CÂY DÂY CHÀM – NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT
Cây Dây Chàm có tên khoa học là Marsdenia tinctoria R.Br., thuộc họ Thiên Lý – Asclepiadaceae.
Phân Bố: Cây Dây Chàm phân bố rải rác khắp nước ta, chủ yếu trên các bụi cây quanh các làng bản, nhất là ở Ninh Bình. Cây Dây Chàm còn phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Inđônêxia, Trung Quốc.
Đặc Điểm Cây Dây Chàm: Dây leo to, dài tới 5m, có nhánh có lông. Lá dạng màng, màu xanh lam hay đen lúc khô, thuôn, tròn dạng tim ở gốc, nhọn nhiều hay ít ở đầu, lúc non có lông về sau nhẵn; phiến dài 4,5-11cm, rộng 2-6cm, cuống dài 1-3cm. Hoa vàng, xếp thành chùm những tán giả. Quả đại tách nhau, thõng xuống, hơi phình ở gốc, thon hẹp thành mũi nhọn, dài 4cm, rộng 8mm, phủ lông dài. Hạt có mào lông, dẹp, có cánh, màu đen đen.
Công Dụng Và Ý Nghĩa Của Cây Dây Chàm: Ở một số nơi, người ta thường trồng để lấy lá và thân Cây Dây Chàm dùng để chiết một chất nhuộm màu xanh lam có thể chuyển qua màu đen, có phẩm chất tương đương với chất thanh đại của cây họ Đậu.
Người ta có thể dùng chất màu của Cây Dây Chàm để nhuộm vải và có khi dùng nhuộm tóc thành màu đen. Ở Inđônêxia, lá có khi được dùng để trị bệnh đau dạ dày. Ở Trung Quốc, quả dùng trị đau tâm vị đầy hơi.
Sưu Tầm Và Biên Soạn