Cây Bồ Đề “Thiêng” Trên Sê -Nô Nhà Tổ Chùa Phúc Lâm

CÂY BỒ ĐỀ “THIÊNG” TRÊN SÊ -NÔ NHÀ TỔ CHÙA PHÚC LÂM

Con người sống được nhờ ăn uống. Cây cối muốn sống và phát triển nhờ có đất. Thế nhưng sự kì diệu của cây Bồ-đề “thiêng” của chùa Phúc Lâm đâm là nó có thể đâm chồi, nảy lộc và phát triển treo leo bên ngoài lan can sàn sê-nô bằng bê-tông cốt thép của nhà Tổ theo tháng năm mà chẳng có chút đất nào cả.

Vào những ngày lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, lễ Phật đản, lễ Vu Lan…, hàng nghìn người dân và phật tử từ khắp thành phố Biên Hòa và các vùng phụ cận thường đến chùa Phúc Lâm chiêm bái 26 pho tượng Phật, Bồ-tát tuyệt hảo và chiêm ngưỡng hơn 200 biểu mẫu hoa văn cổ khác nhau, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được chạm khắc trên các hoành phi, đại tự, câu đối, cửa võng, cuốn thư… bằng gỗ, sơn son thếp bạc phủ hoàng kim trang trí bên trong Chính điện.

Khách hành hương cũng khá bất ngờ khi thấy cây Bồ-đề, một biểu tương thiêng liêng của Phật giáo, mọc chênh vênh bên ngoài lan can sê-nô bằng bê-tông cốt thép của nhà Tổ, bên phải Đại hùng Bảo điện từ ngoài nhìn vào.

Cây Bồ-đề, tiếng Phạn là Bodhi, tên khoa học là Ficus religiosa, gọi tắt là cây đề, một loài cây thuộc chi đa đề (Ficus) có nguồn gốc ở Ấn Độ, Tây Nam Trung Quốc và Đông Dương về phía đông Việt Nam. Theo tín ngưỡng Phật giáo, cây Bồ-đề liên quan mật thiết đến sự kiện chứng đắc, trở thành một vị Phật của thái tử Sidhatha (Sĩ Đạt Đa) khi ngài ngồi thiền định dưới cội cây này. Từ đó về sau, giới Phật giáo lấy cây Bồ-đề làm biểu trưng của sự giác ngộ và tỉnh thức. Vì vậy, cây Bồ-đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với người xuất gia cũng như tại gia.

Con người sống được nhờ ăn uống, hít thở. Cây cối muốn sống và phát triển nhờ có đất. Thế nhưng, cây Bồ-đề “thiêng” của chùa Phúc Lâm có thể đâm chồi, nảy lộc và phát triển treo leo bên ngoài lan can sàn sê-nô bằng bê-tông cốt thép mà chẳng có chút đất nào cả. Theo thời gian, rễ của nó như có mắt, có mũi thấy ngửi được hơi đất, từ từ men theo bờ tường, len lỏi giữa cột nhà Tổ và tường nhà ăn, bám chặt vào nền gạch dưới mặt đất.

Tìm hiểu về việc có ai trồng cây Bồ-đề này ở một vị trí kỳ lạ như vậy và nó đã được bao nhiêu tuổi, đại đức trụ trì Thích Minh Trí cho biết: “Rằm tháng 7 năm Bính Tý (1996), cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, viện chủ chùa Vĩnh Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh cử tôi về trụ trì chùa này. Ngày tôi đặt chân về đây, tôi đã thấy cây Bồ-đề mọc ở đó. Khi ấy, cây đề này chỉ mới được khoảng từ 2 đến 3 tháng tuổi, cao chừng độ hơn hai gang tay, thân to bằng ngón tay trỏ. Các cụ phật tử trong Ban hộ tự đề nghị tôi bứng cây Bồ-đề này mang trồng chỗ khác trong chùa, vì e ngại nó không phát triển được. Nhưng tôi nói cứ để cho nó mọc tự nhiên. Thấm thoát đã 15 năm trôi qua kể từ khi tôi về chùa, không ngờ cây đề này lại có sức sống mãnh liệt và phát triển như vậy.”

Còn các phật tử cao niên của chùa thì khẳng định, rằng chẳng có ai trồng cây Bồ-đề này cả, bởi vì ai lại đi trồng ở cái nơi kì quặc như thế bao giờ. Mà trồng làm sao được ở cái nơi không có chút đất? Các cụ cũng thắc mắc giữa trung tâm thành phố, toàn nhà với nhà, không hiểu hạt cây Bồ-đề từ đâu rơi xuống, rồi nảy mầm, rồi lớn lên như vậy.

Theo các cụ, chùa Phúc Lâm trước đây cũng có 01 cây đề cao to, được trồng khi mới thành lập chùa năm 1956, nằm gần sát đường Phạm Văn Thuận (Quốc lộ 15 cũ). Nhưng vào đầu thập niên 1990, khi nhà nước mở đường, cây đề này đã được đốn hạ để lấy đất làm lề đường.

Cây Bồ-đề còn tượng trưng cho niềm tin vững chắc về sự sinh tồn của Phật giáo cũng như sự tín tâm của người Phật tử đối với ngôi Tam bảo. Cây Bồ-đề chính là tâm Bồ-đề, là bóng râm che mát, là ánh sáng trí tuệ luôn soi sáng và tưới tẩm cho những ai đang khát khao tìm về cội nguồn an lạc.

“Chùa Phúc Lâm trải qua hơn 10 năm “chết lặng” [gián đoạn] (từ 1980 đến 1990) và hơn 5 năm (từ 1991 đến giữa năm 1996) nội bộ lủng củng, không có sư trụ trì. Từ khi cây Bồ-đề này bỗng nhiên xuất hiện, chùa mới có sư trụ trì, mọi phật sự của chùa ngày càng đi vào ổn định và phát triển cho đến nay,” các cụ chiêm nghiệm lại và chia sẻ.

Ngày nay, nếu có duyên đến chùa Phúc Lâm, các bạn đừng quên chiêm ngưỡng cây Bồ đề “thiêng” tự nhiên từ trên giời rơi xuống mọc trên sê-nô nhà Tổ của chùa, trông rất ngoạn mục và độc nhất vô nhị này nhé.

Sưu tầm