Câu Chuyện Về Người Nông Dân Làm Giàu Từ Cây Nhãn

nhan

CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN

LÀM GIÀU TỪ CÂY NHÃN

nhan

Ngôi nhà tường mới xây khang trang gần nửa tỷ đồng nằm giữa khu vườn nhãn đang độ ra hoa kết trái mà anh cựu chiến binh Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) vừa mới xây xong là thành quả từ hơn 7.000 m2 nhãn tiêu Huế anh trồng đã gần 10 năm nay.

Năm 1992, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, anh Phích xây dựng gia đình với hơn 3 công đất được cha mẹ cho ra riêng. Lúc đầu, vùng đất xứ cù lao này chỉ canh tác được 1 vụ lúa bấp bênh vì nước chụp, cáu bồi, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định lên liếp cải tạo vùng ruộng trũng thành vườn cây ăn trái. Ban đầu, anh mua 200 gốc nhãn long về trồng, sau hơn 2 năm bắt đầu thu hoạch, do lối canh tác truyền thống, cây nhãn cho năng suất không cao, giá cả trước đây không ổn định, nhiều vụ nhãn nhà vườn phải lao đao vì giá nhãn xuống thấp.

Nhiều người xung quanh đốn nhãn trồng lại cây trồng khác, nhưng anh Phích quyết bám cây nhãn. Anh thay cây nhãn long bằng nhãn tiêu Huế được thị trường ưa chuộng. Học hỏi từ cơ quan khuyến nông, những nhà vườn có kinh nghiệm, anh đã thay đổi kiểu canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật lấy ngắn nuôi dài bằng những nhánh ổi ruột đỏ; mảnh vườn nhãn sát bờ sông Cửa Trung, anh thuê lao động đắp bờ bao tránh triều cường nước ngập. Nhiều vụ nhãn tiêu liên tiếp được mùa trúng giá, anh Phích mua thêm 0,5 ha đất vườn tiếp tục mở rộng vườn nhãn với hơn 450 gốc. Anh tâm sự: Trồng nhãn khó khăn nhất là 2 năm đầu khi nhãn chưa cho trái. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch thì vừa có thu nhập lại vừa bớt công chăm sóc, mùa mưa thì khỏi tưới nước, mùa khô đóng bờ bao tránh nước mặn xâm nhiễm, đậy gốc giữ độ ẩm, cả tháng mới tưới 1 lần. Nhãn cho thu hoạch quanh năm, nhưng cứ 3 năm là thu hoạch 2 vụ nhãn chính. Anh cho nhãn ra trái vụ nghịch bán có giá – nhất là tháng 12 và tháng 2. Theo anh, trồng nhãn đạt năng suất cần có kỹ thuật và sự say mê, cần mẫn, nhất là phải chịu khó đi thăm, học hỏi các nhà vườn đi trước…

nhan

Mỗi vụ nhãn thu hoạch xong, anh Phích tập trung cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân. Mỗi gốc nhãn, anh sử dụng phân N-P-K (AT1) loại chuyên dùng cho cây ăn trái và phân hữu cơ bón 1kg/gốc. Khoảng 1,5 tháng khi cây nhãn nhú đọt non hơi dày (lá lụa), anh bón tiếp AT2, tưới KCLO3, siết cành, cắt nước; 15 ngày sau tưới nước đến khi từ 25 – 30 ngày cây nhãn ra hoa, mang trái non, anh bón AT3.

Anh Phích cũng lưu ý là khi cây nhãn ra hoa không nên sử dụng hóa chất để dẫn dụ thiên địch, ong đến thụ phấn để nhãn đạt tỷ lệ đậu trái cao. Sự thay đổi thời tiết cũng khiến cho việc ra hoa, đậu trái của cây nhãn cũng gặp khó khăn. Anh Phích nhớ lại cơn bão vừa qua, nhiều vườn nhãn trong vùng đang cho trái sai oằn thì bị rụng hàng loạt, thất thu nhưng vườn nhà anh, nhãn vừa mới kết trái nên không bị ảnh hưởng. Vụ đó anh trúng đậm. Vụ nhãn vừa rồi, anh thu hoạch gần 9 tấn/0,5 ha. Nếu tính giá nhãn tiêu Huế thời điểm đó hơn 10.000 đồng/kg thì 7,2 công nhãn của anh cho thu hoạch hơn 12 tấn, trừ chi phí khoảng 25 triệu đồng, anh Phích lãi ròng gần 100 triệu đồng.

Sâu bệnh thường gặp trên cây nhãn là bọ cánh cứng và rầy mềm tấn công khi nhãn vừa ra lá non. Nhưng qua nhiều năm kinh nghiệm, anh chủ động phòng trị rất hiệu quả. “Bây giờ tui nghe ở miệt Bến Tre người ta đang lo lắng bệnh chổi rồng, cây tự chết khô không có thuốc đặc trị. Mong các nhà khoa học nghiên cứu, quan tâm giúp nhà vườn” – anh lo ngại.

Sưu tầm