Nhện “Khôn” Bắt Mồi Bảo Vệ Cây

CHUYỆN VỀ LOÀI NHỆN

BẮT MỒI BẢO VỆ CÂY

Các chuyên gia bộ môn Côn trùng, Khoa Nông học thuộc Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội vừa hoàn thiện quy trình nhân nuôi nhện bắt mồi ứng dụng trong phòng trừ nhện đỏ, rệp và sâu hại rau, đậu, hoa hồng, bí xanh, cam, cà chua thay cho thuốc trừ sâu hóa học, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng của nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người.

nhen khon bat moi bao ve cay

Đây là loài nhện có sẵn trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, có tên khoa học là Amblyseius.sp. Chúng sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở những vùng tự nhiên có nhiệt độ khoảng 25 độ C. Tại miền Bắc, chúng thường phát triển từ tháng 2 đến tháng 11.

Quy trình nhân nuôi loài nhện này khá đơn giản, chỉ việc nuôi thả chúng trên giá thể là những cây đậu, có nhiều loài nhện đỏ để làm mồi. Cụ thể là trước đó phải gieo trồng đậu trong môi trường sạch bệnh. Khi đậu ra đủ 6 lá thì thả nhện đỏ son vào với tỉ lệ 10 con trưởng thành/cây. Khi số lượng nhện đỏ nhiều (khoảng 500 con/cây) mới thả nhện bắt mồi vào (mỗi cây từ 2-3 con).

Chỉ sau 7-8 tuần số lượng nhện bắt mồi đã tăng lên gấp 13 lần so với mật độ thả ban đầu; khi đó mới đưa cả nhện bắt mồi và thức ăn của nó tới những khu vực trồng rau, màu cần phải bảo vệ. Để nhện bắt mồi sinh trưởng và phát triển nhanh trong môi trường có ít nhện đỏ, các tác giả còn sử dụng cả nhện trắng và nhiều loại thức ăn khác như phấn hoa, mật ong để thay thế, giúp cho nhện bắt mồi duy trì sự sống.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Oanh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Nhện bắt mồi có vòng đời ngắn, sức sinh sản cao; do đó dùng nhện bắt mồi để trừ sâu, rệp và nhện hại cây trồng trong nhà kính, nhà lưới là rất phù hợp và hiệu quả. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu này cũng đã nhân nuôi thành công bọ xít bắt mồi để phòng trừ bọ trĩ hại rau và rất mong muốn được phổ biến, triển khai trên phạm vi rộng, nhất là những vùng trồng rau sạch.

Theo TTXVN/TTO