CÂY THUỐC LÀO
Cây thuốc lào có tên khoa học là Nicotiana rustica L. họ Cà Solanaceae. Cây thuốc lào thường trồng tập trung ở một số huyện như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng.
Đặc điểm
Cây thuốc lào là cây thân thảo mọc hàng năm, cao chừng 1m, thấp hơn cây thuốc lá. Toàn cây có lông dính. Lá mọc so le, có cuống dầy, phiến lá hình trứng đầu nhọn, to và dày hơn lá cây thuốc lá. Cụm hoa là một cờ ở ngọn thân, hay cành. Cánh hoa màu vàng hay lục sẫm dính liền nhau thành ống ở dưới, phía trên chia 5 thuỳ, tròn, ngắn. Quả nang hình trứng hoặc gần hình cầu có đài còn lại bọc ở ngoài, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
Sử dụng
Các bộ phận của cây thuốc lào từ lá, thân, rể, hoa, quả đều có chứa độc tố Nicotin nên có thể dùng làm thuốc thảo mộc để diệt côn trùng. Độc tố chính là chất Nicotin có trong cây thuốc lào.
Nicotin là một ancaloit tìm thấy trong các cây họ Cà (Solanaceae), chủ yếu trong cây thuốc lá, cây thuốc lào và với số lượng nhỏ trong cà chua, khoai tây, cà tím và ớt Bell. Ancaloit nicotin cũng được tìm thấy trong lá của cây coca.
Nicotin chiếm 2 đến 16% của cây thuốc lào khô, được tổng hợp sinh học thực hiện từ gốc và tích luỹ trên lá. Nó là một chất độc thần kinh rất mạnh với ảnh hưởng rõ rệt đến các loài côn trùng; do vậy trong quá khứ nicotin được sử dụng rộng rãi như là một loại thuốc trừ sâu, và hiện tại các phái sinh của nicotin như imidacloprid tiếp tục được sử dụng rộng rãi.
Đâm nát các bộ phận cây thuốc lào, ngâm nước 12-24 giờ để chất Nicotine tan vào nước. Lọc lấy nước bỏ xác để phun vào cây trồng.
Diệt sâu, rầy, rệp sáp, bọ trĩ, bọ xít…
Sưu tầm