CÂY XƯƠNG RỒNG NOPAL TRÊN VÙNG ĐẤT NINH THUẬN
Nghĩ đến Ninh Thuận, người ta lại nghĩ đến những cồn cát trắng ngút ngàn bụi tung trắng xóa, cái nắng như đổ lửa, từng khóm xương rồng thân gai gốc vươn cao, sắc màu đỏ lửa tạo nên những dấu son duyên dáng cho vùng đất nắng với hàng trăm loại xương rồng nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau, ru hồn du khách, thế nhưng mấy ai biết, xương rồng còn là một loại thực phẩm quý giá cho gia súc!
Trong đại hạn mới nghĩ đến xương rồng
Đến bây giờ người dân tỉnh ta vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ đến cơn đại hạn năm 2003. Những cánh đồng thiếu nức nứt nẻ, khô cằn vàng cháy. Nước sinh hoạt không đủ dùng nói chi đến trồng trọt, chăn nuôi. Hạn hán đã đè nặng lên tất cả mọi người, nhất là những người nông dân chăn nuôi gia súc. Từ Ninh Phước qua Ninh Hải, Thuận Bắc lên Bác Ái, đã có hàng nghìn con gia súc chết vì khát. Cũng như bao người nông dân khác, những ngày hạn hán đối với gia đình ông Dương Đình Thân, xã Nhị Hà (Ninh Phước) như ngồi trên đống lửa. Trang trại của ông Thân rộng trên 110 ha có trên 1.000 con dê, cừu, bò cũng không tránh khỏi nguy cơ thiệt hại vì thiếu nước. Không nước không trồng trọt không đủ cho gia súc uống; mỗi ngày qua đi, mỗi ngày đàn gia súc suy kiệt và chết dần do thiếu nước uống và thức ăn xanh. Đau đáu chờ mưa, nhưng bao giờ mưa tới? Không lẽ phó thác cho trời! Tự mình phải cứu lấy mình. Sau bao ngày chăn dắt gia súc đi tìm thức ăn trên triền đồi, nhìn những bụi xương rồng hoang dại, ông chợt nghĩ tại sao không dùng cây xương rồng làm thức ăn tạm thời cho gia súc? Nhưng cây xương rồng có gai sẽ làm tổn thương đến gia súc. Thế là ông nghĩ cách đốt cây xương rồng và kết quả thật bất ngờ – những con dê, cừu tranh nhau ăn xương rồng. Cơ hội sống đã mở ra cho đàn gia súc, không riêng gì gia đình ông Thân, khi hình ảnh này được phát lên sóng truyền hình, những hộ chăn nuôi ở vùng thiếu nước đã áp dụng theo. Cánh cửa sống đã mở ra cho đàn gia súc. Cơn hạn hán cũng đã đi qua, nhưng người nông dân này vẫn trăn trở về những bụi xương rồng hoang dại không được đoái hoài, liệu có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc được không? Và có đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho chúng phát triển không? Ông Thân lại chịu khó tìm kiếm tài liệu, ông đến thư viện, tra cứu thông tin qua trang thư điện tử… và ông biết được các loại xương rồng không gai có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Vui mừng trước những thông tin có được, ông Thân lặn lội khắp nơi tìm kiếm cây xương rồng không gai và ông phát hiện ngay trên những đồi cát của tỉnh cũng có những cây xương rồng không gai, nhưng số lượng rất ít. Tìm được, ông đem về trồng thử nghiệm trong trang trại của mình với diện tích ban đầu khoảng 300m2. Vì xương rồng thuộc loại dễ trồng, dễ thích nghi với mọi điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng nên cây xương rồng không gai được trồng ở trang trại ông phát triển rất nhanh. Phấn khởi với kết quả đạt được, đến nay ông Thân đã nhân giống xương rồng không gai được 2 ha. Dự kiến trong thời gian tới sẽ đầu tư trồng thêm 40 ha cây xương rồng “đa chức năng” để phục cho đàn gia súc hơn ngàn con của gia đình. Bên cạnh đó, ông Thân còn hướng dẫn cho một số hộ chăn nuôi xung quanh trồng loại xương rồng này không chỉ bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Nopal – xương rồng “đa chức năng”
Cùng với sự tìm kiếm của những nông dân, cũng trong thời gian đại hạn này, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển cây b ông Nha Hố đang khảo nghiệm các giống xương rồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cây xương rồng của Nha Hố đang trồng khảo nghiệm có tên xương rồng Nopal. Theo các nhà khoa học, đến nay cây xương rồng Nopal đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới với diện tích 20 triệu ha. Cây xương rồng Nopal có hình dáng giống cây xương rồng không gai của ông Thân đang trồng. Cây có bộ khung tán rộng, được hình thành từ các nhành lá, thân cây được phân chia thành từng đoạn theo đợt sinh hoạt của lá. Trong điều kiện sinh trưởng tự nhiên, cây có thể cao từ 3-5m, tán có thể xòe rộng 3-4m, lá có chiều dài từ 30-60cm, rộng từ 20-40cm, dày 2-3cm. Hoa có màu vàng, vàng cam hoặc có màu đỏ. Trái có màu vàng hoặc tím. Theo Tiến sĩ Lê Minh Thức: “Các nước trồng nhiều nhất là Brazil, Nam Phi, Mê-hi-cô. Cây xương rồng Nopal có đặc điểm hình thái, cấu trúc và đặc điểm sinh lý phù hợp với môi trường có vùng đất khô cằn, lượng mưa chỉ dao động trong khoảng 200-450mm, thích hợp trên vùng đất có nguồn gốc núi lửa, đất đá vôi, đất cát sỏi ven biển. Đây là loại cây đặc biệt dễ tính, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và ít bị ảnh hưởng sâu bệnh hại”.
Điểm đặc biệt của cây xương rồng không gai, đó là tác dụng “đa chức năng”. Nó có thể làm thực phẩm, dược phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc. Đây là cây mọng nước đạt 95% năng suất thu hoạch có thể đạt từ 120-400 tấn/ha. Về mặt dinh dưỡng, lá xương rồng có thể làm rau, có vị giống như ớt Đà Lạt. Xương rồng còn được đánh giá cao bởi năng lượng chúng cung cấp như 27kcl/100g, trong đó hàm lượng protit 1,7g, chất béo 0,3g, canxi 93mg, sắt 1,6mg… chưa kể còn chứa 171 loại axit amin hữu ích khác. Vì thế cán bộ của Viện Nha Hố đã chế biến lá xương rồng thành nhiều món ăn như gỏi, súp hay ăn sống như dưa leo,… lá xương rồng Nopal nghèo protein nhưng giàu cacbonhydrat, vitamin, canxi nên tốt cho người ăn kiêng. Ngoài ra, loài xương rồng này còn có giá trị dược liệu vì thân cây có chứa các loại axit amin có công dụng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh rối loạn tiêu hóa, béo phì, tim mạch, tiểu đường. Đối với gia súc, toàn bộ thân, lá xương rồng đều được sử dụng làm thức ăn tươi. Trung bình một con bò có thể ăn 20kg xương rồng tươi/ngày; dê, cừu 7-9kg ngày/con.
Triển vọng cho ngày mai
Hiện nay, nông dân tỉnh ta đang phát triển mạnh chăn nuôi gia súc có sừng với trên 310 nghìn con và có khả năng tăng trưởng mạnh 20-25% hàng năm. Do đó, nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa khô đang là vấn đề bức xúc lớn của người chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.000 ha cỏ cao sản. Tình trạng thiếu thức ăn cho gia súc diễn ra hàng năm vào mùa khô đã khiến 20-30% tổng đàn gia súc bị suy dinh dưỡng dẫn đến bệnh dịch và chết. Trước thực tế trên, cây xương rồng “đa chức năng” đã mở ra nhiều triển vọng mới cho vấn đề giải quyết thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, để trồng cây xương rồng đạt năng suất cao, người nông dân không thể trồng theo tập quán như dâm cây xương rồng hoang dại, mà phải trồng thâm canh. Theo tiến sĩ Lê Minh Thức : “Trồng cây xương rồng đa chức năng gồm cắt lá, phơi cho héo, bón lót phân chuồng, luống trồng cách nhau 1,2m và phải có rãnh để dễ thoát nước vì xương rồng không chịu được ngập úng”.
Tỉnh ta hiện có 100.000 ha đất trồng đang bị hoang mạc hóa, phần lớn không thể sản xuất được. Vì thế, nếu được khai thác để trồng xương rồng thì đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu trên vùng đất khô hạn này. Cây xương rồng sẽ là thức ăn, nguồn sống đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gia súc, làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng đang là thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Hơn thế nữa, cây xương rồng có thể xem là một giải pháp thiết thực và cấp bách cho các vùng đất khô hạn, có tác dụng che phủ, cải tạo đất, hạn chế sa mạc hóa, cải thiện nguồn nước ngầm. Từ cây xương rồng đa chức năng sẽ mở ra triển vọng cho người dân tỉnh ta và cả khu vực miền Trung sử dụng những vùng đất hoang hóa ven biển, đất đồi để trồng thêm một loại cây đặc sản hàng hóa – đặc trưng của vùng đất khô hạn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Sưu tầm