Mai Này Có Còn Ngâu?

MAI NÀY CÓ CÒN NGÂU?

Gần hai tháng nay, một số thương lái ở các tỉnh phía Bắc, có cả người nói tiếng Trung Quốc đổ xô đến “thủ phủ hoa ngâu” ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định săn lùng mua những cây ngâu cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Họ đã “đào tận gốc, trốc tận rễ” những cây ngâu cổ thụ rồi mang đi đâu, làm gì không ai biết. Nhiều chủ vườn ngâu sẵn sàng bán vì được trả giá hời.

Vườn vườn bán cây ngâu

ngau_ce567

Hai cây ngâu này đã được bán; trong đó cây bên trái đã bị chết do bị động rễ trong quá trình đào, bứng gốc từ nơi nọ sang nơi kia.​

Mùa hoa ngâu tháng Tám (âm lịch) năm nay vừa khép lại, cây ngâu vừa được “nghỉ ngơi”, thay lá mới thì bỗng nhiên “bất an” bởi những đoàn người lùng sục, vạch gốc xem cây.

Thấy tiếng xe máy nổ trước nhà, nghe tiếng “cây ngâu”, vợ chồng ông Ba, ở xóm Tân Hưng đã lật đật chạy ra: “Cô đi mua cây ngâu hả? Cô vào đây xem vườn, coi có cây nào được mắt vợ chồng tui bán cho”. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi là phóng viên, vợ chồng ông có vẻ dè chừng hơn, bảo vườn ngâu mới độ 20-30 năm tuổi, bán không được đâu.

“Hôm trước có mấy người ở phía Bắc, nói giọng “trọ trẹ”, họ lựa chán chê mãi rồi chọn ra ba cây có gốc to nhất hỏi mua, nhưng tôi không bán. Họ đi các vườn trong xóm, hễ cây nào đẹp, gốc to thì đánh dấu chọn mua”- ông Ba kể.

Chuyện thương lái phía Bắc vào chọn mua gốc ngâu được cả xóm Tân Hưng xác nhận, vì hầu như nhà nào cũng đều đã bán cây ngâu. Thương lái hễ ưng ý cây nào, thỏa thuận xong giá cả với chủ vườn, thì viết giấy mua bán rồi đưa tiền trước 80%, 20% còn lại sẽ đưa đủ khi nào chính thức chuyển cây đi.

Tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Hạnh, khoảng chục gốc ngâu đã được đánh dấu sơn đỏ; cắt nhánh, tỉa cành, đào gốc để chờ ngày chuyển đi.

“Họ đi khắp vườn, cây nào gốc to, cho bông sai thì mới chọn mua. Hôm tôi bán, giá chỉ có 2 triệu đồng/cây. Mấy ngày sau, có người vào vườn khác trả tới 3,3 triệu đồng/cây…!” – ông Hạnh tiếc rẻ. Gia đình ông đã nhận 10 triệu tiền đặt cọc, khi nào thương lái mang xe đến chở cây thì giao nốt 4 triệu đồng còn lại.

Trong xóm còn có nhà ông Bốn Ái, vừa mới bán 18 cây ngâu với giá trên 3 triệu đồng/cây, thu về khoảng 60 triệu đồng; nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ bán 7 cây với giá 2 triệu đồng/cây.

Cách đây chừng một tháng, người đầu tiên tìm đến thôn Diêm Tiêu để mua cây ngâu là một thương lái nói tiếng Trung Quốc. Người này không nói mục đích mua cây, nhưng toàn chọn mua cây cao ráo, tàng lá sum suê và trả giá đến 3,5 triệu đồng/cây.

Ông Ba Sang, ở xóm Tân Vinh, bán ngâu đợt đầu tiên, kể lại: “Do ông ta đào bầu đất quá rộng, khi bứng cây đi để lại một cái lỗ như hố bom, nên tôi không tiếp tục bán cho ông ta nữa vì tiền bán cây không đủ thuê người lấp hố”. Sau chuyến mua đầu tiên của thương lái nói tiếng Trung này, thì ngay sau đó hàng chục nhóm người khắp trong Nam, ngoài Bắc đổ về Diêm Tiêu để lùng sục mua cây ngâu.

Với người dân xóm Tân Hưng, Tân Vinh, chuyện thương lái tranh nhau mua hoa ngâu đã quá thường, nhưng tranh mua gốc ngâu thì là lần đầu tiên. Hiện nay, do có nhiều tốp người khác nhau đổ về huyện Phù Mỹ để mua cây ngâu nên cạnh tranh về giá khá quyết liệt.

Có trường hợp tốp này đến đặt cọc xong lại bị tốp kia gác giá để hớt tay trên. Ban đầu giá chỉ là 2 triệu đồng/cây, sau nâng lên mức 3,3-3,5 triệu đồng/cây. Còn với người dân, ai trả giá cao hơn, thanh toán tiền bạc sòng phẳng thì họ bán.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tiên, trưởng thôn Diêm Tiêu, xác nhận: “Đúng là khoảng một tháng nay, có rất nhiều người tìm đến địa phương để mua cây hoa ngâu. Một số thương lái cho biết, họ mua để bán sang Trung Quốc”.

Còn chị H., một người ở thôn Diêm Tiêu, được một nhóm thương lái ở ngoài Bắc thuê dẫn đường đến những nơi có nhiều ngâu để lùng mua cho biết: “Trong lúc nói chuyện, họ có nói rằng mua ngâu về trồng trong sân gôn. Những cây đẹp sẽ xuất bán sang Trung Quốc, còn bên Trung Quốc mua làm gì thì không ai nói”.

Mai này có còn ngâu?

Cây ngâu là loại cây mọc tự nhiên, lâu lớn và khó trồng. Nếu trồng được thì cây cũng mau cỗi chứ không sung sức, cho hoa sai như những cây mọc tự nhiên. Cây ngâu cho hoa 2 mùa trong năm, vào tháng Tư và tháng Tám âm lịch. Mùa hoa tháng Tám âm lịch năm nay, hoa ngâu khô được mua với giá 80-90 ngàn đồng/kg. Bởi vậy, việc người dân vì ham đồng tiền trước mắt, chặt bán những gốc ngâu cổ thụ 80-100 năm tuổi là một việc đáng quan tâm, suy nghĩ.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, hiện nhiều người dân trong vùng đang giữ cây, một phần muốn giữ lại cho con cháu, nhưng phần lớn là muốn đợi giá cao hơn sẽ bán. Như nhà ông Hạnh, ông bảo do mẹ ông đòi bán để lấy tiền thuốc thang, chứ bản thân ông không muốn bán, nhưng vợ ông thì cứ theo hỏi chúng tôi: “Không biết giá cây ngâu có còn lên nữa không cô, chú?”.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ, một chủ vườn ngâu ở xóm Tân Hưng, trầm ngâm: “Chỉ riêng với 2 cây ngâu chừng 80-100 tuổi, sai hoa thì mỗi mùa ngâu, thu được khoảng 10 kg hoa khô với giá 900 ngàn đồng/kg. Tính cả vườn ngâu, mỗi năm “giũ” hai mùa, chí ít cũng thu trên chục triệu đồng. Nhiều người vì cái lợi trước mắt mà bán đi nguồn thu lợi sau này cho mình, và cả con cháu đời sau”. Nói vậy, nhưng vườn nhà ông Thọ cũng đã có ít gốc ngâu được đánh dấu sơn đỏ chót.

Vậy là, đến lúc này, đã có đến hàng trăm cây ngâu lão ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ chuẩn bị “cắt khẩu”, nhưng cả người dân và ngành chức năng địa phương vẫn chưa biết chính xác là thương lái mua cây với mục đích gì.

Nhìn quanh những vườn ngâu cổ thụ có tuổi bằng 2-3 thế hệ người, nhiều gốc cây bị sơn đỏ, chờ được ngày bứng đi; những cây ngâu đã bị chặt hết nhánh, cành, chỉ còn trơ thân, gốc, chúng tôi chợt nghĩ rằng, hương ngâu rồi đây sẽ không còn đủ sức để bay xa nữa. Với kiểu mua bán “đào tận gốc, trốc tận rễ” thì trong tương lai gần, không biết thủ phủ hoa ngâu liệu có còn ngâu?

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, hiện một số người đã đến liên hệ xin xác nhận cây có nguồn gốc hợp pháp để vận chuyển ra khỏi tỉnh. Nơi đến là một số tỉnh phía Bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh.

“Do là cây trồng trong vườn nhà nên người dân có quyền mua bán, chỉ khi vận chuyển ra khỏi địa phương thì phải xin giấy xác nhận của địa phương và kiểm lâm địa bàn…” – một kiểm lâm viên của Hạt nói.

“Hiện nay việc mua cây ngâu đã lan sang một số địa phương khác của huyện Phù Mỹ, như: thị trấn Bình Dương, xã Mỹ Phong, Mỹ Lộc… Họ chọn lựa rất kỹ, cây nào cao to, dáng đẹp thì mua. Chọn được cây nào, họ dùng sơn làm dấu rồi thuê người cắt tỉa cành cho gọn gàng, sau đó đào quanh gốc cây lấy bầu đất, vào thuốc rồi dùng bao và lưới B40 bọc lại, đợi qua Tết sẽ chuyển đi”- chị H. một người dẫn đường cho thương lái đi lùng mua cây ngâu, nói.

Sưu tầm