Kỹ Thuật Xử Lí Để Cây Chôm Chôm Ra Trái Nghịch Mùa

KỸ THUẬT XỬ LÍ ĐỂ CÂY CHÔM CHÔM

RA TRÁI NGHỊCH MÙA

Một số nhà vườn chuyên trồng chôm chôm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) và Long Hồ (Vĩnh Long) những năm gần đây dùng nilon để đậy gốc chôm chôm kết hợp với siết nước ở mương vườn trong mùa mưa để cây cho trái mùa nghịch đã bị thất bại không chỉ một mùa. Tuy vậy, không phải ai cũng biết lý do dù sách vở, tài liệu có đủ.

cay chom chom

Theo các nhà vườn, chôm chôm là cây “chịu đau”, tức là thích được tỉa cành mạnh tay sau khi thu hoạch trái và sẽ cho bông vụ kế tiếp sau khi ra đọt trả lại tàn lần thứ ba.

cay chom chom

Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, biết được đặc tính này của cây chôm chôm, sau khi chăm sóc cho cây lấy lại sức và cho cơi đọt thứ 3 xong, một số nhà vườn có kinh nghiệm đã đậy bộng không cho nước vào vườn khiến cây bị khô hạn tạm thời một thời gian (tùy vườn cây còn tơ hay cây đã lớn mà thời gian này dài hay ngắn), tạo điều kiện thuận lợi để cây ra bông sớm.

Khi cây ra bông và đậu trái đều toàn vườn họ mới cho nước vào vườn bắt đầu thực hiện việc chăm sóc trái non. Thời gian đó, việc siết nước vườn cây như thế là “bí quyết” cạnh tranh của các nhà vườn chôm chôm.

Những ai biết làm như thế (kiệt nước vườn đúng lúc), vườn chôm chôm sẽ cho trái sớm khoảng 1 tháng so với vườn để cây ra trái tự nhiên và tức nhiên sẽ bán được giá cao, đặc biệt là né được vụ chôm chôm miệt Long Khánh ùa về vốn có giá cực rẻ dù phải vượt hàng trăm cây số về đây.

Ông Bảy Trứ là một nhà vườn có diện tích trồng chôm chôm lớn ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) hóm hỉnh kể về sự gian nan của mình khi đi học lóm kinh nghiệm này lúc đó: “Tao đến hỏi, nó (ông ám chỉ nhà vườn có kinh nghiệm làm chôm chôm cho trái sớm mà ông đến học) thà làm vịt xiêm đãi tao nhậu chớ đâu thèm nói. Nó cứ luôn miệng “trời cho”, ờ thì trời cho, đợi lúc chủ nhà say mèm, tao giả bộ đi ra sau vườn đái thì thấy nước khô ran dưới mương. Mắt nhà nghề tao biết liền hà!”

Sau khoảng chục năm kể từ bí quyết trên bị “lộ”, việc cây chôm chôm cho trái sớm bớt đi ý nghĩa, vì không những vùng chôm chôm bên sông Tiền cho trái sớm mà cả chôm chôm vùng Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh) bên sông Hậu cũng đâu chịu thua.

Trong những năm này, các vùng trồng chôm chôm trong tỉnh, sau khi siết nước và thấy cây chôm chôm bắt đầu kết bông (cuối mùa khô đầu mùa mưa), ai cũng muốn nín thở khi thấy trời chuyển mưa, còn bị mưa lớn liên tiếp 2- 3 đám thì kể như công siết nước trở thành công dã tràng.

Cây càng sung sẽ ra đọt càng dữ, mà khi cây đã ra đọt thì bông đã có rụng hết, vụ trái sớm trở thành vụ trái muộn, may lắm là vụ bình thường…

Không chịu thua thiên nhiên, nắm chắc các đặc tính của cây chôm chôm và quá trình làm cây cho trái sớm nói trên, anh Đồng, một nhà vườn trẻ tuổi ở Bình Hòa Phước với sự giúp đỡ của một số nhà chuyên môn ở Trường Đại học Cần Thơ đã thử “cãi trời”.

Khi cây chôm chôm hội đủ điều kiện cho bông, dù đang trong mùa mưa, anh dùng nilon đậy cả liếp vườn kết hợp với việc bơm tát nước dưới mương tích cực làm cho vườn cây khô hạn cục bộ. Sau đó khoảng hơn 1 tháng (tùy tình trạng kết nụ bông của vườn cây), thực hiện việc cho nước vào vườn “sốc nước” cho cây. Cả vườn đồng loạt ra bông thì lại siết nước cho cây đậu trái.

Kỹ thuật này sau đó được các nhà vườn và các nhà khoa học hoàn thiện thêm, nhưng cũng có thể nói sự thành công của anh Đồng là một trong những điểm sáng khởi đầu của phong trào cho cây trồng ra trái theo ý muốn.

Hiện nay, kỹ thuật đậy chôm chôm để cho trái mùa nghịch được phổ biến khá đầy đủ trên các phương tiện truyền thông và ở các tài liệu khuyến nông. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà vườn bước đầu áp dụng bị thất bại do chưa nắm thật kỹ 2 vấn đề chủ quan có tính quyết định sau (tức nhiên loại bỏ yếu tố thiên tai hay cây chưa hội đủ điều kiện cho trái):

Một là: “Sốc nước” cho ra sốc nước, trong thời gian làm khô hạn tạm thời vườn cây, việc kiệt nước trong mương vườn phải đảm bảo. Khi đến thời điểm cho nước vào vườn, tạo nên một cú “sốc” sinh lý cho cây để cây chuyển mình cho bông.

Nhà vườn phải chú ý cho nước ngập vườn, nếu không đủ nước phải bơm thêm vào vì nếu thiếu nước thì phản ứng sinh lý của cây, xảy ra không tốt cây, không cho nụ bông đều trong vườn.

Hai là: “Thương” cây cho đúng, các nhà vườn thường thất bại chủ yếu là do khâu này. Khi kiệt nước lại để cây làm bông và đậu trái, chủ vườn thấy cây bị khô héo cảm thấy đau lòng nên tốc nilon tưới nước sớm khi cây chưa đậu trái đầy đủ.

Nhà vườn nên nhớ khi cây bị khô hạn có nước vào thì những cành có mầm bông sẽ nhú bông, nhưng những cành chưa kịp có mầm bông sẽ cho ra đọt mà đọt phát triển càng mạnh thì càng làm hoa rụng đi.

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long) – Báo Vĩnh Long, 17/09/2013