CÂY CỐI XAY ( CÂY THUỐC)
Cây cối xay còn có tên khác là đằng xay, kim hoa thảo, ma mãnh thảo, nhĩ hương thảo, quỳnh ma, co to ép (Thái), Phao tôn (Tày). Cây cối xay (danh pháp hai phần: Abutilon indicum L., đồng nghĩa Sida indica L.) là một loại cây thuộc Họ Cẩm quỳ (Malvaceae).
Đặc điểm
Cây cối xay là loại cây nhỏ, mọc thành bụi, sống hàng năm hay lâu năm, cao 1 – 2m. Toàn thân và các bộ phận của cây có lông mềm. Lá mọc so le, có hình tim, mép lá có khía răng, hoa vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, có cuống dài bằng cuống lá. Quả gồm tới 20 lá noãn dính nhau trông giống như cái cối xay. Mỗi lá noãn chứa 3 hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt. Mùa hoa vào tháng 2 – 4, mùa quả vào tháng 4 – 6.
Công dụng
Theo Đông y, cây cối xay có vị hơi ngọt, tính bình, tác dụng tán phong, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, long đờm, lợi tiểu nên thường được dùng điều trị cảm mạo phong nhiệt, sốt, đau đầu, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng,…
Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Một số hình ảnh cây cối xay
Sưu tầm