Thừa Thiên Huế – Ưu Thế Về Cây Thông Nhựa

rung thong

THỪA THIÊN HUẾ – ƯU THẾ VỀ CÂY THÔNG NHỰA

Theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2009 – 2020, rừng trồng phòng hộ toàn tỉnh đến năm 2015 có khoảng 13.808 ha và đến năm 2020 có khoảng 13.919 ha ổn định lâu dài. Về cơ cấu cây trồng, các cây trồng chính được xác định là trám, sao đen, dầu rái, huỷnh, sến,… và keo, mây các loại…

Chưa thể gọi là rừng

Trên thực tế, cơ cấu cây trồng phòng hộ liên tục những năm gần đây chủ yếu là trồng keo thuần loại hoặc keo xen cây bản địa sao đen, dầu rái,… cây mây dường như chưa được quan tâm trong trồng rừng phòng hộ của các ban quản lý rừng. Với cơ cấu trên đã hình thành nhiều khu rừng trồng phòng hộ thuần loại keo, và tất nhiên trong khoảng tối đa 10 năm phải khai thác để trồng lại, vô hình trung khu vực đó là rừng sản xuất cho dù quy hoạch là phòng hộ. Đối với những khu rừng phòng hộ keo xen cây bản địa, tính từ năm 1994 đến nay, rất hiếm có những khu rừng trồng cây bản địa tương đối thành công như ở Bắc Hải Vân, còn lại hầu hết chưa thể xem là thành rừng. Như vậy, xét về cơ cấu cây trồng đã có “vấn đề”.

rung thong

Rừng thông đang khai thác phục vụ

Đến nay, ở tỉnh ta, hầu như chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về hiệu quả trồng các cây bản địa nói trên tạo rừng phòng hộ để có thể đưa ra các kết luận nên hay không nên đầu tư. Việc trồng rừng phòng hộ vẫn tiếp tục thực hiện với cơ cấu cây trồng nói trên như một kiểu “xưa bày nay làm” dù hiệu quả chưa thể khẳng định.

Nếu tiếp tục theo “lối mòn” này, liệu đến năm 2020, tỉnh ta có thể có gần 14.000 ha rừng trồng đáp ứng yêu cầu phòng hộ như tiêu chí và theo quy hoạch? Thật khó để có câu trả lời trọn vẹn từ chính những người làm lâm nghiệp tâm huyết.Chúng ta thử cùng nhau xem xét, tìm kiếm cách nhìn mới từ những kinh nghiệm có sẵn để có lối thoát cho vấn đề này.

Chính sách hiện hành quy định từng bước phát triển rừng trồng phòng hộ bằng cơ cấu các loại cây rừng đa tác dụng có thể duy trì rừng lâu dài nhưng vẫn có thể tận dụng các sản phẩm khác như nhựa, mủ, quả…., chọn cây trồng có khả năng chống chịu tác hại của thiên tai, ngoại cảnh như có bộ rễ sâu, rộng để giữ đất, thân rắn chắc để chống chịu gió bão và tán lá phát triển rộng, rậm vừa ngăn chặn hạn chế dòng chảy khi mưa lớn và góp phần hạn chế xói mòn đất. Thử nhìn lại hệ thống cơ cấu cây trồng trên đất lâm nghiệp đã trồng thành công phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh để xem xét, chọn cây trồng phòng hộ phù hợp với các tiêu chí nói trên. Chúng ta sẽ rất dễ dàng nhận thấy một số cây trồng thích hợp; trong đó, đáng lưu ý là cây thông nhựa.

Ưu thế cây thông nhựa

Thông nhựa đã được trồng thành công và là cây trồng chủ lực của ngành lâm nghiệp liên tục từ năm 1976 đến năm 2003. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh, lửa rừng và giữ đất rất tốt. Hàng ngàn ha đã từng bị các trận dịch sâu róm hoành hành; bị lửa rừng uy hiếp; song thật kỳ lạ về sức sống mãnh liệt của nó; trong khi nhiều cây trồng rừng khác trong hoàn cảnh đó dẫn đến chết cả khu rừng thì trái lại, cây thông nhựa vẫn chịu đựng được và phục hồi lại rừng, tiếp tục phát triển.

Thông nhựa là một loài cây bản địa của Thừa Thiên Huế, sinh trưởng và phát triển tốt trên các đất rừng có lập địa xấu, trơ sỏi đá, chua, dốc. Cây tái sinh tự nhiên cao, vòng đời kéo dài cả trăm năm; khả năng chích nhựa 50 – 60 năm; có thể trồng thuần loài hoặc hỗn giao với cây trồng khác như các mô hình sẵn có. Việc gieo ươm, trồng, chăm sóc và bảo vệ cũng như tổ chức khai thác nhựa, không chỉ công nhân mà cả nông dân đã có nhiều kinh nghiệm có thể kế thừa và phát huy.

Có thể khẳng định rừng trồng thông nhựa đã đáp ứng cả chức năng kinh tế và phòng hộ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trong quy hoạch trồng rừng phòng hộ, cây thông nhựa đã bị loại khỏi danh sách(?). Mười năm trở lại đây, hầu như không có nơi nào trồng thông nhựa; thậm chí nhiều nơi còn thanh lý để chuyển sang trồng keo. Từ chỗ, toàn tỉnh có khoảng 12 ngàn ha rừng thông nhựa, đến nay chỉ còn khoảng 3 ngàn ha. Nếu cho rằng thông nhựa sinh trưởng chậm, vậy thì các cây bản địa hiện đang trồng phòng hộ, cây nào sinh trưởng nhanh hơn”?

Trong bối cảnh chưa thể xác định cơ cấu cây trồng rừng phòng hộ thì việc trở lại trồng những cây “truyền thống” đã chứng minh thành công là hướng tiếp cận mới rất đáng xem xét khi tổ chức trồng rừng phòng hộ. Đã đến lúc phải “trả lại” vị trí chủ lực hàng đầu của cây thông nhựa trong hệ thống cây trồng rừng phòng hộ, để sớm có kế hoạch khôi phục và phát triển. Thực tiễn đã rõ, vấn đề còn lại là quyết tâm của những người làm quản lý lâm nghiệp.Về mặt đầu tư, suất đầu tư hiện hành theo chính sách của tỉnh khoảng 22 -24 triệu đồng/ ha và đầu tư của Dự án JICA khoảng 34 -35 triệu đồng/ ha (vốn vay), suất đầu tư khá cao như vậy nhưng các chủ rừng phòng hộ vẫn “kêu” không đáp ứng nhu cầu vốn. Tuy nhiên, với suất đầu tư này, hoàn toàn có thể tạo các khu rừng phòng hộ Thông nhựa đạt hiệu quả cao.
Sưu tầm