LẠNG SƠN: “VỰA NA” LỚN NHẤT CẢ NƯỚC VÀO MÙA
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi tiết trời se lạnh của mùa thu tràn về, cũng là lúc đến mùa na chín (miền nam gọi là mãng cầu ta). Đã là người dân Việt, ít ai không biết đến trái na và không yêu thích loại trái cây dân dã, bổ dưỡng này. Đối với nhiều người, đây còn là một loại trái cây “khoái khẩu” cứ mỗi độ thu về.
Một sáng mùa thu giữa lòng thành phố, nhìn những trái na chín tươi ngon, với những “mắt na” to sáng, căng tròn, theo chân những người bán hàng rong “chu du” tới mọi ngõ ngách phố phường; ăn trái na chín ngọt lịm thơm ngon, tôi và mấy người bạn nảy ra ý định làm một “tour sinh thái” tìm đến vườn na, xem hái na, và ăn na chín hái tại vườn.
Được người quen giới thiệu về những triền na bạt ngàn trên vùng núi đá vôi ở Chi Lăng, Hữu Lũng (Lạng Sơn), với địa chỉ vườn na mà chủ vườn cho khách vào tham quan, leo trèo, hái na trong tay, chúng tôi nhằm hướng Lạng Sơn thẳng tiến.
Hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc của na
Lạng sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây. Chạy xe dọc quốc lộ 1A mới qua địa bàn này nhìn vào, nếu không để ý, sẽ chỉ thấy một vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu, điệp trùng tiếp nối, với lởm chởm những đỉnh núi đá vôi nhọn hoăn hoắt – nhưng đó chính là vương quốc của na. Nhìn kỹ, du khách sẽ thấy màu xanh mướt mát của cây cối che át màu đen của những sườn núi đá tai mèo nơi đây chính là màu xanh của hàng trăm ngàn cây na vươn mình ra từ các khe đá, bò từ dưới chân núi lên các sườn cao, có nơi na bò lên tới gần đỉnh núi.
Đi sâu vào khu vục quốc lộ 1A cũ, na còn bạt ngàn hơn nữa. Do đặc điểm sinh trưởng của cây na ưa vùng đồi núi dốc và đất ở vùng núi đá vôi, nên cây na là cây ăn quả đặc hữu của vùng núi đá vôi Kai Kinh này, với chất lượng quả thơm, ngọt, không phải nơi nào cũng có được.
Em bé Lạng Sơn giúp mẹ bán na
Sau một hồi mê mải ngắm những triền na tươi tốt sai quả, bò ở lưng chừng hay ngút ngát tít trên đỉnh núi cao, chúng tôi cũng tới được vườn nhà Cương ở Đồng Mỏ (huyện Hữu Lũng) – nằm ngay sát quốc lộ 1 cũ, nơi người bạn đã hỏi giúp để lên vườn hai na.
Đã từng đưa nhiều đoàn khách lên thăm vườn na và ăn trái, nên Cương rất vui vẻ và nhiệt tình. Cậu vừa hướng dẫn đoàn leo lên vườn na, vừa giúp tìm hiểu về việc trồng và thu hoạch na của bà con nơi đây.
Buổi sáng cuối tháng 8, với cái nắng vàng hươm và cái gió dìu dịu đẹp như thơ, ở bên ngoài trời tương đối thoáng đãng, trong lành và mát mẻ, ấy thế mà khi leo lên những sườn núi đá vôi khuất gió, bị những tán na dày vây hãm xung quanh, cái nắng lại trở nên ngột ngạt hơn bao giờ. Lại thêm tối hôm trước trời mưa, hơi nước bốc lên từ những vạt đất đỏ, lẩn quẩn giữa những khe đá, hấp vào mặt, vào người, gây nên cảm giác bức bí, ngộp thở, khó chịu làm những người khách phương xa xây xẩm hết cả mặt mày, có lúc tưởng chừng như không thể leo nổi nữa.
Không khí thì ngột ngạt, nóng bức, mà những sườn núi đá vôi thì cứ dốc đứng với những tảng đá nhọn hoắt, còn những lối mòn cho người đi thì nhỏ và toàn đất đỏ trơn trượt, mà chỉ cần một sơ sảy, là bị trượt chân rồi đập vào đá sứt sẹo như chơi…
Cheo leo đường lên vườn na
Nắng nóng, sườn dốc, một số người trong đoàn đã phải bỏ cuộc giữa chừng, ngồi nghỉ lại ở những vườn na thấp dưới chân núi. Tôi và một số bạn còn lại leo lên được cao hơn, nơi các bác nông dân đang thu hoạch, tập kết na để chuyển xuống phía dưới. Nhìn những người thợ hái na thoăn thoắt leo lên các sườn cao, hái na, rồi gồng gánh na đến những điểm đặt trụ dòng dọc để chuyển na xuống dưới, trong khi mấy chị em ngồi thở không ra hơi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mới thấy hết sự vất cả của việc hái na nơi này.
Ngồi nghỉ trong lán của các bác thợ hái na, nhâm nhi những trái na chín cây vừa hái xuống, vừa nghe các bác trò chuyện về việc trồng, chăm bón na, mới thấy để mang lại một trái na chín ngọt cho đời quả là một kỳ công, là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, là bao nhiêu công sức lao động miệt mài suốt cả một năm dài.
Để chuẩn bị cho mùa na có quả, thì tháng 11 -12 hàng năm người trồng na phải tiến hành tỉa cành, để cây na tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa vào mùa xuân, không tốn thức ăn để nuôi cành lá vô ích, đồng thời tăng khả năng chống chịu mưa gió, nhờ đó quả na sẽ không bị dập do va đập ở trên cao.
Đến tháng 1 âm lịch năm sau là đến mùa bón phân cho na, để na chuẩn bị ra hoa vào mùa xuân. Khi mùa ra hoa đến, người nông dân trồng na lại phải trở thành những chú “ong thợ”, đi thụ phấn nhân tạo cho na để na ra quả như mong muốn… Ấy thế nhưng mỗi cây na trung bình, 1 năm cũng chỉ cho tầm 70 đến 100 quả là nhiều.
Mỗi gia đình trồng na ở đây có từ 500-1.000 gốc na. Nhà nhiều thì có vài nghìn. Cây na khi bắt đầu chín thì thường chín rất rộ rạt, đồng loạt, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng là hết. Khi trái bắt đầu “ương” thì phải hái xuống ngay để vận chuyển về xuôi. Chứ nếu để trái chín rồi mới hái thì hỏng hết, không thể vận chuyển đi xa được. Nên bước vào mùa thu hoạch na là hái không xuể, nhà nào cũng phải thuê thợ, thường cũng là những người nông dân đang lúc nông nhàn cùng làng. Thuê thợ trẩy na, gánh na, rồi đưa theo dòng dọc xuống chân núi. Lái buôn sẽ mua ngay ở chân núi. Na bán tại chân núi giá tầm 15.000-25.000/1kg tùy loại. Trừ đi chi phí, công sức lao động suốt cả một năm, cũng chẳng còn lại là bao…
Những sọt na chờ xuống núi
Ngồi “hóng chuyện” rồi uống nước, ăn na chín đã lại sức, mấy chị em tôi bèn cùng các bác thợ leo quanh vườn na để hái các trái na chín mang về làm quà, rồi xem các bác trẩy na, xếp na vào sọt và theo chân các bác thợ hái na về các trụ dòng dọc để đưa na xuống dưới.
Vất vả gánh na về điểm tập kết
Ngày trước hệ thống dòng dọc để chuyển na từ trên cao xuống chưa được lắp đặt, thợ hái na phải hái và gánh na từ trên các sườn cao xuống tận chân núi, vất vả vô cùng. Giờ nhờ có hệ thống dòng dọc, công việc đã bớt vất vả hơn. Nhưng không phải chỗ nào cũng có dòng dọc, vì vậy thợ hái na nhiều khi vẫn phải gánh na rất xa. Nhưng dù gần hay xa, thì nhìn các bác gồng gánh những sọt na nặng chĩu luồn lách qua những vách đá, những lối mòn cheo leo đá tai mèo, chị em tôi cũng chỉ biết ngồi nhìn mà thán phục.
Hệ thống dòng dọc giúp chuyển na từ trên núi xuống
Trời thì nắng nóng, hái na vất vả bao nhiêu, thì gánh na đưa về các trụ dòng dọc vất vả bấy nhiêu. Rồi lại phải nâng từng sọt na treo lên dòng dọc để chuyển xuống chân núi. Dòng dọc quay rồi lại phải căn ke sao cho hợp lý để các sọt na dừng lại vừa tầm cho người đỡ ở chân núi. Nếu quay quá đà, sọt na sẽ làm chật đường ray của dòng dọc, phải chỉnh sửa lại rất mất thời gian. Chị em tôi đứng xem một hồi, thấy mỗi cái việc đưa na theo dòng dọc xuống núi thôi mà đã thật lắm công phu rồi, chứ đừng nói chi các việc khác! Thế mới biết để đến được tới tay người tiêu dùng, một trái na chín đã phải qua bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu chặng đường…
Trời đã dần về trưa, ăn na cũng đã thỏa, thăm thú vườn na cũng đã thấm mệt, mấy chị em tôi lục tục ra về với những bịch to bịch nhỏ đựng na mang về xuôi làm quà. Tạm biệt Cương – cậu dẫn đường vui tính và tận tình, chúng tôi thong thả phóng xe ra Quốc lộ 1, nhằm hướng Hà Nội thẳng tiến về nhà. Đi thong dong hóng gió mát trên đường, ngoảnh lại nhìn những triền núi đá vôi đang lùi lại sau lưng, chúng tôi biết rằng dưới những tán xanh của bạt ngàn na đó, là rất nhiều những người nông dân đang cần mẫn, miệt mài mang lại những trái na thơm ngọt cho đời.
Đúng thế đấy, ăn quả nhớ người trồng cây – ông cha ta vẫn bảo thế!
Sưu tầm