TIỂU KHU 434 RỚT NƯỚC MẮT TRƯỚC CẢNH TƯỢNG HÀNG CHỤC CÂY GIÁNG HƯƠNG BỊ “THẢM SÁT” TRẮNG TRỢN
Ngày 12-4-2011, Báo Quân đội nhân dân Online đăng bài: Rừng Yok Đôn vẫn bị “chảy máu”, phản ánh tình trạng lâm tặc ngang nhiên khai thác trái gỗ giáng hương (nhóm 2a) tại các tiểu khu 421, 425 và 441. Tại đây, lâm tặc đã triệt hạ 5 cây giáng hương với tổng khối lượng gỗ từ 20-25m3.
Rừng Yok Đôn vẫn bị “chảy máu”
Sau khi báo đăng, ngày 15-4, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin người dân phản ánh: Tình trạng khai thác gỗ trái phép trong Vườn quốc gia Yok Đôn còn nóng hơn nhiều. Có những tiểu khu đã và đang bị lâm tặc tổ chức khai thác với quy mô lớn. Hàng chục cây gỗ quý bị chặt hạ trong một thời gian ngắn. Tiếp nhận thông tin bạn đọc phản ánh. Ngay trong buổi chiều 15-4, một lần nữa chúng tôi “lội rừng Yok Đôn”. Quả thực, khi đến tiểu khu 434, cảnh tượng gỗ quý ở đây bị triệt hạ khiến chúng tôi thực sự lo ngại: Hàng chục cây gỗ giáng hương đã bị cưa cắt. Con đường mòn vận chuyển gỗ từ điểm khai thác xuống bờ sông Sê-rê-pốk bị cày xới lên một lớp bụi đất dầy, với những vết bánh xe máy chằng chịt. Điều này cho thấy, khối lượng gỗ rất lớn đã bị vận chuyển ra khỏi rừng trót lọt bằng đường sông Sê-rê-pốk.
Lội rừng trong vòng một giờ đồng hồ, quanh tiểu khu 434, chúng tôi đã kiểm đếm được 28 cây gỗ giáng hương, đường kính từ 45cm đến 1m đã bị lâm tặc cưa cắt vào thời điểm từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4-2011. Trong đó có những cây gỗ đã được kiểm lâm trạm Đrang Phốk đo đạc và ghi ngày phát hiện, nhưng cũng có những cây gỗ lâm tặc mới cắt đổ, cành lá còn tươi và chúng chưa kịp bổ gỗ ra để tẩu tán. Theo nhẩm tính, 28 cây gỗ giáng hương mà lâm tặc đốn hạ trong tiểu khu 434 có khối lượng khoảng 70-80m3. Với kiểu khai thác “trắng” như thế này, quả thực lâm tặc đã “khai tử” gỗ quý trong tiểu khu 434(!)
Tại sao, một tiểu khu có nhiều gỗ quý, nằm sát bên con đường tuần tra bảo vệ rừng, lại để xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác “trắng” gỗ quý như vậy(?). Ngay thời điểm chúng tôi có mặt ở tiểu khu 434, một vài nhóm lâm tặc vẫn vởn vơ đi xe máy vào rừng với cưa xăng trên tay. Như vậy, chắc hẳn sẽ còn những cây gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn bị chặt hạ trong nay mai và cũng sẽ còn nhiều tiểu khu bị “khai tử” gỗ quý như tiểu khu 434.
Công việc đặt ra đối với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng ở Vuờn quốc gia Yok Đôn không chỉ dừng ở chỗ chỉ phát hiện những cây gỗ đã bị đốn hạ, sau đó tổ chức thu gom gỗ lâm tặc bỏ lại bán thanh lý. Vấn đề mấu chốt ở đây là làm thế nào ngăn chặn không để lâm tặc vào rừng, không cho chúng có cơ hội đốn hạ cây rừng và không để gỗ rừng vận chuyển dễ dàng như vậy.
Trên thực tế, nếu kiểm lâm vườn, đội ngũ cán bộ quản lý rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn làm việc hết mình, có trách nhiệm với rừng thì có lẽ rừng không bị mất hàng loạt như đã và đang xảy ra. Hiện tại, Vườn quốc gia Yok Đôn có 225 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 170 cán bộ, nhân viên kiểm lâm; có biên chế 11 trạm và 2 đội kiểm lâm cơ động rải khắp vườn. Ngoài việc tuần tra, bảo vệ rừng còn bố trí các trạm kiểm soát lâm sản đường bộ, đường sông. Bên cạnh đó, còn có đội kiểm soát lâm sản liên ngành bố trí trên tỉnh lộ đoạn qua xã Ea Hoa, huyện Buôn Đôn.
Đánh giá sơ qua cũng thấy, nếu các trạm này làm nghiêm thì lâm tặc không thể lộng hành và gỗ lậu khó lọt ra khỏi rừng như hiện nay(!).
Một câu hỏi được đặt ra đối với cán bộ kiểm lâm ở đây là: tại sao, ngày 15-4-2011, lãnh đạo vườn lại chỉ đạo cho kiểm lâm cơ động và nhân viên kiểm lân trạm Đrang Phốk tiến hành đốt những gốc, bìa gỗ, cành gọn số cây giáng hương mà lâm tặc đã triệt hạ trước đó (?)
Tại tiểu khu 434, khi chúng tôi có mặt, 5 gốc gỗ hương có đường kính trên dưới 50cm cùng với cành, ngọn, bìa gỗ đang bốc cháy hừng hực. Những gốc gỗ giáng hương lớn, những phách gỗ và cả những cành ngọn có giá trị sử dụng bị đốt cháy thành than (một gốc gỗ hương lớn, nếu được khai thác, bán ra thị trường cũng có giá bán hơn 10 triệu đồng).
Ý kiến của những người am hiểu về rừng khẳng định, gốc gỗ giáng hương bị đốt cháy còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Thực tế có tới 80% gốc giáng hương sau khai thác có khả năng mọc chồi, phát triển rất nhanh thành cây gỗ. Khi đốt đi, gốc này không những mất cơ hội mọc chồi mà còn gây cháy lan sang những cây xung quanh. Vậy tại sao và dựa trên quy định nào mà Vườn quốc gia Yok Đôn lại tiến hành đốt bỏ những gốc, cành, ngọn, bìa gỗ của những cây gỗ quý bị lâm tặc khai thác trái phép. Liệu có phải nhằm xóa đi dấu tích lâm tặc phá rừng, để nói rằng “tài nguyên rừng đang được bảo vệ tốt”, hay còn những uẩn khúc gì khác(?).
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần vào cuộc, chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng và làm rõ những khuất tất trong việc để xảy ra những vụ khai thác gỗ quy mô lớn, trong thời gian ngắn. Làm rõ việc cán bộ vườn tổ chức đốt bỏ gốc, bìa gỗ và cành ngọn sau những phi vụ lâm tặc khai thác gỗ. Nếu không, sau tiểu khu 434 sẽ còn những tiểu khu khác của vườn Quốc gia bị lâm tặc “khai tử”.
Bài và ảnh: Kiều Bình Định
Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về CÂY GIÁNG HƯƠNG tại đây: http://cayhoacanh.com/cay-giang-huong/