Sơ Ri Đặc Sản Của Miền Đất Gò Công

so ri

SƠ RI ĐẶC SẢN CỦA MIỀN ĐẤT GÒ CÔNG

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 62.000 hecta. Từ hàng chục năm qua, nhiều vườn cây chuyên canh cây đặc sản với những thương hiệu nổi tiếng như: vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp … đã được hình thành. Những năm gần đây, cây sơ ri cũng đã được bà con nông dân ở Gò Công chọn là cây trồng chính bởi giá trị kinh tế cao.

so ri

Diện tích trồng cây sơ ri khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và Thị xã Gò Công. Hàng năm, Tiền Giang cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu trên 6.000 tấn sơ ri tươi. Loại trái cây này cũng đã được xác định là một trong 7 nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và định hướng đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích lên 500 ha.

so ri

Phát huy thế mạnh cây trồng này và đáp ứng yêu cầu xóa khó giảm nghèo tại địa phương, Tiền Giang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam triển khai đề tài “Hỗ trợ toàn diện nâng khả năng cạnh tranh cây sơ ri đặc sản Gò Công giai đoạn 2007 – 2010″. Qua quá trình triển khai đề tài, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã chọn ra được 2 cá thể sơ ri ngọt mang ký hiệu NLT1, NBA2 và 3 cá thể sơ ri chua CTĐ11, CTĐ12, CTĐ 13 (từ 8 cá thể sơ ri ngọt và 28 cá thể sơ ri chua tại địa phương) có đặc tính sinh trưởng nhanh, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng trái tốt để nhân rộng trong vùng chuyên canh.

so ri

Đối với bà con nông dân Gò Công, việc chiết cành, nhân giống cây sơ rất đơn giản. Chỉ cần chọn những cây khỏe mạnh, lá dầy, cho trái tốt, sau đó lựa cành khoẻ mạnh thực hiện thao tác bó chiết cho đến khi cành đâm rễ non thì cắt đem trồng.Về chất lượng trái, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trái sơ ri Gò Công lớn hơn những nơi khác không đơn giản chỉ nhờ sự chăm sóc của nhà vườn mà chủ yếu còn nhờ thổ nhưỡng vùng này rất thích hợp với cây sơ ri. Có hai loại sơ ri. Một loại có nhiều vị chua, thích hợp cho chế biến xuất khẩu, còn loại kia vị ngọt, dành cho thị trường ăn tươi. Quả sơ ri khi chín mọng có màu đỏ cam hoặc đỏ sậm, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều món như : mứt sơ ri, rượu sơ ri, cocktail, nước ép sơ ri …

so ri

Cây sơ ri đã được đưa vào chương trình ưu tiên phát triển “2 cây 3 con” của tỉnh Tiền Giang, trong đó đặc biệt chú trọng mặt hàng sơ ri tươi xuất khẩu. Hiện nay, các công ty chế biến thực phẩm tại Gò Công như Hiệp Phát, Thịnh Phát thu mua sơ ri loại 1 với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg để sơ chế xuất khẩu, trong đó ưu tiên cho các nhà vườn áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, tức là những nhà vườn áp dụng các biện pháp chăm sóc khoa học, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lượng trái còn lại phần lớn được các thương lái thu mua với giá từ 700 – 1.500 đồng/kg để bán ở thị trường các tỉnh. Như vậy, trái sơ ri đạt chuẩn mẫu mã và chất lượng xuất khẩu, được thu mua với giá cao, chỉ chiếm tỷ lệ từ 25 – 35% tổng sản lượng. Đây chính là nỗi trăn trở của bà con nhà vườn và các nhà quản lý kinh tế ở Gò Công.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ sơ ri ở thị trường trong và ngoài nước hiện nay là rất lớn, trong khi sản lượng trái đúng tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2.000 tấn/năm, tức là chỉ bằng ¼ công suất chế biến của hai cơ sở Hiệp Phát và Thịnh Phát. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ trái sơ ri Gò Công ngày càng rộng mở, nhưng muốn đáp ứng được thị trường đòi hỏi phải có sự đầu tư của các nhà khoa học cũng như tâm huyết của bà con nhà vườn đối với những sản phẩm do chính tay mình làm ra.

NGUYỄN QUANG TRÍ