CÔNG DỤNG TUYỆT VỜI CỦA TRÁI BÒN BON
Bòn bon (Lansium domesticum) thuộc họ Xoan (Meliaceae), có nguồn gốc mọc hoang ở rừng tại các huyện Hiên, Giằng, Đại Lộc (Quảng Nam), do người Cờ Tu phát hiện, hái ăn lâu đời trước khi triều đình nhà Nguyễn đặt lệ thu thuế đầu thế kỷ XVIII. Nay Bòn bon được trồng khắp các bình nguyên và nhiều nhất ở Lái Thiêu (Bình Dương) và có rất nhiều giống lai tạo vừa to trái vừa ngọt…
Cây thuộc loại đại mộc, mọc thẳng đứng, cao 15 – 20m. Cây phát triển chậm, mất đến 15 năm mới trưởng thành. Vỏ thân màu nâu đỏ hay vàng nâu. Lá một lần kép, với 3 – 7 lá phụ mọc xen, cứng, không lông, dài 8 – 15cm, rộng 7 – 12cm. Phiến lá phụ hình xoan nhọn, nguyên. Cuống lá phụ dài đến 1cm. Chùm hoa tụ tán, màu trắng hay vàng nhạt, mọc ở ngọn nhánh. Hoa lưỡng phái: đực và cái riêng biệt. Hoa nhỏ, có 5 lá đài. Trái gần như tròn, tụ thành chùm từ 2 đến 30 trái, vỏ vàng nhạt hay hơi trắng hồng, mịn như nhung, có chứa một chất nhựa mủ trắng. Trái thường có 5 múi, có vách ngăn mỏng. Múi trong suốt, chứa nhiều nước có mùi thơm, vị ngọt hay hơi chua, mỗi múi chứa 1 hột, thường lép, vị rất đắng, nên khi ăn nhả bỏ hột.
Nhiều giống Bòn bon mỗi năm cho hai mùa trái, vào tháng 6 – 7 và tháng 12 – 1 dương lịch, đôi khi kéo đến tháng 2. Mỗi cây có thể cho 500 – 1.000 trái/năm. Các giống ngoại nhập, chiết cành, cấy mô cho trái rất sớm trong 1 – 2 năm, sai trái và trái to, bầu dục, vỏ mỏng, ít mủ và rất ngọt…
Thành phần dinh dưỡng
Trong 100g phần ăn được chứa:
– Chất đạm 0.8g
– Chất bột đường 9.5g
– Chất xơ 2.3g
– Calcium 20mg
– Phosphor 30mg
– Caroten (vit A) 13IU
– Sinh tố B1 0.089mg
– Sinh tố B2 0.124mg
– Sinh tố C 1mg
Về phương diện thực phẩm, trái Bòn bon sau khi lột vỏ có thể ăn sống như một trái cây giải khát (bỏ hột). Với những chủng, vỏ chứa nhiều nhựa có thể nhúng trái vào nước sôi trước khi lột vỏ. Trái tươi có thể giữ khoảng 4 ngày ở nhiệt độ bình thường, nhưng nếu giữ trong tủ lạnh (ở 12 – 13 độ C), có thể tồn trữ đến 2 tuần. Vị ngọt gia tăng vì lượng đường trong trái được chuyển đến mức cao nhất trong vòng 7 ngày, rồi giảm xuống.
Trái sau khi lột vỏ, bỏ hột có thể đóng hộp, ngâm trong nước đường…
Thành phần hóa học
Ngoài thành phần dinh dưỡng trên của trái, các bộ phận của cây còn chứa một số hoạt chất:
Hạt: chứa các triterpinoid và các tetranortriterpenoid: domesticulid A-E; một alkaloid và 2 hoạt chất đắng; nhựa tan trong alcohol (1%).
Vỏ trái: vỏ tươi chứa tinh dầu dễ bay hơi (0.2%) màu vàng nhạt, một chất nhựa màu nâu, tanin và một số acid hữu cơ. Vỏ khô có thể trích ra một chất nhựa dẻo (oleoresin) gồm 0.17% tinh dầu và 22% nhựa. Trong vỏ trái cũng có các triterpen loại onoceranoid, lansium acid độc đối với tim.
Công dụng sinh học
Nghiên cứu tại ĐH Ottawa (Canada) ghi nhận các triterpinoid loại lansiolid ly trích từ vỏ thân cây Bòn bon có hoạt tính trong các thử nghiệm sinh học (in vitro) chống lại ký sinh trùng gây sốt rét Plasmodium falciparum và trên chuột bị gây nhiễm P. berghei (Current Topics in Medicinal Chemistry Số 3 – 2003).
Nghiên cứu tại ĐH Walailak, Thasala (Thái Lan) ghi nhận: các terpenoid ly trích từ hột Bòn bon có hoạt tính diệt được Plasmodium falciparum ở nồng độ IC50 = 2,4 – 9,7 microg/ml (Phytochemistry Số 67 – 2006).
Nghiên cứu tại ĐH Malaysia, Sarawak (Mã Lai) ghi nhận: nước chiết từ vỏ trái và lá Bòn bon có tác dụng làm giảm hạ số lượng P. falciparum thuộc các chủng đã kháng chloroquin (T9) và chưa kháng chloroquin (3D7).
Dịch chiết từ vỏ trái gây trở ngại, làm ngưng chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét (Journal of Ethnopharmacology – Số 85 – 2003).
Nghiên cứu tại ĐH Philippines, Manila ghi nhận: dịch chiết từ lá Bòn bon có tác dụng diệt được ấu trùng (lăng quăng) của các loài Muỗi vằn (Aedes aegypti) và Muỗi đen (Culex quinquefasciatus). Hoạt tính diệt lăng quăng này xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi thêm dịch chiết vào môi trường thử nghiệm ở các nồng độ 100g% đến 1.565g% (South East Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health Số 25 – 1994).
Vài phương thức sử dụng khác
Vỏ trái: tại Java (Indonesia), vỏ trái được phơi khô và đốt: khói có mùi thơm dùng đuổi muỗi và làm nhang xông tại các phòng người bệnh.
Gỗ thân: gỗ thân màu nâu nhạt, độ cứng trung bình, có hạt mịn, dai khá bền. Tại Java được dùng làm cột nhà, thuyền bè, cán dụng cụ và cán đồ nhà bếp. Nhựa than lấy được bằng chưng cất, dùng để nhuộm răng.
Thuốc dân tộc: hạt, phơi khô, được tán thành bột dùng trị nóng sốt và sán lãi (Indonesia). Vỏ thân dùng trị vết cắn của bọ cạp (Malaysia). Nước sắc từ vỏ thân và lá dùng trị tiêu chảy và sốt rét. Nước nấu từ lá dùng làm thuốc nhỏ, trị sưng mắt.
Thổ dân tại Indonesia, Philippines dùng vỏ trái và vỏ cây để chế tạo một loại thuốc độc tẩm vào mũi tên. Trong vỏ trái và vỏ cây có một lượng nhỏ lansium acid, một độc chất khi chích vào ếch, gây tim ngưng đập.
Sưu tầm