CÔNG DỤNG CỦA CÂY HOA BAN – CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?
Cây Ban, còn có tên: cây móng bò, hoa Ban, thuộc chi Bauhinia thuộc họ Diệp (Caesalpiniaceae) hay họ phụ Điệp (Caesalpinioideae). Cây ban cho hoa rất đẹp, là biểu tượng (quốc hoa) của Hồng Kông (Kim tử kinh).
Nước ta có rất nhiều loài hoa Ban mọc hoang trong rừng và nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây Bắc. Các loài sau đây thường được trồng làm cảnh hay làm thuốc ở khắp nơi:
CÂY HOA BAN ĐỎ(còn gọi cây Bướm đỏ, cây Móng lạc đà), tên khoa học Bauhinia purpurea L. Tiểu mộc cao 2 – 6 m, nhánh non có lông. Lá to, hình móng bò, không lông, có 9-11 gân lá xuất phát từ đáy cuống lá. Phát hoa quanh năm, thành tản phòng to nhưng với ít hoa, có sọc đỏ đậm, đẹp, với 3 – 4 nhị lép, 5 – 6 nhị thụ, noãn sào có lông. Trái dẹp, ngang 2 cm, dài 15 – 30 cm, chứa 12 – 13 hột.
Vỏ cây trị ho, suyễn, kinh phong, tê thấp, thông mật, trợ tiêu hóa, trị tiêu chảy, trị u bướu ở dạ dày. Liều dùng 12 – 20 g khô (tươi 40 g) sắc uống. Nước sắc vỏ cây Ban cũng làm nước súc miệng trị viêm họng, đắp trị bệnh ngoài da, da mất màu (bạch biến), trị nám da, hói đầu (uống và thoa).
CÂY HOA BAN SỌC Ctên khoa học Bauhinia variegata L. Đại mộc cao 6 – 15 m, cành non có lông mịn. Lá hình móng bò, màu lục lợt, mặt dưới có lông thưa, lá rụng theo mùa. Chùm hoa dài 20 – 30 cm, thòng, hoa to, cánh hoa trắng hay đỏ tim tím, có sọc đậm. Trái dẹp, rộng 2,5 cm, dài 20 – 30 cm chứa 9 – 10 hột. Mọc hoang ở rừng thay lá từ 500 – 1.500 mét, nhiều nhất ở Lai Châu, trổ hoa vào mùa xuân trở đi, trồng tại các tỉnh phía Nam ra hoa quanh năm.
Hoa ăn được, trị ho, trị tiêu chảy, kiết lỵ. Vỏ thân, rễ dùng như cây trên.
CÂY HOA BAN VÀNGcó tên khoa học là Bauhinia tomentosa L, là cây tiểu mộc, cao 3 m, cành nhánh mảnh, có lông mịn. Lá hình móng bò, mặt dưới hơi mốc mốc. Chùm ít hoa, màu vàng, đài hoa hình tàu, màu vàng tươi, cờ có một bớt đậm. Trái dẹp, dài 12 cm, chứa 4 – 12 hột. Mọc hoang nơi rừng Dầu ở Darlak, Cà Ná… Trong làm cảnh, làm thuốc. Lá, vỏ trị nọc rắn, rít, bò cạp. Rễ, vỏ trị viêm gan, tiêu chảy, kiết lỵ.
PHAN ĐỨC BÌNH