RỪNG DẦU – MÓN QUÀ QUÝ GIÁ THIÊN NHIÊN BAN TẶNG
Nghề làm dầu rái gắn bó với người dân Định Bình (Hoài Đức – Hoài Nhơn) từ bao nhiêu đời nay, đến giờ người ta vẫn giữ lại để truyền cho con cháu như một thứ của hồi môn vậy. Nghề này không làm giàu nhưng là cứu cánh khi kinh tế gia đình thiếu hụt.
Chạy dọc theo núi Định Bình có nhiều cánh rừng cây dầu rái. Từ thời xa xưa, những cánh rừng này đã có chủ sở hữu, họ để lại cho con cháu và coi như một thứ của hồi môn phải gìn giữ và truyền lại cho đời sau, ít có ai bán sở hữu cho người ngoại tộc. Rừng dầu rái được dân địa phương gọi là “đèn”, đèn nào có nhiều cây lớn thì sẽ có nhiều dầu, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 300.000 – 500.000 đồng. Hầu hết các cây từ 10 năm tuổi trở lên đều được vạt (mở miệng) để lấy dầu. Để lấy được dầu rái, người ta phải mở miệng, sau một tháng đốt nóng chỗ miệng cây đã vạt để kích thích dầu chảy ra. Mỗi lần vạt, đốt vắt được hai lần, mỗi lần khoảng một muỗng canh trên một cây. Để lấy được một ngằng (2 lít) dầu rái, người ta phải vắt vài trăm cây, đi hàng chục km đường rừng. Đường ở các đèn dầu rái chằng chịt, lối đi thường cụt, chỉ dẫn tới những cây dầu nên rừng thường tạo thành mộc trận, ai đó chưa quen vào khó tìm được lối ra. Không cần vốn đầu tư ban đầu, chỉ bỏ công làm lời nên dù cực khổ thì người lấy dầu rái cũng xem đó là của thiên nhiên ưu đãi. Và họ hiểu câu nói của người xưa: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên rất có ý thức bảo vệ rừng.
Mùa nắng, rừng khô dễ cháy, dầu rái cũng là chất bén lửa, mà mỗi lần lấy dầu người ta phải đốt, nên rất đáng lo ngại cho sự an toàn của rừng. Tuy vậy, những người làm dầu rái đều cho rằng: “Rừng nào cháy, cây sẽ khô nhựa và chết nên mỗi lần đốt ai cũng phải cẩn thận dọn lá khô xung quanh và biết cách thổi cho lửa tắt. Ở đây xưa nay ít có đèn nào bị cháy do đốt dầu cả”. Đèn ít khi bị chặt phá, bị đốt hay phát làm rẫy, bởi ít có lực lượng nào giữ rừng tốt hơn chính những người ăn của rừng. Dầu rái trước kia lấy về để thắp lửa, đốt đuốc dùng trong sinh hoạt khi chưa có điện hay dầu thắp còn khan hiếm, nhưng công dụng chủ yếu của nó là để làm chất chống thấm cho thuyền, thúng hoặc tàu gỗ. Giá dầu rái hiện tại là 15.000 đồng/ngằng, có khi hạ xuống còn 12.000 đồng. Mỗi đợt đi vắt ít nhất phải mất bốn ngày lên rừng mệt nhọc mới có được một thùng (10 ngằng), nên chỉ là lấy công làm lời. Không chỉ bỏ công khai thác, người dân ở đây còn phải bảo vệ rừng của mình. Sau mùa mưa, những dây leo phát triển bám vào dễ gây chết cây, họ phải lên rừng phát dọn. Họ coi đèn dầu rái như vườn nhà của mình, phải bảo vệ cẩn thận khi nhiều cây dầu rái tuổi thọ bằng hai đời người, lõi gỗ lớn và rất tốt dễ bị lâm tặc xâm phạm. Hầu hết mọi người suy nghĩ rằng, lợi ích từ dầu rái tuy ít, nhưng hưởng được nhiều đời, nếu chặt làm gỗ thì con cháu mất lộc. Ai đó quan sát kỹ sẽ nhận ra những vùng không phải đèn dầu rái thì hầu hết đã thay thế bằng các loại cây công nghiệp như bạch đàn, keo… Các loại cây thay thế này đem lại lợi nhuận lớn nhưng không giữ được lợi ích từ rừng nguyên sinh như cây dầu rái.
Sưu tầm