CÂY HOA ĐÀO THẤT THỐN – KHÔNG THÍCH HỢP VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ TIỀN
Mà chỉ những người thật sự am hiểu về loài “đào tiên” này mới có thể chơi được nó
Cây Hoa Đào Thất Thốn hay dân gian vẫn quen gọi là đào tiến vua, một loại đào rất hiếm và khó gặp tại các vườn đào ở Hà Nội. Đào Thất Thốn có vẻ đẹp riêng biệt, không trộn lẫn với đào thường và phải mất rất nhiều công, nhiều năm chăm sóc đào mới có
Khác với đào thường, Cây Hoa Đào Thất Thốn cần phải có nhiều năm hơn, quá trình chăm sóc cực kỳ khó khăn, từ uốn nắn, để ra hoa, chăm sóc.
Có rất nhiều cách lí giải cho việc gọi tên Đào Thất Thốn và chưa có một sự thống nhất. Có người hiểu, Đào Thất Thốn nghĩa là 7 thốn. Thốn là đơn vị đo chiều dài của y học phương đông cổ xưa. Mỗi thốn có chiều dài khoảng 1 đốt ngón tay. Lá đào dài 7 thốn, cây phát triển cứ đến 7 thốn thì lại chia cành một lần. 1 thốn có 7 bông hoa. Cũng có người giải thích rằng, Đào Thất Thốn là thân cây cao 7 tấc (chừng hơn 1m so với mặt đất) và 7 năm mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh…
Trước khi nở hoa, Cây Hoa Đào Thất Thốn bao giờ cũng bung ra những chồi lộc, xanh tía như lưỡi kiếm vung lên mà màu sắc của nó có lẽ chỉ những người rành hội họa mới diễn tả hết được.
Hoa của đào Thất Thốn khác với đào thường, từ màu sắc, hoa đỏ thắm tươi, nhụy vàng nổi bật và đặc biệt là ra hoa kép, số lượng cánh hoa trên một bông đào Thất Thốn có thể nhiều gấp đôi ba lần các loại đào thường. Nếu cây ra ít hoa thì bền kỳ lạ, còn hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Hương thơm của Đào Thất Thốn cũng thoang thoảng kiểu “đãi” mùi rất sang chứ không thơm ngào ngạt như hoa đào thường.
Chính vì quý, hiếm và có nhiều vẻ đẹp độc đáo như vậy, nên giá của một gốc đào Thất Thốn phải tính từ chục triệu trở lên.
Nguồn Gốc Của Cây Hoa Đào Thất Thốn
Chưa ai biết xuất xứ của loại đào này, nhưng các cụ cao tuổi làng đào Nhật Tân cho biết, từ khi lớn lên đã thấy Nhật Tân có đào thất thốn. Đào thất thốn có tán hình nấm là đẹp nhất, lá dày, xanh thẫm, cành mọc chia đều ra xung quanh. Muốn trồng được đào thất thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Tưới cây phải tưới bằng nước sạch, bởi vậy, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào này. Để chăm dưỡng được một cây đào quý này, vào những ngày rét mướt, sương muối hay những hôm nắng bỏng héo lá, người trồng đào phải là một “bà đỡ” thật khéo thì đào mới trụ được. Chơi đào thất thốn phải đánh nguyên cả cây, cho vào chậu chứ nếu chỉ cắt cành thì quá lãng phí và không biết cách chơi đào. Những năm bao cấp, hầu như không còn ai trồng đào thất thốn, thỉnh thoảng mới có một gia đình cố giữ lại trong vườn.
Giờ đây, ý tưởng gây lại giống đào quý đang được người dân làng đào khơi dậy. Một số nghệ nhân đi sưu tầm ở các vùng quê, tìm cách chiết ghép, ươm giống để có thể tạo ra giống đào thất thốn mới, tuy chưa chính hiệu nhưng cũng có thể được người chơi công nhận.
Đào thất thốn Đà Lạt
Đào thất thốn Đà Lạt là một loại cây cảnh có dáng lùn, đẹp tự nhiên, nở nhiều hoa, sai quả, tuổi thọ cao và có tên khoa học Prunus Persica, thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae).
Đào thất thốn Đà Lạt đầu tiên được một nghệ nhân ở Ấp Đa Thiện ( Đà Lạt ) – cụ Vũ Hữu Sửu, gây giống và phát triển vào năm 1968. Sau đó được một nghệ nhân ở ấp Hà Đông ( Đà Lạt) – cụ Ngô Nhật Tiên, đưa cây vào trồng chậu tạo thế phát triển thêm về mặt nghệ thuật. Hiện nay, đào Thất thốn Đà lạt có mặt ở hầu hết vườn cảnh của những nghệ nhân tại Đà Lạt.
Đặc Điểm Của Đào thất thốn Đà Lạt:
Đào Thất thốn Đà Lạt là một loại cây có giá trị nghệ thuật rất cao trong bonsai- cây cảnh, có cây lên đến hàng chục triệu đồng. Ngoài các đặc điểm giống như đào thường như lá đơn, hình mác, mọc so le, có mép răng cưa; vỏ thân già màu xám; trái hình cầu có đầu nhọn; hạt hình bầu dục có một đầu nhọn và có vân lồi lõm, còn có một số đặc điểm sau:
1. Tán cây thường rất rậm vì lá chen nhau, và vì lá đào Thất thốn Đà Lạt lớn và dài hơn lá đào thường; dài 10-20 cm, rộng 1,5-2 cm. Đào Thất Thốn Đà Lạt có nõn lá non màu xanh trong khi nõn lá đào thất thốn Hà Nội màu xanh phớt đỏ sậm. Đào thất thốn Hà Nội có lá ngắn và nhỏ hơn đào Thất thốn Đà Lạt.
2. Tại đốt cây, khoảng cách giữa 2 lá của đào thất thốn Đà Lạt rất ngắn, cứ 1cm có 5-7 lá trong điều kiện ánh sáng thường. Đó chính là lý do khiến chiều cao của cây phát triển chậm. Mỗi năm cành và thân đào phát triển dài thêm được khoảng 3-5 cm.
3. Cành và thân đào thất thốn nói chung cứng và dòn nên khó uốn, nhất là khi đã hóa mộc.
4. Thân cây có nhiều vảy sẹo. Vỏ thân cây đã hóa mộc thường có màu xám trong khi thân đào Thất thốn Hà Nội có mầu nâu sậm.
5. Hoa đào Thất thốn Đà Lạt có màu hồng lợt với 5 cánh hoa, một vòi nhụy cái, khoảng 25 cuống và túi phấn hoa. Đào Thất thốn Hà nội có hoa kép cánh nhỏ hơn, màu đỏ sậm và thường ra hoa tập trung hàng loạt vào dịp tết. Đào Thất thốn Hà Nội ra hoa cũng dịp này nhưng trong khoảng thời gian kéo dài, rải rác hơn.
6. Quả đào Thất thốn Đà Lạt lớn, đường kính trung bình 4-6 cm, màu vàng có má hồng sậm. Hạt nhỏ hơn đào thường và trái có vỏ mỏng, ít lông. Đào thất thốn Đà Lạt cho quả rất sai. Hoa đào tự thụ phấn, không cần thụ phấn chéo với giống đào khác.
7. Thời gian thọ hàn ( chill collection) thấp vì giống đặc chủng từ thành phố Đà Lạt nơi có nhiệt độ mùa đông không kéo dài bằng Hà Nội.
8. Cây có giá trị trang trí 2 lần: một lần vào dịp tết khi cây ra hoa và một lần vào khoảng tháng tư âm lịch khi quả chín hồng trĩu cây.
9. Tuổi thọ của đào thất thốn chưa được xác định chính xác mà các nhà trồng trọt đều nhận xét là đào Thất thốn ở độ tuổi 20 vẫn cho nhiều hoa, trái nhiều. Riêng những cây ở Đa Thiện từ năm 1968 hiện nay vẫn phát triển tốt.
Đào Thất thốn Đà Lạt có thể nhân giống bằng cách ghép, chiết và gieo hạt nhưng cây được nhân giống từ hạt vẫn giá trị hơn vì dễ chăm sóc và có tuổi thọ cao hơn.
Cách Chăm Sóc Đào Thất thốn Đà Lạt:
Yêu cầu về đất trồng và dinh dưỡng của đào Thất thốn cũng như đào bình thường ngoại trừ khi trồng trong chậu phải đưa đào ra ánh sáng khoảng 10 giờ/ngày trong đó có 6 giờ ánh sáng trực tiếp. Khi đặt cây ở mái hiên nên để cây đặt cây gần tường hướng về phía nam. Với vị trí đó cây sẽ có ánh sáng chiếu nhiều nhất là ánh sáng phản chiếu từ tường. Có như vậy đào thất thốn mới đủ điều kiện phát triển tốt và trái chín có màu đỏ
Đào thất thốn Đà lạt cũng chịu ảnh hưởng bởi sâu bệnh như đào thường như sâu đục lá và quả. Tuy nhiên, đào thất thốn ít bị sâu đục thân hơn có thể do thân gỗ cứng hơn đào thường. Đặc biệt lưu ý không trồng gần các cây thuộc họ Hoa Hồng để tránh lây nhiễm bệnh.
Đào thất thốn nói chung vốn có dáng tự nhiên đẹp không cần tạo thế. Tuy nhiên các nghệ nhân trồng đào thất thốn thường có các xu hướng sau:
Dạng hình nấm: Dạng này thường được các nghệ nhân ở Hà Nội ưa chuộng khi trồng đào thất thốn Hà Nội ( theo Báo Hà Nội điện tử- Mong manh phận đào Thất thốn)
Dạng cắt uốn theo các thế Bonsai: Một số nghệ nhân bonsai thường tỉa, uốn tạo các thế truyền thống ( theo luaviet.com.au/Essence of Vietnam).
Dạng cắt cành phát triển vươn ngang tự nhiên: Đây là dạng cây được bấm ngọn để tạo cành phát triển xa thân chính để cây hấp thụ được nhiều ánh sáng, cho trái nhiều, chín đỏ đều và ngọt.
Sưu Tầm Và Biên Soạn