Rừng Cây Dầu Rái ở Quảng Nam Bị Tàn Phá Nghiêm Trọng

rung dau

RỪNG CÂY DÂU RÁI Ở QUẢNG NAM

BỊ TÀN PHÁ NGHIÊM TRỌNG

rung dau
rừng dầu bị tàn phá nghiêm trọng

Từ lâu, nhựa cây dầu rái được người dân thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam xem như là “vàng nước” vì giá trị kinh tế mang lại. Rừng dầu rái không chỉ làm giàu cho bao thế hệ người dân nơi đây mà còn phòng hộ đầu nguồn hồ chứa Thạch Bàn. Trải qua bao thế hệ, người dân thôn Bàn Sơn đã dày công gìn giữ, bảo vệ rừng qúy trên 300 tuổi này. Vậy mà từ 2 năm nay, khu rừng này bị tàn phá nghiêm trọng. Người dân Bàn Sơn đội đơn khắp nơi cầu cứu nhưng chính quyền và cơ quan chức năng vẫn thờ ơ…

Một đời gìn giữ, phá trong một giờ!

Những ngày cuối tháng 3/2009 vừa qua, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra của xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên đi kiểm tra thực tế rừng đầu nguồn hồ Thạch Bàn. Đến tận nơi, tận mắt chứng kiến rừng dầu rái bị đốn hạ tan hoang, ai cũng xót xa.

Tại khu vực Đá Đen và Dầu Bà, nơi giáp ranh giữa xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên với xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, hàng nghìn cây dầu rái, trong đó có cây hơn 300 năm tuổi, to 2 người ôm không xuể, bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, xung quanh ngổn ngang cành nhánh. Một nhóm thanh niên vẫn thản nhiên dùng cưa xẻ gỗ cây vừa bị đốn hạ mang về. Nhiều hầm lò đốt than còn nghi ngút khói.

Một đôi vợ chồng trẻ quê ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn làm nghề đốt than tại đây không chút dè dặt, nói: “Đất này được xã cấp sổ đỏ cho dân chúng tôi để trồng cây keo. Vì vậy, cây dầu rái đã chặt, lấy gỗ mang về hết rồi, còn lại cây nhỏ và cành nhánh thì tận dụng đốt lấy than”.

Cụ Nguyễn Điền, ở thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên năm nay 77 tuổi, rưng rưng nước mắt: Nghề khai thác dầu rái là nghề gia truyền từ đời ông, đời cố để lại. Vì vậy, mất đi một cây dầu rái là như mất đi một phần da thịt của mình. Nhiều lần lên kiểm tra rừng, thấy người dân xã Quế Trung lên chặt phá mà lòng xót xa…

Dầu rái là cây gỗ quý hiếm hiện còn ít ỏi tại vùng rừng Quảng Nam. Nhựa cây dầu rái được sử dụng để trám kín mạch gỗ, chống thấm, chống rỉ nước cho tàu thuyền. Rừng dầu rái đầu nguồn hồ chứa Thạch Bàn có từ thời trước thuộc Pháp. Bao thế hệ người dân thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên đã biết khai thác nhựa dầu rái bán cho ngư dân. Vì vậy họ quý và bảo vệ cây dầu rái như bảo vệ bản thân mình.

Năm 1994, sau khi phân chia lại địa giới hành chính, một phần diện tích rừng cây dầu rái ở thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú lại thuộc về địa giới xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Hai năm gần đây, thấy cây keo được giá, người dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn ào ạt chặt phá rừng dầu rái để lấy đất trồng cây keo.

Thống kê của UBND xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên cho thấy, hiện có gần 70 héc ta với hàng nghìn cây dầu rái của 11 hộ dân thôn Bàn Sơn lâu nay được giao quản lý, bảo vệ bị triệt hạ. Tình trạng phá rừng dầu rái không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn gây xói lở, ảnh hưởng đến việc điều tiết nguồn nước hồ chứa Thạch Bàn, cung cấp cho 3 xã Duy Thu, Duy Phú và Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Theo ước tính, mỗi cây dầu rái đến tuổi khai thác, mỗi năm thu được 12 lít dầu rái. Giá thị trường hiện nay, 1 lít dầu rái từ 28 đến 30 nghìn đồng, một gia đình có 1.000 cây dầu rái bình quân thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng một năm. Như vậy, với hàng nghìn cây dầu rái bị chặt phá, thiệt hại về lâu dài lên đến hàng chục tỷ đồng.

Chính quyền và cơ quan chức năng thờ ơ!

Vì sao tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Thạch Bàn kéo dài 2 năm nay, người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị, phản ánh trực tiếp tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, huyện và các đợt tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, chính quyền và cơ quan chức năng 2 huyện Duy Duyên và Nông Sơn vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, mặc cho người dân ngang nhiên chặt phá.

Ông Nguyễn Phước Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên nói, “khi nghe dân phản ánh chúng tôi đã cử cán bộ và giao cho Uỷ ban đi kiểm tra và kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng cũng phải thú nhận rằng chính quyền đã vào cuộc quá chậm nên để bị phá như thế này. Hơn nữa, đất rừng đã thuộc về xã Quế Trung, huyện Nông Sơn quản lý nên chúng tôi không đủ thẩm quyền mà phải nhờ huyện, tỉnh can thiệp”.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Trung, huyên Nông Sơn cho biết, năm 2007, khi nghe thông tin dân trong xã lên rừng chặt cây dầu rái, xã đã cử đoàn cán bộ đi kiểm tra và xử phạt một số trường hợp vi phạm. Xã đã có văn bản nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá cây dầu rái, cho người đi kiểm tra và đã xử phạt một số trường hợp. Về kế hoạch giao đất thì hiện nay, xã hoàn toàn chưa có chủ trương mà dân tự ý lên phá. Kế hoạch giao đất rừng cho dân vẫn còn nằm trên huyện chưa được phê duyệt.

Thực tế đã rõ ràng, nhưng ông Đoàn Xuân Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam vẫn khăng khăng cho rằng, khu rừng bị phá trồng keo chủ yếu là đất trống đồi trọc. Tình trạng phá rừng dầu rái trên địa bàn xã Quế Trung chỉ là chặt hạ một vài cây, không có gì nghiêm trọng. Khi chúng tôi đưa một loạt hình ảnh vừa chụp được sau khi đi thực tế thì ông Đoàn Xuân Thanh lại tìm cách bao biện rằng, đổ lỗi do thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm huyện bận tập trung kiểm tra ngăn chặn nạn phá rừng phía đông Trường Sơn nên không nắm rõ sự việc (?!).

Nếu lúc này, tỉnh không kịp thời ra tay bảo vệ, thì cây gỗ quí dầu rái còn lại ít ỏi ở Quảng Nam có nguy cơ bị xoá sổ.

Sưu tầm