Câu Chuyện Ông Chủ Tịch Xã Đi Bán Mận Tam Hoa

man tam hoa

CÂU CHUYỆN ÔNG CHỦ TỊCH XÃ ĐI BÁN MẬN TAM HOA

man tam hoa

Từ Bắc Hà (Lào Cai), một người trồng mận gọi điện đến đường dây nóng của TS kêu cứu vì mận tam hoa ế ẩm, giá thấp thê thảm, bà con mang bán phải mang về hoặc đổ đi. Ngày 5/6, phóng viên TS cùng TS. Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm điện năng, và đoàn thương nhân của chợ Long Biên (Hà Nội), chợ đầu mối hoa quả lớn nhất TP.HCM Cầu Mối – Ông Lãnh lặn lội lên Bắc Hà để tìm hiểu đầu ra cho quả mận.

20kg mận = một bát phở

Gần 70km từ thị xã Lào Cai lên thị trấn Bắc Hà, ngay khi xuống xe, chúng tôi đã gặp cảnh mận bày bán hàng dài. Cậu bé đi cùng đoàn sà vào một cửa hàng, khi biết mua không nhiều, bà chủ cho cậu vài vốc lớn gọi là… khuyến mãi. Giá mận tam hoa loại to, dân Bắc Hà thường gọi là mận ngố, trên dưới 1.000 đồng/kg. Riêng mận xô, giá chỉ 300-400 đồng/kg.

Chị Nông Thị Phượng, nhà đội 4, bản Sín Chải, xã Na Hối, cho biết, nhà chị có 400 gốc mận, cho sản lượng khoảng 10 tấn. Mỗi ngày, chị gùi 2-3 địu mận xuống chợ bán, khoảng 40kg/địu, ngày nhiều nhất bán được 200kg. Chị lắc đầu: “Nghe thì nhiều thế, chứ vác nặng sắp chết thế này mới được có 6.000 đồng/địu”. Chợt nghĩ, với một địu mận khoảng 20-30 kg, bà con có trong tay chưa đầy 10.000 đồng, chỉ bằng một bát phở dưới xuôi.

Trò chuyện với TS, một cậu người Mông rầu rĩ: “Nhà em cũng có 400 gốc mận, vụ này cho khoảng 20 tấn, nhưng giờ em mới bán được 10 tấn mà giá đã xuống thấp như thế này, chẳng biết số còn lại ra sao”. Người địu mận qua lại, mang đi vác về lặng lẽ, cộng với cảnh đìu hiu của phố núi, chợt thấy thèm cảnh tấp nập chợ búa dưới Hà Nội hay cảnh thu hoạch ngày mùa.

Ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, than thở: “Tôi lo nhất là bà con chặt mận do không bán được”. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.000ha, trong đó, 1.360ha đang cho thu hoạch. Năm nay, ước tính tổng lượng mận đạt 10.000 tấn toàn huyện. Thấy chúng tôi trầm trồ trước những quả mận to, ngọt, chín đều mà Hà Nội ít có, chị Nguyễn Thị Hoa, một chủ đại lý, nói: “Nhìn đẹp thế thôi, chứ đến mai kia, chúng mất màu thì xấu ngay. Thu mua 30 tấn mỗi ngày, nhưng chúng tôi vẫn phải lựa chọn, đổ đi hàng đống”.

Mặc dù đã tắm nước ozone, nhưng theo lời chị Hoa, mận chỉ tươi được khoảng 10 ngày. Điều đặc biệt là lớp phấn bên ngoài trôi mất, do vậy, nhiều lái buôn và người ăn lại không thích, giá cả vì thế cũng giảm đi. “Mỗi ngày tôi mất 20.000 đồng thuê người dọn mận hỏng, nếu không, mận lại gây ô nhiễm môi trường”, chị Hoa nói.

“Đợt trước, tôi có đánh 3 chuyến mận vào Nam, mỗi xe 10 tấn, chạy trong 3 đêm 2 ngày. Vào đến nơi, 2 chuyến đổ đi, chuyến còn lại lãi 4 triệu đồng. Nhiều đầu mối tại TP.HCM phàn nàn, mận đã thối đến 2/3 xe. Công xá chẳng thấm vào đâu. Chúng tôi làm được là bao, phải có DN lớn làm thì mới giúp bà con được chứ”, chị Hoa tâm sự. Theo chị Hoa, mỗi ngày, Bắc Hà phải có ít nhất 100 xe để mua mận cho bà con, trong khi thị trấn mới có 4 xe, mỗi xe chỉ chở hơn một nửa, đâu có thấm tháp gì?. Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Hà, ông Đỗ Xuân Cao, cho biết, chưa đầy 200/900 hộ của thị trấn đứng ra thu mua, lo đầu ra cho quả mận, nhưng đến nay, cũng rất ít người dám chở mận đi bán xa.

Cung vượt cầu là nguyên nhân chính khiến năm nay mận rẻ và ế. Không chỉ Bắc Hà (Lào Cai) trồng mận, mà cả Thái nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn… cũng trồng nhiều loại cây này. Có ai nghĩ sau này mận chỉ 300-400 đồng/kg? Rồi 5.000 tấn mận Mộc Châu năm nay lại chín muộn (thông thường, mận Mộc Châu chín sớm 1 tháng), nên khi Bắc Hà thu hoạch, mận càng nhiều.

Mận tam hoa Nam tiến?

man tam hoa

Điều gây ngạc nhiên cho hầu hết chúng tôi là đích thân ông Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Đặng Văn Cảnh đã cầm lái chiếc xe 4 chỗ, chạy vào tận Huế, TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang, Tây Ninh, cùng TS. ozone Nguyễn Văn Khải và một số đại lý lớn, để bán mận. Ông hào hứng khoe, người Huế thì từ ngỡ ngàng đến thích thú, và sẵn sàng mua mận. 8 siêu thị trong hệ thống Co-op Mart đã nhận bao tiêu khi quả mận bảo quản bằng nước ozone vào đến TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Thắng Lợi (2 Trường Chinh) đón nhận ngay toàn bộ số mận tam hoa mà ông chủ tịch huyện đem đi chào hàng. Giám đốc Sở KHCN Vĩnh Long, ông Bùi Văn Sáu, quyết định dùng nước ozone để ngâm xem mận tam hoa tươi thêm được bao lâu.

Cùng đoàn lên Bắc Hà lần này là vợ chồng ông Hải – bà Loan, một trong những đầu mối hoa quả lớn nhất tại Long Biên. Theo ông Hải, người thuộc Ban quản lý chợ, Hà Nội hiện đang tiêu thụ trên dưới 100 tấn mận/ngày, nhưng rất ít mận tam hoa Bắc Hà quả to, ngon, ngọt như chúng tôi đã từng xuýt xoa, mà chủ yếu là mận Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng… Mận tam hoa về đến Hà Nội bị bầm dập, xước, thối, hỏng khá nhiều… do vận chuyển, bảo quản chưa tốt. “Nhiều khi, chúng tôi mua mận giá 3.500 đồng/kg, nhưng có khi chỉ bán được 2.500 do đổ đi nhiều”, ông Hải nói.

Sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, một chuyến xe thử nghiệm đưa 5 tấn mận về Hà Nội sẽ chạy nay mai. Giờ này trên Bắc Hà, người dân có lẽ đang hào hứng hái, bán mận tại các điểm thu mua, với giá 1.000-1.500 đồng/kg. Lãnh đạo thị trấn Bắc Hà sẵn sàng nhường cả hội trường, trường cấp I, cấp II làm địa điểm chứa mận. Sau khi phân loại, bảo quản bằng nước ozone, mận được đóng trong 1.000 chiếc hộp giấy trở từ Hà Nội lên, và tương lai, chúng sẽ được đóng trong các thùng gỗ 40x60x40cm.

Song, các đầu mối kinh doanh hoa quả tại TP.HCM, đi trong đoàn, cho rằng, khó khăn nhất khi mận Bắc Hà Nam tiến là khâu bảo quản và vận chuyển. Về bảo quản, trước mắt, sẽ dùng nước ozone. Còn khâu vận chuyển, chi phí mỗi xe lạnh vào TP.HCM hiện là 13-14 triệu đồng, xe “nóng” (tức không được làm lạnh) là 10 triệu đồng, do vậy, để đảm bảo tỷ lệ quả tươi và tiền lãi là rất khó. Theo ông Cảnh, chuyến du hành… bán mận của ông vào Nam hết đúng 32 giờ, nếu chạy xe tải là 36 giờ, đủ thời gian để mận còn tươi, nhưng tránh sao được quả bị dập khi vận chuyển. “Phải tìm được bao bì thích hợp chứ”, ông Cảnh khẳng định.

Ông Cảnh cho biết, về lâu dài, huyện sẽ thành lập HTX chuyên thu mua, đóng hộp và hỗ trợ chi phí trong quá trình vận chuyển. Với hy vọng sẽ kéo dài tuyến bán để mận Bắc Hà về tận Tây Ninh, ông Cảnh ước sao chúng còn được xuất sang Campuchia, nhưng mận phải bảo quản được ít nhất 20 ngày. Tuy nước ozone chưa hãm được quá trình chín quả, nhưng trước mắt, đây vẫn đang được coi là biện pháp hữu hiệu để giữ quả tươi. Nâng cao nhận thức cho bà con, 10 ngày nay, Đài TH Lào Cai, đài PH-TH của huyện liên tục tuyên truyền về tác dụng của nước ozone. Huyện cũng dự kiến sẽ mua thêm 3 máy tạo nước ozone, thay vì 1 máy chạy hết công suất, cho 15 lít/giờ như hiện nay. Bắc Hà đang cố gắng, mỗi ngày, huyện phải bảo quản được 50 tấn, tiêu thụ 1.000 tấn mận/ngày.

Chậm chân

Với thời điểm mận chín rộ, đã thu hoạch được 1/3, sự vào cuộc của các cơ quan xem ra khá muộn. Chính ông Đỗ Chí Cường, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (Bộ NN-PTNT) cũng thừa nhận điều này với TS. Khi chúng tôi lên Bắc Hà, thì cũng là lúc đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng về dưới xuôi. Lãnh đạo Bộ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai và khảo sát vùng mận Bắc Hà. Trước mắt, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh giao cho Tổng công ty Rau quả tiêu thụ mận giúp người dân, tỉnh sẽ hỗ trợ về kinh phí vận tải. Lào Cai cũng giao cho Công ty thương mại thu mua, tuyển chọn mận trong dân với mức giá hợp lý.

Đã vậy, Sở Thương mại Lào Cai hiện chỉ có 4 ôtô chở dầu và rượu phục vụ bà con, chứ không có xe chở mận. Hiện giờ, UBND tỉnh mới lên kế hoạch, thứ hai tuần tới họp bàn và cuối tuần triển khai. Khi đó, chắc mận tam hoa đã lên men trên cây.

Bộ NN-PTNT cũng giao cho Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch có dự án giúp tỉnh bảo quản mận Bắc Hà, hay sơ chế mận trước khi chế biến thành sản phẩm khác. Song, dự án này là “của để dành” cho mùa mận 2004, và việc chế biến từ mận là rất khó. Trước đây, một đoàn chuyên gia của tỉnh đã sang Rumani để tìm hiểu về cách làm rượu từ mận, mua thùng gỗ sồi để ủ rượu mận, song đến nay, kết quả của dự án này có lẽ vẫn nằm trên giấy.

Sưu tầm