CÂY LAN Ý – MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý
KHI TRỒNG NỘI THẤT
Cây lan ý khi vừa được mua về trang trí trong nhà thì rất đẹp, cành lá xanh tốt sum xuê, khoảng hơn tháng sau cây sẽ bị vàng lá cành nhánh bị héo dần, lúc đó đành phải đưa chậu cây đi nơi khác hoặc bỏ đi, để chậu cây lan ý luôn luôn xanh tươi thì gia chủ cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc cây trong nhà của mình.
Cây lan ý thiếu ánh sáng
Cây lan ý là cây có thể sống trong điều kiện bóng râm hay ít ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong ngôi nhà thì rất ít nơi đặt cây có ánh sáng, thường chỉ có nơi gần cửa sổ hay giếng trời mới có vài giờ ánh sáng chiếu xiên vào.
Dấu hiệu nhận biết cây thiếu ánh sáng không đủ để quang hợp là các lá mọc sau nhỏ hơn lá ban đầu, màu xanh lá nhạt hơn.
Vì vậy gia chủ cần tìm hiểu nhu cầu ánh sáng của cây để có thể lựa chọn vị trí để phù hợp.
Nếu cây lan ý để trong phòng kín thì hàng tuần di chuyển cây ra bên ngoài trời dưới bóng mát để cây thay đổi không khí.
Cây lan ý bị tưới nước quá nhiều
Cây lan ýlà cây nội thất có nhu cầu nước khác hẳn với cây để bên ngoài, vì điều kiện trong nhà thiếu nắng và không lưu thông gió nên rất dễ dư thừa nước trong chậu, dẫn đến bộ rễ của cây bị úng làm hư các rễ non.
Hàng tuần chỉ tưới cây trong nhà 2-3 lần, mỗi lần tưới nước vừa đủ ướt đều hết bộ rễ cây, sau đó lau sạch nước thừa bên dưới đáy chậu.
Cây lan ý quá khô do quên tưới nước
Có trường hợp gia chủ bận công việc nên một tuần mới tưới cây trong nhà một lần, như vậy cây sẽ luôn trong tình trạng thiếu nước và bị khô hạn, nên lá cây luôn bị vàng các mép lá, thân cây không còn bóng mượt do thiếu độ ẩm.Vì lan ý là cây nội thất thích hợp môi trường đầy đủ ẩm độ. Nếu thật sự gia chủ không có thời gian chăm sóc thì không nên để cây nội thất trang trí trong nhà.
Cây lan ý để nơi quá nóng hay quá lạnh
Trong ngôi nhà có gắn các thiết bị như máy lạnh, lò thoát hơi bếp…thì cần tránh không để lan ý gần các nơi quá lạnh hay quá nóng đều dễ làm cây bị chết. Lúc đó phương án tối ưu nhất là dùng các loại cây hoa giả bằng nhựa để che đi những nơi đặt máy như thế.
Cây lan ý hết chất dinh dưỡng
Cây để trong nhà sau thời gian dài gần một năm, thì bộ rễ cây phát triển và đã sử dụng hết dinh dưỡng trong chậu, các rễ non có xu hướng mọc lan lên trên hay ra ngoài, như vậy cần phải thay cây ra chậu to hơn. Khi thay chậu nhớ rút hẳn cả cây ra ngoài sau đó lựa chọn chậu có kích thước to hơn chậu cũ khoảng 10 cm ( bề cao và bề rộng) nhằm tăng thêm thể tích dinh dưỡng cho cây.
Lau bụi cho lá cây và kiểm tra sâu bệnh
Cây lan ý để trong nhà hay bị bụi bám vào lá sẽ làm giảm quá trình thoát hơi nước của cây, hàng tuần cần lau bụi bằng khăn mềm, lau nhẹ nhàng tránh làm rách lá, kiểm tra xem cây có bị rệp muội bám vào các nách lá hay dưới gốc sát mặt đất. Nếu thấy các mảng trắng mềm bám trên ngọn và kẽ lá thì dùng tay lau đi hoặc đưa cây ra ngoài dùng vòi sen tưới rửa sạch sẽ.
Ngoài ra còn có các chấm vàng nốt đen li ti bám mặt dưới của lá, thân cây thì cũng dùng tay hay vòi nước rửa sau đó dùng bột tỏi hay ớt phun cả thân để giúp xua đuổi sâu bọ tấn công cây. Không được dùng thuốc BVTV phun trong nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người nhất là người già và trẻ em.
Bón phân vừa phải
Cây lan ý cần ít ánh sáng nên nhu cầu phân bón không cao, nếu bón nhiều sẽ làm cây bị sốc phân có thể làm cây nhanh chết. Hàng tháng bón một ít phân hữu cơ như phân trùn quế hay dynamic lilter và phun thêm B1 và phân bón lá là vừa đủ.
Sưu tầm