“HỒN SƯA” TRÊN ĐẤT THỦ ĐÔ
Nếu đem so với những cây sưa đỏ bị lâm tặc “hạ sát” gần đây tại Hà Nội thì những gốc sưa cổ thụ trông “khủng” hơn rất nhiều, tuổi đời của những “cụ sưa đỏ” này lên tới cả trăm năm. Và vấn đề bảo vệ những cây sưa này không hề đơn giản chút nào đối với các cơ quan chức năng.
Hà Nội còn bao nhiêu cây sưa đỏ?
Trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội hiện nay có đến trên ngàn cây sưa, trong đó số sưa đỏ vào khoảng gần 700 cây (ngoài ra còn có loại sưa trắng).
Gốc sưa đỏ to nhất Hà Nội hiện nay, có đường kính gần 80cm.
Phố N.V.H (thuộc quận Cầu Giấy) là phố trồng nhiều sưa đỏ nhất với 82 cây; phố T.Q.K (quận Hoàn Kiếm) “xếp hạng hai” với tròn 50 cây.
Nếu tính trên địa bàn các quận thì quận Hoàn Kiếm có nhiều cây sưa đỏ nhất: 128 cây; tiếp đến là quận Đống Đa có 111 cây…
Những gốc đôi sưa đỏ cổ thụ.
Ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đánh giá: Hầu hết các cây sưa đỏ được trồng trên các tuyến phố có tuổi đời từ 20-30 năm.
Do sưa đỏ là loại cây phát triển chậm, cộng với việc vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị đào bới, nhà cao tầng che hết ánh sáng để quang hợp, nên dù hàng chục năm tuổi thì đường kính thân cây cũng chỉ vào khoảng 25-30cm.
Những gốc sưa đỏ trăm tuổi
Những gốc sưa đỏ tươi tốt và lâu đời nhất của Hà Nội lại nằm trong khuôn viên công viên Bách Thảo.
Một gốc sưa đỏ trăm tuổi khác trên núi Nùng
Chị Thảo – cán bộ của công viên dẫn chúng tôi đi về phía núi Nùng (tên gọi của một gò đất nhân tạo nhỏ nằm trong khuôn viên công viên). Chị cho hay: Núi Nùng từng được người dân gọi là núi Sưa vì trồng nhiều loại cây này. Hầu hết những cây sưa đỏ có mặt trong công viên đều do người Pháp trồng, nhiều cây có tuổi đời lên đến trên trăm năm. Cây “non” cũng cỡ dăm chục năm tuổi.
Cả công viên Bách Thảo có chừng 40 cây sưa đỏ, thì riêng núi Nùng đã tập trung khoảng phân nửa số này – nên thậm chí dân còn gọi là “núi triệu đô”. Số còn lại mọc rải rác dọc hồ nước và giáp đường.
Chúng tôi đã chụp khá nhiều ảnh những cây sưa đỏ bị lâm tặc hạ sát trong thời gian gần đây. Nhưng nếu đem chúng so sánh với những cây sưa trong công viên Bách Thảo thì quả thật chỉ đáng tuổi…cháu chắt. Hay nói chính xác hơn, chúng chỉ to bằng một cành cây trong công viên. Những gốc cây nơi đây trông mốc thếch, vỏ xù xì, đường kính lên tới 60-80cm.
Cây bên phải nằm sát bờ rào đường Hoàng Hoa Thám từng bị “sưa tặc” cưa mất một cành.
Hồi năm 2007, khi “vấn nạn sưa tặc” ở Hà Nội rộ lên, chúng cũng đã nhòm ngó những cây sưa cổ thụ nơi đây. Tuy nhiên, do công viên có tường rào và lực lượng bảo vệ canh chừng nên chúng mới chỉ chôm chỉa được một cành sưa mọc chòi ra phía ngoài đường Hoàng Hoa Thám, cây này bây giờ vẫn còn vết cắt.
Ai giữ “hồn” sưa?
Cây sưa bị “hạ sát” trên phố Phan Kế Bính rạng sáng 29/8.
Cây sưa bị “hạ sát” trên phố Phan Kế Bính rạng sáng 29/8. (Ảnh: Phạm Hải) Gần đây, lại rộ lên những vụ lâm tặc ra tay hạ sát sưa đỏ trồng trên các tuyến phố của Hà Nội. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, “sưa tặc đời 2009” manh động hơn hẳn “sưa tặc đời 2007”.
Nếu như cách đây 3 năm, chúng chỉ dám cưa trộm thì hiện nay chúng sẵn sàng cướp trắng cây sưa theo kiểu buộc dây thép vào cửa nhà dân, rồi dùng kiếm đe dọa (diễn ra rạng sáng 17/8, tại khu vực phố Hoàng Đạo Thành); hay ngang nhiên cưa cây giữa phố phường đông đúc người qua lại (diễn ra rạng sáng 1/9, tại số 1 Hàng Dầu); vụ khác chúng vờ hỏng xe ôtô, bật nắp ca-pô xe lên rồi nổ máy thật to để át tiếng cưa máy….
Ông Hưng cũng lý giải rằng: sức người thì có hạn, không thể 365 đêm/năm cho cán bộ, công nhân viên tỏa đi trông coi gần 700 cây sưa đỏ trên địa bàn toàn thành phố (100% các vụ trộm sưa đỏ đều diễn ra vào ban đêm, phần nhiều trời mưa to gió lớn).
Chỉ còn trơ gốc
Cũng có ý kiến cho rằng nên gắn biển lên thân cây, ghi rõ “cây sưa đỏ” để mọi người dân biết, cảnh giác hơn, cùng tham gia bảo vệ.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng làm thế cũng không ổn. Vừa là hành vi xâm hại cây xanh, vừa khơi gợi lòng tham kẻ xấu (đương nhiên lâm tặc thì biết quá rõ cây sưa đỏ, nhưng có những kẻ “không chuyên” đọc biển bỗng dưng nảy lòng tham).
Ông Hưng cho biết thêm, sau 1,2 vụ “sưa tặc” năm nay, Công ty Công viên cây xanh đã cấp báo UBND TP.Hà Nội. Đến ngày 21/8, thành phố đã có chỉ đạo, giao Công an TP.Hà Nội phối hợp với UBND các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa kiểm tra xem xét cụ thể, có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn và kiên quyết xử lý đối với các hành vi phá hoại, chặt hạ cây xanh quý hiếm trên địa bàn thành phố.
Sưu tầm