KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CAM SAU THU HOẠCH
1. Đốn tỉa, tạo hình
Sau mỗi mùa thu hái quả, công việc đốn tỉa, tạo hình cho cây cam phải được tiến hành thường xuyên như: cắt bỏ những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành tăm, cành vượt, cành xiên vào tán, cành mọc quá dày, cành quá yếu nhằm tạo cho cây thông thoáng, ít sâu bệnh.
2. Chăm sóc, bón phân
* Chăm sóc
– Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, để hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng, trú ngụ, xâm nhập của sâu bệnh.
– Tưới nước: Cây cam là loại cây ưa ẩm và ít chịu hạn, việc tưới nước cho cây là rất cần thiết ở các thời kỳ nẩy mầm, phân hoá mầm hoa, thời kỳ ra hoa, kết quả và quả phát triển. Đối với mùa khô hạn cần tưới nước từ tháng 11 đến tháng 2.
Lưu ý: Không để vườn cam bị úng nhất là giai đoạn khi cây mang quả.
* Bón phân
– Lượng bón:
Tuổi cây (năm) | |||
Loại phân | 4 – 5 năm | 6 – 7 năm | Trên 7 năm bón theo NS trên 80 tạ/ha (kg/tấn quả) |
Phân hữu cơ | 35-40 | 45-50 | 2000-2500 |
Phân đạm ure | 0,35-0,45 | 0,5-0,55 | 24-26 |
Phân lân nung chảy | 0,9-1,2 | 1,4-1,5 | 70-75 |
Phân kali | 0,45-0,5 | 0,55-0,65 | 25-30 |
Vôi bột | 0,7-0,8 | 0,8-1,0 | 150-250 |
– Cách bón: Dùng cuốc đào rãnh hoặc cuốc hố theo mép ngoài hình chiếu tán cây, sâu 25 – 30 cm, rộng 20 – 25 cm (tuỳ lượng phân bón) trộn đều các loại phân bón, bón vào rãnh rồi lấp đất ngay.
Thời gian bón: Tháng 2 bón 60% lượng phân đạm urê + 40% lượng phân kali (thúc cành xuân); tháng 6 – 7 bón 40% lượng phân đạm urê + 60% lượng phân kali (thúc cành thu, thúc quả); tháng 9 – 11 bón toàn bộ lượng phân chuồng hoai + phân lân và vôi bột.
3. Phòng trừ sâu bệnh
3.1. Sâu đục thân hay còn gọi là xén tóc
Xén tóc hại cam quýt có 3 loại: Xén tóc xanh lục, xén tóc nâu và xén tóc sao. Nhưng gây hại phổ biến là xén tóc xanh lục.
* Tác hại:
Hàng năm xén tóc xuất hiện vào đầu mùa hè tháng 5, tháng 6. Chúng đẻ trứng vào khe nứt của vỏ cây, sâu non mới nở đục ngay vào vỏ cây thành những đường khoanh tròn xung quanh thân cây, sâu càng lớn vết đục càng dài và sâu vào trong phần thịt gỗ, cứ cách từng quãng chúng lại đục ngang ra ngoài để thải phân, làm gãy cành, chết cây. Thời gian trong thân cây kéo dài từ 6 đến 8 tháng.
* Biện pháp phòng trừ:
– Vào tháng 3 đến tháng 4 bắt diệt xén tóc vào sáng sớm và chiều tối.
– Tỉa cành thường xuyên để cành thông thoáng; cắt cành mới héo do sâu tuổi nhỏ gây ra.
– Dùng hỗn hợp 5 phần phân trâu bò tươi + 10 phần đất sét + 15 phần nước + 0,2 phần thuốc Padan 95 SP, khuấy đều rồi quét lên thân và cành lớn trước khi xén tóc đẻ trứng.
– Sâu tuổi lớn đã đục vào thân cành, dùng dây thép hoặc gai mây chọc vào lỗ để diệt sâu, sau đó dùng Basuzin 10 H nhào với đất sét tỷ lệ 1/20 trát kín vào lỗ đục.
3.2. Sâu vẽ bùa
* Tác hại: Sâu non đục dưới biểu bì lá thành những đường ngoằn ngoèo, ăn lớp tế bào nhu mô làm cho lá co dúm quăn queo, các chồi non ngừng sinh trưởng. Ngoài ra các vết đục còn tạo điều kiện cho bệnh loét cam phát triển. Sâu gây hại các đợt lộc non, nặng nhất là lộc xuân, lộc thu. Hại nặng ở các giống cam lá mỏng, vườn cam ít tỉa cành, tạo tán.
* Biện pháp phòng trừ:
– Thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho vườn cam thông thoáng. Chăm sóc đúng quy trình, bón phân trước các đợt lộc để lộc ra tập trung.
– Khi sâu phát sinh gây hại phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau:
+ Padan 95 SP, pha 10 gr đến 15 gr thuốc với 10 lít nước.
+ Sherpa 25 EC, pha 10 cc đến 12 cc thuốc với 10 lít nước.
+ Fastac 5 EC, pha 8 cc đến 10 cc thuốc với 10 lít nước.
Chú ý: Khi phun thuốc phải phun ướt đều lá.
3.3. Nhện
Gây hại cam quýt có 2 loại nhện là: Nhện đỏ và nhện trắng, cả 2 loại này cơ thể rất nhỏ bé, mắt thường không thể nhìn rõ được.
* Tác hại:
Nhện trắng hại lá, quả, chúng chích hút tinh dầu làm quả chuyển màu xám bạc, làm quả nhỏ, chua. Nhện hại nặng khi quả định hình và có đường kính từ 3 đến 4 cm.
Nhện đỏ gây hại chủ yếu trên lá đã ổn định, làm lá mất màu xanh bóng, biến thành màu xám bạc. Nhện hại nặng làm lá khô rụng.
Nhện gây hại nặng theo các đợt lộc, nặng nhất là lộc xuân và quả đang lớn. Trong điều kiện mùa xuân ấm áp, khô hạn hoặc vườn cây rậm rạp, không xén tỉa thì nhện phát triển nhanh
và gây hại nặng vào các tháng 3, 4,5 và tháng 10, tháng 11.
* Biện pháp phòng trừ: Tăng cường chăm sóc bón phân, tưới nước không để cây khô hạn, cắt tỉa cành tăm trong tán. Phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau:
+ Ortus 5 SC, pha 6 cc đến 8 cc thuốc với 10 lít nước.
+ Comite 73 EC, pha 6 cc đến 8 cc thuốc với 10 lít nước.
+ Dandy 15 EC, pha 8 cc đến 10 cc thuốc với 10 lít nước.
Chú ý: Khi phun thuốc phải phun ướt đều lá, quả.
3.4. Rệp
Gây hại cam quýt có nhiều loại như: Rệp vẩy ốc, rệp sáp, rệp nâu, rệp đen … Có loại gây hại quanh năm, có loại gây hại theo các đợt lộc.
* Tác hại: Các loại rệp chích hút nhựa lấy dinh dưỡng làm cho lá không phát triển được, biến dạng nhỏ và cứng, cây suy kiệt, giảm năng suất. Có loại còn là môi giới truyền bệng vàng lá Greening, bệnh tàn lụi…
* Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên tỉa cành tạo tán kết hợp bón phân cho cây sinh trưởng tốt. Khi bị hại cần phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau:
+ Admire 50 EC, pha 8 cc đến 10 cc thuốc với 10 lít nước.
+ Actara 25 WG, pha 1 gr thuốc với 10 lít nước.
+ Regent 800 WG, pha 1 gr thuốc với 10 lít nước.
Chú ý: Khi phun thuốc phải phun ướt đều lá.
3.5. Bệnh sẹo
* Tác hại:
Bệnh hại trên các bộ phận lá non của cây như: Lá, cành, quả, đài hoa. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu vàng sau chuyển thành các vết hình chóp khô rám, hoá bần làm cho lá quăn queo, cành và vỏ quả sần sùi thành từng đám như da cóc.
Bệnh hại nặng trên các giống cam sành, hại vào các đợt lộc nhất là lộc xuân. Hại nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, vườn cây rậm rạp.
* Biện pháp phòng trừ: Sau mỗi vụ thu hoạch cần cắt tỉa cành lá, vệ sinh vườn cây để giảm nguồn bệnh lây lan của bệnh. Tăng cường chăm sóc cho lộc ra tập trung phun phòng bằng một trong các loại thuốc sau:
+Anvil 5 SC, pha 10 cc đến 15 cc thuốc với 10 lít nước.
+ Oxyclorure 30 BTN, pha 60 gr đến 70 gr thuốc với 10 lít nước.
+ Bavistin 50 FL pha 8 cc đến 10 cc thuốc với 10 lít nước.
Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về CÂY CAM tại đây:http://cayhoacanh.com/cay-cam/