Hoa Cúc – Một Số Bài Thuốc Chữa Bệnh

hoa cuc

HOA CÚC – MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH

Cúc có khoảng 13.000 loài, là một họ lớn của thực vật học trong đó nhóm Gia cúc có khoảng 100 loại được dùng phổ biến; nhóm Dược cúc dùng làm thuốc với hai vị thường dùng nhất là Bạch cúc ( Cúc trắng) và Kim cúc (Cúc vàng).

hoa cuc

Tên khoa học Cúc trắng: chrysanthemum sinense sabine.

Cúc vàng: Chrysanthemum indicum lour họ cúc COMPOSITAE

Tên dược liệu Flos chrysanthem. Thần nông bản thảo xếp Cúc vào nhóm thượng phẩm thuộc tiên – dược vì chúng có tính năng công dụng tốt lành, không gây độc hại cho người.

Cúc nói chung tính vị ngọt cay, vào 3 kinh phế can thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả, giải độc. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn, ngọt tính, hơi ôn thiên về can huyết.

Theo Mậu hy ung: “ Cúc hoa là yếu được (thuốc trọng yếu) để khu phong. Chất đắng hay tiết nhiệt đi vào tâm tiểu tràng; chất ngọt ích huyết giải độc đi vào tỳ vị; tính bình cay hay tán kết đi vào can đởm và phế đại tràng, do đó Cúc hoa chữa được các chứng phong vào đầu làm choáng váng; xây xẩm; mắt bị đau nhức; chẩy nước mắt sống; da thịt tê không biết đau, đó là thuốc của thần tiên

Từ – Hồi – Khê: “Phàm những vật có hương thơm đều chữa được các chứng bệnh ở đầu, mắt, ngoài da, nhưng chúng hay gây táo nhiệt, duy chỉ có Cam cúc (Cúc trắng) không gây táo nên dùng chữa các chứng phong ở đầu, mắt rất hay.

Lý Sĩ Tài nói: “Hoa cúc hình tròn, nâng cao phẩm giá ngụ ý đạo đức của trời cao trong sáng, hoa Cúc vàng mang sắc thái của đất. Hoa cúc trồng sớm, nở muộn là đức của đấng trượng phu; nó nở vào mùa sương tuyết hiểm nguy tượng trưng cho đức kiên trinh. Vị của nó hoà mà nhẹ phảng phất món ăn tiên giới đó chính là loại thuốc quý

Sách Trung Quốc ghi chuyện: Nhà thơ Triệu Sư Tú đời Tống dạo chơi trên cánh đồng hoa, ông nảy bao ý thơ trong đầu nhưng không có gì để ghi. Về đến nhà ông không sao nhớ lại nên vô cùng trăn trở, tình trạng ấy kéo dài làm ông lâm bệnh. Các bạn thơ của ông mời một đạo sĩ đến chữa bệnh cho ông; ông được chẩn đoán can dương vượng hoả động thần minh. Các triệu chứng kết lại thành chứng phong huyền, mất ngủ, đầu căng, mắt đỏ, tai ù hay cáu giận. Cách điều trị chỉ là hoa Cúc phơi khô, tán nhuyễn, chưng trong nồi cơm để uống. Đơn giản có vậy mà bệnh khỏi. Về sau, phương thuốc này được phát huy, chữa khỏi nhiều bệnh.

Theo Tây y: Cúc hoa chứa tinh dầu thơm, các vitamin A,B, một số amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen – một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống oxy hoá, chống lão hoá và crom là chất phân giải và bài tiết cholesterol phòng chống các bệnh tim mạch.

MỘT SỐ BÀI THUỐC TIÊU BIỂU

* Nhóm thuốc trường sinh bất lão

Đan trưởng thọ: Mầm cúc tháng 3 âm lịch, lá tháng 6, hoa tháng 9, gốc rễ tháng 12, lượng bằng nhau. Phơi âm can, tán bột hoàn bằng hạt Đậu xanh. Uống bột thì mỗi lần 5g với nước ấm, uống hoàn 10 – 15g, ngày 2 lần lúc đói.

Cúc hoa tiên tửu: Dùng hoa Cúc tháng 8,9, nấu lấy nước cốt để thổi cơm nếp làm rượu. Cất rượu vào bình kín dùng dần; muốn tốt hơn thì trong nước thổi cơm nên gia thêm nước cốt củ Sinh điạ, Đương quy, Câu kỳ tử, và một số vị thuốc bổ khác thì công hiệu càng cao. Chữa được những chứng đầu phong quay quắt, đau nhức, chóng mặt tối sầm; nó còn có thể làm cho đầu óc sáng suốt, mắt tinh, tai tỏ, chữa các chứng đờm tê bại và các chứng bệnh của tuổi già: thân thể gày còm ốm yếu, chảy nước mắt sống, nhiều dử, mắt kéo màng rộng; nó còn làm cho sức lực dồi dào, ăn ngon ngủ dễ, người khỏe mạnh ít bị mắc bệnh, sống lâu. Trong Cổ phương Kỷ Cúc Địa hoàng hoàn đã

được sản xuất đại trà

hoa cuc

* Thuốc thanh đầu mục (nhẹ đầu, sáng mắt)

– Chữa chứng đâu đầu kèm mắt đỏ do thời tiết nắng gắt gây cảm mạo do hoả bốc, đó là sở trường của hoa Cúc.

Bài 1: Hoa cúc 30g, Kim ngân hoa 20g, lá Dâu nuôi tằm 15g. Trộn đều, khi dùng chia 6 phần, dùng 6 lần trong ngày, hãm nước thật sôi, uống nóng ,cách nhau 2 – 3giờ.

Bài 2: Cúc hoa tươi mới hái về, sắc nước cô lại thành cao với Mật ong, mỗi lần 15 g, hoà nước ấm để uống.

Bài 3: Gối Hoa cúc; Hoa cúc 2 kg phơi khô, cho vào ruột gối thay bông gối đầu để nhẹ đầu, sáng mắt.

– Phòng chữa các bệnh mắt

Ban đậu chạy vào mắt sinh màng mộng: Bạch cúc hoa, Cốc tinh thảo, vỏ Đậu xanh, lượng bằng nhau tán bột. Mỗi lần dùng 4g với một quả Thị, một chén cơm nếp nấu cho đến khi cơm chín thì ăn hết. Ngày ăn 3 quả, bệnh nhẹ thì ăn 5 đến 7 ngày, bệnh nặng thì nửa tháng.

– Mắt kém, chống mỏi mắt: Hoa cúc 50g, hạt quả Đậu chín 30g, chia 3 – 5 lần, hãm với nước sôi uống trong ngày.

Mắt đỏ nhức kéo màng chảy nước mắt sống: Hoa cúc tươi 50g, cho vào cối sạch giã nhuyễn với nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước uống làm hai lần

– Bệnh tim mạch

Chữa cao huyết áp: Hoa cúc 10g, hoa Hòe 6g. Thảo quyết minh 10g. Trộn đều cả ba rồi chia làm 3 lần uống trong ngày bằng cách hãm nước thật sôi.

– Bệnh mạch vành: Sắc 300g hoa Cúc, lấy nước cô thành cao. Mỗi lần uống khoảng 20 – 25ml ngày hai lần trong hai tháng.

Mỡ máu cao, béo phì: Hoa cúc, Sơn tra phiến, Thảo quyết minh, mỗi vị 15g, trộn đều. Mỗi lần dùng 15g, ngày 3 lần. Sắc hoặc hãm nước thật sôi trong 10 – 15 phút để uống.

– Cúc hoa còn dùng chữa các bệnh cảm cúm dịch viêm da cơ xương khớp say rượu nôn mửa,….

Cây Cúc trong dược thiện: Hoa, búp lá non, thân non, dùng làm thức ăn sống hoặc nấu chín thành canh cháo để phòng chữa các bệnh trên. Dược phẩm Cúc dạng rượu có thể hoà vào nước cơm cháo cho người không uống được rượu.

Làm thuốc tắm rửa: Dùng hoa Cúc tươi hoặc khô hoặc lá, thân, rễ, ngâm vào nước sôi, hoà vào nước tắm để phòng chữa các bệnh ngứa mẩn ngoài da. Người Nhật trọng dụng Cúc để ngâm mình, đắp lên mặt 20- 30 phút trong bồn tắm, họ tin với cách tắm này sẽ trường thọ.

Thuốc đeo lấy hương: Trong một số bệnh như huyết áp cao, đau đầu, mất ngủ, tim loạn nhịp, viêm tuyến sữa, dùng một số hương liệu cho vào túi vải đeo vào người. Ví dụ chữa huyết áp cao: Dùng hoa Cúc, Hạ khô thảo, Thạch xương bồ, mỗi thứ một ít, tán nhỏ cho vào túi và đeo vào cổ, ba ngày thay một lần.

– Hoa cúc kỵ: Theo Bản thảo kinh tập chú: Không dùng cùng với vỏ lụa trắng của rễ cây Dâu, rễ Câu kỷ, Truật. Theo Bản thảo hối ngôn: Người bị tỳ vị hư hàn, đau dạ dày, biếng ăn, đi lỏng, không dùng, nếu buộc phải dùng thì dùng ít.

Đặc rính của dược Cúc là do hấp thụ được “khí thu” “sương thu”, “tiết thu” mới có tính dược đặc trưng, do đó Cúc để làm thuốc theo dược lý Đông y thì không thể trồng hái tuỳ tiện vào mùa khác được, cũng không thể thay thế các vị Thu cúc bằng các loại dược Cúc khác.

Thị trường trong và ngoài nước đã xuất hiện chế phẩm trà Sâm cúc của Công ty Đông dược Bảo long. Nó được phát triển từ cổ phương (dùng Kim cúc làm chủ dược cùng với Thảo quyết minh, Mạch môn, Hoàng kỳ và một số vị thuốc bổ khác). Học viện Quân y đã dùng trà Sâm cúc cho bộ đội và có những nhận xét đáng khích lệ: Sau hơn một tháng luyện tập căng thẳng cả về tinh thần lẫn thể lực, hàng ngày được uống trà Sâm cúc đã “tăng khối lượng và khả năng chú ý, tăng tốc độ xử lý thông tin”. Trên điện não đồ tăng biên độ và chỉ số nhịp anpha có ý nghĩa thống kê (p< 0,05). Đối với hệ thống hô hấp, trà Sâm cúc đã tăng dung tích sống và chỉ số Demeny. Đối với hệ tuần hoàn phản ứng trước gánh nặng thể lực định mức thì trà đã cho biểu hiện hợp lý và tiết kiệm hơn, khả năng phục hồi cũng nhanh hơn; các đối tượng ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, thoải mái, tinh tường hơn.

Sưu tầm