TRỒNG CÂY DÂU TÂY NHẬT BẢN
Ở KHU VỰC TAM GIÁC VÀNG
Cây dâu tây Nhật Bản không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho nước này mà còn giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh của một số quốc gia khác, trong đó có Thái Lan.
Khu vực Tam giác vàng nằm giữa biên giới 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện trái phép ở châu Á. Nhà chức trách Thái Lan phải đương đầu với cuộc chiến chống thuốc phiện kéo dài suốt 40 năm qua. Họ thường xuyên triển khai chiến dịch triệt phá các cánh đồng trồng cây thuốc phiện giáp khu vực biên giới với Myanmar.
Cùng với việc phá bỏ cây thuốc phiện, chính quyền Thái Lan phải tìm cách giúp người nông dân thay đổi cả thói quen trồng trọt. Những giống cây phù hợp thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao để thay thế cây thuốc phiện là giải pháp tốt nhất.
Cây dâu tây đã được mang đến trồng tại khu vực Tam giác vàng
Trong một phần của dự án này, chính phủ Thái Lan đã đưa chuyên gia nông nghiệp về các ngôi làng để hướng dẫn người dân chuyển đổi canh tác. Giờ đây, những cánh đồng thuốc phiện đang dần biến mất thay vào đó là nhiều loại nông sản mới. Cây dâu tây là một trong các đối tượng được chú trọng phát triển.
Những khu vườn dâu tây chín mọng đang trở thành hình ảnh quen thuộc ở vùng trung du thuộc miền Bắc Thái Lan.
Loại cây này tỏ ra thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất miền Bắc Thái Lan
Thành quả này là nhờ công chăm sóc của người nông dân địa phương và cũng có phần đóng góp không nhỏ của một người Nhật. Ông ấy là Hiroshi Akagi – kỹ sư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng dâu tây ở tỉnh Tochigi, Nhật Bản. Ông Akagi đã làm việc với người nông dân tại miền Bắc Thái Lan này trong nhiều năm qua. Ông đã đưa giống dâu tây của Nhật Bản đến đây để hướng dẫn người dân cách trồng cũng như kỹ thuật chăm sóc chúng.
Hiện nay, ông Akagi đang cố gắng truyền dạy kinh nghiệm lại cho những kỹ sư trẻ địa phương với hy vọng họ sẽ là lực lượng kế thừa hỗ trợ đắc lực cho người nông dân phát triển kinh tế.
Diện tích trồng dâu tây ở Thái Lan không ngừng gia tăng
Ngoài thời gian cần mẫn ở các khu vườn trồng dâu tây thử nghiệm, ông Akagi thường xuyên đến tận nông trại của người dân trong vùng để chỉ dẫn họ.
Trồng dâu tây ở Thái Lan khác rất nhiều so với ở Nhật Bản. Để cây dâu phát triển tốt và cho trái đạt chất lượng, ông Akagi phải tìm kiếm kỹ thuật trồng mới thích hợp hơn.
Ông đã tận dụng nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để phục vụ cho kỹ thuật trồng dâu tây. Tại đây, có một loại cây cho lá khổng lồ, ông Akagi dùng lá cây đó phủ lên các luống dâu. Bằng cách này, trái dâu sẽ không tiếp xúc với mặt đất khiến nó bị nhiễm khuẩn.
Lai tạo giống dâu tây Thái Lan cho trái có vị ngọt hơn và hương thơm hơn cũng là mục tiêu mà ông Akagi đang hướng tới.
Diện tích trồng dâu tây tại Thái Lan đang không ngừng gia tăng, nếu như cách đây 12 năm chỉ có 20 hecta thì hiện đã lên đến 620 hecta. Ông Akagi và kinh nghiệm trồng dâu tây của người Nhật đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển này.
Nông nghiệp tuy chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của Nhật Bản, với khoảng 2% dân số là nông dân, nhưng không vì thế mà lĩnh vực này không được chú ý đến. Bằng chứng là nhiều loại nông sản của Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới, trong đó có quả dâu tây.
Sưu tầm