Lịch Sử Của Cái Tên Cây Hoa Huỳnh Anh

cay hoa huynh anh

BẮT NGUỒN CỦA CÁI TÊN

CÂY HOA HUỲNH ANH

Huỳnh anh là một loài hoa có tên khoa học là Allamanda cathartica, mà Hán ngữ hiện đại gọi là nhuyễn chi hoàng thiền 軟枝黄蟬. Tên tiếng Anh của nó là yellow bell, golden trumpet or buttercup flower. Trong tiếng Hán, nó còn có một cái tên nữa là hoàng oanh 黄鶯, nhưng hiện nay ít dùng, có lẽ vì tên này đồng âm với tên giống chim hoàng anh, mà tên khoa học là Oriolus chinensis.
Đây là một giống hoa kiểng dễ trồng và khá quen thuộc, nhất là ở trong Nam, thể hiện ngay trong cách gọi trại tên của nó từ hoàng oanh thành huỳnh anh.

cay hoa huynh anh
Huỳnh anh

Một liều ba bảy cũng liều

Có lẽ ai cũng biết sở dĩ ở trong Nam, hoàng bị đọc thành huỳnh là do kiêng tên của chúa Nguyễn Hoàng, người đã được dân chúng Thuận-Quảng cảm mến và gọi là chúa tiên. Nhưng nếu chỉ có thế thì lẽ ra giống hoa này phải đươc người Nam gọi là huỳnh oanh chứ sao lại là huỳnh anh? Xin thưa rằng, sau khi biến hoàng thành huỳnh, người Nam còn “đi bước nữa” mà biến oanh thành anh là do tác động của hiện tượng dị hóa. Tự người Nam đã thấy hai tiếng “uỳnh oanh” (đây là ghi đúng theo cách phát âm của họ!) mà đi chung với nhau thì nghe… ngồ ngộ: cả hai đều mở đầu bằng âm tròn môi (có [w]) và đều kết thúc bằng phụ âm cuối -nh. Thế là họ đã “tự nhiên nhi nhiên” đổi âm tròn môi của tiếng sau (oanh) thành một âm bình thường bằng cách bỏ [w] (viết bằng chữ o-) mà đọc nó thành anh. Thế là ta có huỳnh anh.

Cái tên của loài hoa đang xét đã được định âm như thế rồi nhưng một số kẻ nhiễu sự lại vô lối đổi tên của nó một lần nữa từ huỳnh anh thành “quỳnh anh”. Ta cần phải thẳng thắn nói rằng đây là những kẻ mù tịt về nguồn gốc của từ ngữ nhưng vì muốn làm sang nên đã đặt nó vào thế đối vị với những quỳnh bôi, quỳnh dao, quỳnh hoa, quỳnh tương v.v., để nghe cho “kêu” hơn. Của đáng tội, nói cho khách quan, cũng có những người vô tình nhầm lẫn và những người nghe người ta nói nói theo.

Điếc không sợ súng

Nhưng quái đản hơn nữa là chuyện một số người đã dựa vào cái tên huỳnh anh mà đặt tên cho một loài hoa có hình dạng bề ngoài tương tự, nhưng hoa và lá nhỏ hơn, mà họ gọi là huỳnh đệ. Thật là khôi hài!

Loài hoa này, tiếng Hán là kim hương đằng, có tên khoa học là Pentalinon luteum, có nhiều tên trong tiếng Anh như hammock viper´s-tail, lice bush, wild allamanda, wild wist, yellow dipladenia, yellow mandevilla.

cay hoa huynh de

Huỳnh đệ

Tại sao loài hoa này lại được gọi là huỳnh đệ? Có mấy lý do. Một là nó giống với huỳnh anh (nên là bà con, anh em với giống hoa này). Hai là hoa và lá của nó nhỏ hơn hoa và lá huỳnh anh (nên nó là em). Ba là tên của nó ra đời sau khi huỳnh anh đã có mặt và có tên giữa các loài hoa (nên nó không thể không là em). Tổng hợp lại, các lý do để gọi nó là huỳnh đệ xoay quanh chữ anh trong huỳnh anh. Ở đây ta có một thí dụ lý thú về từ nguyên dân gian và về cái sự điếc không sợ súng. Những kẻ muốn làm sang kia cứ ngỡ rằng chữ anh trong huỳnh anh đồng nghĩa với tiếng Anh elder brother và tiếng Pháp grand frère nên mới cho loài kim hương đằng, tức Pentalinon luteum, đóng vai em mà gọi nó là huỳnh đệ. Khôi hài không chỉ ở chỗ họ gán cái nghĩa “anh” cho chữ anh, vốn là một chữ bị đọc trại từ chữ oanh 鶯, là tên một loài chim. Khôi hài còn là ở chỗ trong khi họ tưởng anh < oanh (một yếu tố Hán Việt) là một yếu tố “thuần Việt” (nên mới có nghĩa là “anh”) thì họ lại gọi giống kim hương đằng, là huỳnh đệ, với chữ đệ là một yếu tố Hán Việt, thay vì “huỳnh em” cho đồng bộ “thuần Việt” vời huỳnh anh.

Mới hay:

Chơi hoa đã dễ mấy người biết (tên) hoa!