CÂY HOA LAY ƠN
Cây Hoa Lay Ơn còn có tên gọi khác là Lay Dơn, hoa Dơn, Kiếm Lan ( vì lá dài như lưỡi kiếm ), với tên khoa học là Gladiolus, là một trong những loài hoa đẹp được sử dụng nhiều nhất tại các nước phương tây và đây chính là xuất xứ của hoa, hoa lay ơn đã du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Hoa Lay Ơn mang ý nghĩa của sự hẹn hò, hoặc một cuộc họp vui vẻ và lời hẹn cho ngày mai.
Cây Hoa Lay Ơn là một trong những loài hoa đẹp được sử dụng nhiều nhất tại các nước phương tây và đây chính là xuất xứ của hoa, hoa lay ơn đã du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Đặc điểm của Cây Hoa Lay Ơn
Thân cây hoa lay ơn có dạng thân thảo, thân giả được kết bởi các bẹ lá xếp chồng lên nhau, bẹ lá trước xếp phủ lên bẹ lá sau. Lá cứng hình lưỡi kiếm, cuống lá phần gốc rộng và to thành hình như cái bao xếp chồng lên nhau tạo thành củ lay -ơn. Lá dài khoảng 30-80cm, rộng 4-5cm, có gân dọc. Giữa phiến lá và bẹ lá không phân biệt rõ ràng. Lá xếp thành 2 dãy, mọc thẳng đứng, trên mặt lá phủ một lớp phấn sáp ít thấm nước.
Cây Hoa Lay Ơn có dáng đẹp, cành dài, cánh mỏng như vành khuyên nhìn rất hấp dẫn và hoa tươi rất lâu, cắm vào nước có thể tươi từ 10-15 ngày. Cánh hoa lớn, dạng hình lá bao vào nhau khi chưa nở. Khi nở hoa có dạng hình phễu, bao hoa dính nhau tạo thành một khối gồm 2 vòng hoa (2 lớp cánh), nhị và nhụy hoa ở vòng trong hoa, bao phấn hướng ra ngoài, bầu noãn phía dưới có 3 ngăn hình cầu. Cánh hoa có loại bằng, lượn sóng… Trên cành hoa mang nhiều hoa (12-20 hoa), xếp dọc theo chiều dài của cành theo kiểu zíc zắc.
Quả có 3 ngăn chứa nhiều hạt phía trong, khi hạt trần có bao lớp màng màu nâu. Củ chính là thân ngầm của cây hoa layơn. Rễ dạng chùm ít ăn sâu mà phát triển theo bề ngang. Có 2 loại rễ: rễ mọc từ giống ban đầu (củ mẹ) gọi là rễ sơ cấp và rễ mọc từ củ con do củ mẹ đẻ ra gọi là rễ thứ cấp.
Cách Chăm Sóc Cây Hoa Lay Ơn
– Tưới nước 2 ngày/lần. Những ngày nắng, nóng tưới 2 lần/ngày.
– Sau khi trồng 7 – 10 ngày, mầm cây hoa mọc ra khỏi mặt đất, thường 1 củ có 1 mầm nhưng cũng có củ có nhiều mầm. Sau khi trồng 20 – 25 ngày, ta lặt bỏ các mầm phụ, để lại 1 mầm tốt nhất (khỏe nhất). Lưu ý thao tác khi tỉa bỏ mầm, không được làm long gốc cây.
– Vun gốc: lần 1 khi cây được 3 lá.
– Lần 2 khi cây cao khoảng 50 cm, đồng thời cắm cọc để cây không bị đổ ngã.
Một số bệnh hại phổ biến trên cây hoa lay ơn:
– Bệnh trắng lá: do nấm Septoria sp. gây ra. Thường gây hại trên lá già hoặc lá bánh tẻ, ban đầu vết bệnh chỉ như mũi kim chân , sau đó lan dần. Sử dụng Anvil 5 SC để phun phòng trị.
– Bệnh thối xám: do nấm Sclerotinia sp. gây ra, vết bệnh lúc đầu màu nâu vàng, gặp thời tiết ẩm ướt vết bệnh thối nhũn (không có mùi), bệnh làm thối lá, vàng lá và thân. Sử dụng Daconil 500 SC để phun phòng trị. Hoặc sử dụng Benlate để xử lý củ layơn với nồng độ 2‰ trong thời gian 30 phút để phòng bệnh thối xám
– Bệnh héo vàng: do nấm Fusarium sp. gây ra, bệnh thường xuất hiện ở gốc thân hoặc cổ rễ cây hoa, thường có màu nâu làm khô tóp gốc thân.
– Bệnh héo vi khuẩn: Bệnh do vi khuẩn gây nên, làm thối gốc rễ. Vết bệnh có hình bất địng, ủng nước, lá cây héo rũ. Cần vệ sinh vườn sạch, chọn những chân đất cao, khô ráo dể trồng hoặc có thể sử dụng Streptomicin 100 – 150 ppm để phun phòng ngừa.
Thu hoạch Cây Hoa Lay Ơn:
– Thông thường, khi có 1 – 2 búp hé nở là thu hoạch được.
– Khi cắt hoa cần để lại 2 – 3 lá để nuôi củ giống sau này.
– Cắt xong, dùng giấy báo hoặc giấy ximăng bao lại, để trong bóng tối và khuất gió, sau đó cho vào xô nước để bảo quản hoa.
Sưu Tầm Và Biên Soạn