Lên Đỉnh Phù Pân Ngắm Vườn Hồng Trĩu Quả

hong tren dinh phu van

LÊN ĐỈNH PHÙ PÂN NGẮM VƯỜN HỒNG TRĨU QUẢ

Những ngày đầu năm 2012, tôi trở lại Kỳ Sơn gặp ông Hờ Sông Dở – người được mệnh danh là “vua hồng” ở mảnh đất biên giới Việt – Lào.
hong tren dinh phu van
Vườn hồng của ông Hờ Sông Dở
Xuất phát từ thành phố Vinh, chúng tôi ngược quốc lộ 7 gần 300km giữa tiết trời giá lạnh của xứ Nghệ. Quốc lộ 7 lượn lờ, quanh co, nhiều đoạn dốc đứng, tựa như con rồng bay trong sương sớm. Mất gần 1 ngày trời cưỡi trên con ngựa sắt, tôi có mặt trên đỉnh Phù Pân, bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện biên giới Kỳ Sơn trong cái rét cắt da thịt ở độ cao gần 1.300m so với mặt nước biển.

Đỉnh Phù Pân nằm ở khu vực biên giới Việt – Lào thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, nơi đây quanh năm huyền ảo trong sương mờ. Cũng chính nơi đây là khu vực giao thương kinh tế, trao đổi hàng hóa qua Cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) với Noọng Hét (Lào). Vùng đất khá cao, lạnh và chủ yếu cây đào, cây hồng phát triển được.

Đến với vùng đất Phù Pân ngày đầu năm 2012, tôi có dịp gặp gỡ ông Hờ Sông Dở – người dân tộc Mông, ở bàn Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn – người được mệnh danh là vua hồng. Gặp tôi, ông Hờ Sông Dở vui lắm. Ông bảo nhà báo lên đây dịp này thì thấy bà con làng bản ta chuẩn bị nhiều thứ để chuẩn bị đón tết tha hồ mà chụp ảnh, viết bài. Nói đoạn, ông Dở đưa tôi lên khu vườn phía sau nhà nằm chênh vênh trên vách đá. Khu vườn của ông Dở chỉ rộng khoảng 100m2 có 10 cây hồng sai quả đến không ngờ. Những quả hồng lớn, nhiều quá nên đã vin cành sà xuống tận mặt đất.

Già Dở bảo: “Ta trồng cây hồng này 3 năm nay rồi. Giống hồng Đà Lạt – dự án do huyện đem về trồng thí điểm, nhưng chỉ có vùng đất cao, lạnh ở đây mới phát triển được thôi. Nhà báo nhìn thấy đó, quả nó sai lắm, mỗi cây cũng được 400-400 quả đấy. Tết năm nào nhà ta cũng thu hoạch được 4-5 triệu đấy. Nhờ có cây hồng mà Tết năm nào gia đình ta cũng sung túc hơn…”.

Điều đặc biệt ở loại cây hồng này là khi cây sinh quả chuẩn bị thu hoạch thì lá rụng hết, còn lại trên cây toàn trái và trái với một gam màu đỏ chót khiến cho vùng đất luôn âm u này sáng hẳn lên bởi những quả hồng ửng sáng từ màu da của nó.

Theo già Dở, giống hồng này quả rất lớn, chỉ cần 4 quả là được 1kg. Mỗi kg thời điểm này có giá từ 15.000 – 20.000 đồng; mỗi vụ Tết ông thu hoạch từ vườn hồng nhà mình khoảng 2-3 tạ hồng và thu về khoảng 4-5 triệu đồng. Hiện đã có nhiều thương lái ở miền xuôi lên đặt mua hàng về bán Tết, nhưng ông chưa bán vì chưa được giá.

Ông Hờ Chống Nhìa – Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn tự hào: “Ở xã ta có nhiều gia đình trồng giống hồng này lắm, điển hình có ông Dở hay như Bí thư chi bộ bản Trường Sơn… với hơn 1500 cây trên toàn xã. Nhờ cây hồng mà bà con ta cứ Tết đến là có tiền để sắm sửa đón năm mới sung túc hơn”.

Ông Lê Công Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 5 xã thực hiện dự án trồng hồng Đà Lạt gồm: Nậm Cắn, Huồi Tụ, Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống. Tập trung nhiều nhất vẫn là Nậm Cắn và Lường Lống với hơn 1,5ha. Giống hồng này cho rất nhiều quả và hiểu quả kinh tế cao.

Nằm ở độ cao hơn 1300m so với mực nước biển nên thời tiết, khí hậu của Nậm Cắn hầu như mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng có nguồn gốc ôn đới, trong đó có giống hồng Đà Lạt được trồng thí điểm và mang lại hiểu quả kinh tế. Giống hồng trồng nơi đất tốt, chăm bón đúng kỹ thuật, cây cao, tán lá rộng, năng suất cao và khá ổn định; có thể cho thu hoạch trên 20 năm và thêm một mùa xuân những người trồng hồng ở mảnh đất biên giới Kỳ Sơn hứa hẹn có một cái Tết đầy sung túc, no đủ…

Dưới đây là một số hình ảnh cây hồng trĩu quả trên đỉnh Phù Pân đem lại niềm vui trong ngày Tết cho bà con dân tộc Mông ở biên giới Kỳ Sơn do PV Dân trí ghi lại:

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

hong tren dinh phu van

Sưu tầm