu được điều kiện khắc nghiệt. Elless và đồng nghiệp đã chứng minh rằng trong vòng 24 giờ, dương xỉ giảm mức asen (200microgam) trong một lít nước xuống gần 100 lần, dưới mức mới của EPA.

Không giống phần lớn các phương pháp loại asen khác, lọc asen bằng thực vật không tạo ra bùn chứa nhiều asen mà rất khó vứt bỏ. Ép nhựa dương xỉ có thể chiết xuất được 70% asen để sử dụng cho các mục đích công nghiệp.

Sưu tầm