Cách Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Giai Đoạn Ra Hoa

cay sau rieng

CÁCH CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG

GIAI ĐOẠN RA HOA

Trong các giai đoạn sinh trưởng của sầu riêng thì giai đoạn ra hoa, kết trái là giai đoạn rất mẫn cảm với sâu bệnh, trong đó đáng kể nhất là sâu ăn bông và sâu đục trái sầu riêng đã làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không phòng trừ kịp thời.

cay sau rieng

Sâu ăn bông: Là loài sâu hại khá phổ biến trong các vườn sầu riêng đang ra bông. Sâu thuộc Họ Limantridae, Bộ Lepidoptera. Thành trùng là một loại bướm màu vàng lợt, có chiều dài sải cánh khoảng 28-30 mm, ấu trùng màu nâu nhạt, ở giữa lưng có sọc đỏ, hai bên có sọc vàng, đầu có màu đỏ, sâu dài khoảng 10 mm. Bướm thường đẻ trứng trên các chùm bông, mỗi con có thể đẻ từ 50-60 trứng. Sâu non nở ra ăn phần cuống bông, đục vào bên trong bông, ăn cánh bông, nhụy đực và nhụy cái làm cho bông bị hư và rụng, dễ dàng nhận biết qua những lổ đục và những đám phân màu nâu đen được thải ra rất nhiều ngay cuống bông. Ấu trùng gây hại nặng nhất ở vào tuổi 3 và tuổi 4. Sâu hóa nhộng trên cây bên trong kén bằng bông kết dính lại.

sau benh hai tren cay sau rieng

Giai đoạn sầu riêng hình thành trái: Quan trọng nhất là sâu đục trái gây hại giai đoạn trái non và cả những trái lớn. Sâu đục trái có nhiều loài nhưng phổ biến nhất là loài Conogethes punctiferalis thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Bướm sâu đục trái tương đối nhỏ, thân dài khoảng 12 mm, có màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Trứng được đẻ rãi rác trên các trái non. Sâu non có đầu nâu, thân mình sâu có màu trắng ửng hồng. Sau khi vũ hóa, con cái thường tiết ra Pheromone để hấp dẫn con đực. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường bám trên chùm hoa để hút mật và đẻ trứng trên trái non. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 20-30 trứng. Sâu non khi nở bò rất nhanh và đục ngay vào trái.

sau benh hai tren cay sau rieng

Đầu tiên sâu tấn công vỏ trái sầu riêng, sau đó khi tuổi lớn, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái. Sâu thường hóa nhộng ngay trên đường đục, gần bề mặt của vỏ trái hoặc sâu chui ra ngoài, nhã tơ, kết lá và phân thành kén rồi hóa nhộng trong kén ngay giữa các gai của trái. Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi già sắp chín nhưng nặng nhất khi trái bắt đầu có cơm. Sâu gây hại vào lúc trái nhỏ sẽ làm trái sẽ bị biến dạng và bị rụng sau đó, nếu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm mất phẩm chất của trái. Bên cạnh đó, khi bị sâu gây hại, trái thường bị các loại nấm bệnh tấn công làm thối trái. Triệu chứng để nhận diện là từng đám phân màu nâu đậm do sâu thải ra bên ngoài lổ đục. Thường những giống sầu riêng trái chùm bị gây hại nhiều hơn trái đơn.

cay sau rieng

Biện pháp phòng trừ:

Phòng trừ sâu ăn bông và sâu đục trái phải phối hợp nhiều biện pháp:

– Trong tự nhiên, sâu đục trái có nhiều loài thiên địch như: kiến sư tử và chim sâu tấn công sâu non khi ở bên ngoài vỏ trái; bọ ngựa và nhiều loài nhện có khả năng bắt và ăn thịt bướm sâu đục trái.

– Thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn ra hoa, kết trái để phát hiện sớm sâu ăn bông và sâu đục trái.

– Thu gom và tiêu hủy những chùm hoa có sâu hoặc trái bị sâu gây hại.

– Tỉa cành hàng năm để tạo thông thoáng vườn cây.

– Tỉa bỏ bớt những trái kém phát triển trong chùm.

– Dùng bao giấy bao trái sau khi thụ phấn khoảng 1 tháng, cũng rất có hiệu quả.

– Trong chùm trái chưa bị nhiễm nên sử dụng miếng giấy cứng để chêm giữa các trái để hạn chế sự gây hại.

– Sử dụng bẫy Pheromone hấp dẫn bướm đực sâu đục trái để tiêu diệt.

– Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc hóa học ở những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, sử dụng thuốc hóa học phun ngừa giai đoạn ra hoa và tượng trái. Các loại thuốc có hiệu quả đối với sâu ăn bông và sâu đục trái như: Abatin 5,4 EC, Regent 5SC, Brightin 1.8EC, Sagolex 30EC. Phát hiện phun thuốc khi sâu chưa đục sâu vào trong trái sẽ đạt hiệu quả cao.

Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc để tránh dư lượng thuốc tồn dư trong trái gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Nguyệt

Theo ww.dost-bentre.gov.vn