CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY LÀI
Cây lài hay cây nhài có rất nhiều giống loại, hiện nay có cây lài ta và cây lài tây. Cây lài là cây lâu năm, dạng cây bụi, thân nhỏ và có hoa nở màu trắng mang hương thơm.
Cây hoa lài thường trồng chậu hoặc trồng sân vườn trang trí khuôn viên, công viên, sân vườn…
Cách trồng cây lài:
Đất đai: Lài sống được trên nhiều loại đất khác nhau từ đất đồng bằng trung tính (pH từ 6,5 – 7) đến đất đồi núi hơi chua (pH từ 3,5 – 4); từ đất thịt nặng đến đất thịt pha cát, đất đồi núi nghèo dinh dưỡng, đất bạc màu nếu được chăm sóc tốt, bón phân, tưới nước đầy đủ vẫn cho năng suất hoa cao.
Lài có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng trước và sau mùa mưa. Cây Lài không kén đất lắm, có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau trừ đất phèn, mặn;nếu những nơi cao ráo, đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, có khả năng giữ ẩm thì càng tốt. Cây hoa Lài sợ úng ngập trong mùa mưa.
Kỹ thuật nhân giống cây lài:
Cây lài rất dễ trồng, nhân giống chủ yếu bằng cách giâm cành.
Khi giâm cành thì chọn những bụi lài phát triển tốt, không sâu bệnh. Trên những dây “lươn” bò ngang hoặc đứng, khoảng cách giữa các mắt lá gần nhau, dùng dao sắc cắt xéo thành những hom dài 15 – 20cm (3 đốt lá). Sau khi cắt khoảng 3 – 4 giờ, mặt cắt đã se lại, lúc này đem giâm hom vào bầu (hoặc trên mặt luống). Bầu gồm có đất mùn tơi xốp, trộn với phân chuồng hoai mục và tro trấu theo tỷ lệ 2: 1.
Sau đó cần thường xuyên tưới đủ ẩm cho hom nhanh ra rễ. Nên làm giàn che, chăm sóc khoảng 4 – 5 tháng, khi cây có chiều cao 15 – 20cm, lá ổn định thì đem trồng ra ruộng.
Kỹ thuật trồng cây lài:
Chuẩn bị hố trồng và cách trồng: Đào hố trước khi trồng 1 tuần, hố có kích thước 30 x 30 x 30 cm. Sau đó cho vào hố 1kg phân hữu cơ (đã được ủ hoai với nấm Trichoderma), 0,2kg lân và kali trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố trồng.
Khi trồng, dùng cuốc móc đất lên và đặt bầu cây giống vào giữa, dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nylon lên và lấp đất kín phần cổ rễ. Trồng xong thì tưới đẫm và thường xuyên tưới đủ ẩm để lài sinh trưởng, phát triển tốt.
Khi cây hoa lài còn nhỏ, cần tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi rơm rạ phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.
Cách chăm sóc cây lài:
Tưới và tiêu nước: Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho lài, vào mùa mưa cần thoát nước vào những tháng mưa nhiều, tránh ngập kéo dài sẽ dễ làm cho lài bị chết úng.
Phân bón: Tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà bón lượng phân khác nhau.
– Sau 10 ngày cây bắt đầu bén rễ, hồi xanh thì có thể sử dụng phân Humix(15g/16l) + Hydrophos (40ml/16l); phun 2 bình 16 lít/1.000 m2), sau đó phun định kỳ 1 lần/tháng.
– Năm tháng đầu, mỗi tháng bón 5kg urê với 5kg Super lân/1.000 m2.
– Từ tháng thứ 6 trở đi bắt đầu thu hái bông, bón mỗi tháng 20kg NPK (16-16-8) và tháng sau thay bằng 20kg DAP kết hợp phun phân Humix như trên sau mỗi đợt thu hoạch bông.
Phương pháp bón phân: Bón xung quanh gốc theo tán cây, kết hợp xới xáo, làm cỏ và phủ đất lấp phân, tránh để phân bốc hơi hoặc bị rửa trôi.
* Đốn tỉa, tạo tán: hàng năm nên tiến hành đốn tỉa để cây được thông thoáng, sẽ hạn chế được sâu bệnh và cho hoa tập trung hơn. Nếu có điều kiện thì nên tiến hành 2 đợt:
– Đợt 1 (vào tháng 5-6): tiến hành đốn tỉa, tạo tán (đốn đau) bằng cách dùng dao, kéo sắc cắt toàn bộ thân cành cách gốc 30 – 40 cm, tỉa bỏ bớt các cành già, cành khô, cành sâu bệnh, bón thúc và tưới nước đủ ẩm để cây tiếp tục cho hoa.
– Đợt 2 (vào tháng 9-10): dùng dao, kéo sắc tỉa phớt cách ở vị trí cắt đợt 1 là 30 cm; sau đó bón phân và tưới nước đầy đủ, lài sẽ cho bông nhiều vào tháng 11-12 (thời điểm lài có giá cao). Chú ý: Chỉ tiến hành khi trời nắng và sau khi cắt tỉa phải phun một trong những loại thuốc: Carbendazim, Thiophanate Methyl, hoặc các thuốc gốc đồng, … sẽ hạn chế được bệnh chết cành và chết bụi.
Sưu tầm và biên soạn.