CHUYỆN VỀ CÂY..
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT ???
Thực vật không yên lặng
Nhiều người vẫn tin rằng bất động, vô hại, im lặng…, là những thuộc tính của cây cối trong tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn khác. Những thí dụ sau đây cho thấy thực vật cũng có vô số chuyện lạ không thua gì thế giới động vật.
Thực vật “buôn dưa lê” với nhau?
Có khi nào bạn nghe thấy cây cối “nói chuyện” không? Chắc chắn là không, ngay cả khi bạn đi giữa một rừng cây. Tuy nhiên, các nhà thực vật học lại cho rằng cây cối giao tiếp và kêu cứu đồng loại theo cách riêng của chúng mà thường xuyên nhất là trong trường hợp báo động có nguy hiểm. Chẳng hạn, sau khi bị sâu bọ tấn công, cây cà chua ngấm ngầm báo cho họ hàng biết bằng cách giải phóng một số phân tử mùi vào không khí. Bức thông điệp này được các nhà thực vật học xác định là có mùi của thảm cỏ mới bị xén. Ngay sau khi nhận được cảnh báo trên, các cây hàng xóm chuẩn bị đối phó với sự tấn công của những kẻ phá hoại bằng cách dùi mài vũ khí hóa học của chúng.
Không chỉ có các loại cây trồng mới biết cảnh báo nguy hiểm cho nhau hay “buôn dưa lê” mà trong vùng thảo nguyên Nam Phi, các cây keo khi bị những chú koudou, loài động vật họ hàng với linh dương, tấn công ngay lập tức cảnh báo cho các cây xung quanh bằng bức thông điệp khí. “Tiếng kêu cứu” này giúp cho các cây khác tìm cách bảo vệ lá của chúng bằng cách tập trung toàn bộ chất tanin có vị chua chát lên lá. Đây là cách phòng thủ hữu hiệu để đẩy lùi những kẻ thù ăn lá.
Cây di chuyển
Bạn cho rằng cây cối thì không thể đi từ nơi này đến nơi khác? Không đúng, có ít nhất một loài có khả năng này, đó là cây đước. Tại vùng nhiệt đới, chúng mọc vắt qua những cửa sông không khác gì loài chim cao cẳng. Rễ cây đước rất lạ, mọc ra từ những nhánh cây, có thể dài đến 25 m, bắt giữ khí oxy trong không khí trước khi cắm vào bùn để lấy nước.
Cây càng lớn lên, những nhánh thấp – nhánh nhiều tuổi nhất – càng mọc rễ nhiều. Dưới sức nặng của bản thân và dưới tác động của gió hay thuỷ triều, các nhánh này sẽ nứt ra khỏi thân. Không được tiếp nhựa sống từ thân cây, chúng cũng không cần vì bản thân chúng có thể tiếp được sức sống trực tiếp từ lòng đất nhờ vào những chiếc rễ riêng. Do bị tổn thương, phần ngoài cùng của nhánh cây cũng sẽ chết, mặc dù trước đó cũng đã kịp tách ra hoàn toàn khỏi thân và tạo thành một phần nhánh mới, sống độc lập như một cây đước sinh ra từ hạt.
Nhưng khác với cây chính, cây này có thể chuyển động. Trong suốt thời gian tăng trưởng, nó tạo ra những rễ mới hướng về trước, bất chấp phần phía sau chết đi và tự huỷ. Trong vòng một năm, cây mới này “đi” được một khoảng cách khó tin đối với một vật thể được cho là bất động: 2-5 cm. Nó chỉ dừng lại nếu bị một cây khác cản đường hay tách quá xa khỏi bờ biển (lúc này đáy biển quá sâu).
Chiến thuật chống hạn của thực vật
Để chống lại cái nóng, con người biết lắp điều hòa không khí, vậy thực vật sẽ phản ứng như thế nào để tránh được “stress” về nước?
Thông thường thực vật giữ lại trong mình rất ít nước hút được từ đất. Khi nhựa cây đi từ dưới rễ lên ngọn, nó chứa 98% là nước. Lượng nước này khi tới lá cây sẽ được bốc hơi thông qua các lỗ khí cực nhỏ trên bề mặt lá. Tuy nhiên, cây sẽ bị “stress” về nước nếu khối lượng nước bốc hơi nhiều hơn lượng nước mà cây hút được từ đất. Để tránh tình trạng này, trong quá trình phát triển, thực vật tiến hành áp dụng rất nhiều phương pháp nhằm tiết kiệm nước.
“Khi rễ cây cảm nhận được tình trạng khan hiếm nước trong lòng đất, lập tức nó tổng hợp ra một loại hoóc môn gây stress. Đó là axit abscissique. Chất hóa học này theo nhựa cây lên đóng các lỗ khí bốc hơi nước trên bề mặt lá lại. Như vậy hạn chế được lượng nước bốc hơi” – Thierry Simonneau, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm sinh lý môi trường thực vật chịu stress thuộc Viện Nông học Montpellier (Pháp) giải thích.
Một số loài thì “chống hạn” bằng cách cuộn lá lại như cây ngô hoặc làm héo lá như cây hướng dương… Tuy nhiên như vậy cây sẽ chậm phát triển.
Cây nhút nhát
Thông dù được xem là một loài thực vật nhút nhát? Nếu nhìn từ dưới đất lên, có thể cho rằng chúng có tính này vì dù đứng gần nhau, nhưng chúng lại không dám đụng vào nhau. Giữa vòm lá của hai cây là một vùng trống mà các nhà khoa học vẫn gọi đùa là khe nhút nhát. Từ lâu các nhà thực vật học tin rằng khe này gây ra từ sự cọ xát của những nhánh cây. Càng cọ mạnh vào nhau, các nhánh cây gần nhau càng bị tổn thương, khiến những tế bào nằm ở đầu nhánh chết đi và ngừng tăng trưởng.
Ngày nay người ta biết rằng giả thuyết này hoàn toàn sai. Nhờ vào việc quan sát cây từ trên cao, các nhà khoa học thấy rằng các nhánh của hai cây thông “nhút nhát” nằm gần nhau vẫn luôn nguyên vẹn. Không có chuyện tổn thương hay chết chóc. Từ đây các nhà khoa học hướng đến một giả thuyết khác, đó là sự phát tán một loại khí ngăn chặn sự tăng trưởng những nhánh gần của cây lân cận. Nhưng để làm gì? Để tự vệ! Bạn hãy tưởng tượng một cây bị bệnh do một loài ấu trùng nào đó tấn công. Nếu cây lân cận ngăn cản được cây bệnh đừng đụng vào, chúng cũng sẽ ngăn không cho tác nhân gây bệnh truyền sang. Trong quá trình tiến hoá, chỉ có những cây có được khả năng này là tồn tại. Điều này giải thích vì sao ngày nay dù ở giữa một rừng cây đồng loại, tất cả các cây thông dù vẫn giữ tính nhút nhát. Giả thuyết này có vẻ hợp lý, vấn đề là còn chờ chứng minh.
Cây sát thủ
Với bộ rễ cắm chắc vào lòng đất, thân to, nhánh hướng thẳng lên trời, loài cây này dường như vô hại, nhưng không ai nghĩ rằng chúng đang giấu trong mình những “vũ khí độc”. Tại vùng nhiệt đới, sung được xem là “kẻ chuyên bóp cổ” những loài cây khác. Tất cả bắt đầu bằng việc một con chim nào đó nhấm nháp một quả sung mọng nước. Hạt sung di chuyển đến hệ tiêu hoá chim, do quá cứng nên hạt sung được thải ra nguyên vẹn trong phân chim. Bất hạnh cho loài cây nào nhận được món quà độc hại trời cho này. Vì nếu phân chim rơi xuống và kẹt trong một chạc cây, hạt sung sẽ nảy mầm. Từ đây, cây chủ bắt đầu lo lắng. Đầu tiên cây sung nhỏ đâm rễ thẳng vào thân cây chủ. Dần dà những rễ khác mọc thêm, bao bọc và quấn chặt lấy cây đã hậu đãi tiếp đón chúng.
Cây càng mọc lên cao thì càng cần nước, nhưng do thân cây đã bị sung trói chặt không thể to ra, nên lượng nước dẫn từ rễ lên lá không đủ. Thiếu nước, cây chết khát và từ đó qua đời. Nó phân huỷ hoàn toàn trong 1-2 năm. Tàn tích duy nhất của cuộc chiến âm thầm này là chiếc bóng của nạn nhân. Nó hiện diện dưới dạng một khoảng rỗng giữa những chiếc rễ sung sát thủ, phát triển theo thời gian để tạo thành một thân cây thay thế. Từ lúc này, sung hiện diện dưới dạng một cây bình thường, không ý thức về thảm kịch mà nó gây ra. Thật ra thì sung cũng chỉ tuân theo một chương trình được chọn lọc trong quá trình tiến hoá để bảo đảm sự sinh tồn của mình.
Loài koudou lớn (hoẵng khổng lồ sừng xoắn) rất thích ăn những chồi keo non
Cây thông tin
Loài koudou lớn (hoẵng khổng lồ sừng xoắn) rất thích ăn những chồi keo non. Bất động, không vũ khí tự vệ, keo chẳng thể làm gì để chống lại loài thú háu ăn. Thoạt nhìn thì keo sẽ bất lực, tuy nhiên dưới mắt các nhà động vật học, dù ưa thích keo cách mấy, koudou cũng không dám động vào.
Vì sao có chuyện này? Sau khi nghiên cứu, người ta biết rằng ngay khi nhấm nháp lá keo, chỉ trong vài phút keo sẽ trở nên se chát và biến thành một thứ khó nuốt. Mọi thứ giống khi bạn thử ăn một trái cây còn xanh. Trông ngon lành đó, nhưng chúng lại chát axit. Với cảm giác khó chịu này, koudou không còn dám đụng vào lá keo. Bí mật ở đây là sau khi bị koudou nhai nát, lá keo tiết ra khí ethylene, phát tán vào không khí bay đến những lá còn nguyên. Khi nhận được thông tin, những lá keo còn nguyên trên cành lập tức sản xuất ra tanin, tạo cảm giác chát. Bằng cách này, keo có thể tự vệ chống lại kẻ thù. Nhưng không chỉ một mình, đám mây ethylene còn được gió mang đi báo tin cho những cây keo lân cận. Koudou không còn cách nào khác là tìm đến nơi khác kiếm ăn.
Từ cây ôliu đến cây bách xù, bất kỳ loại nào cũng có thể tạo ra nước nếu chúng có được tán lá đủ dày và điều kiện khí hậu ở đó giống như trên đảo Hierro.
Cây vòi nước
Garoe, một loài thuộc họ thắng, có thể không bao giờ phát triển được tại đảo Hierro. Chúng cần rất nhiều nước, trong khi trên hòn đảo vùng Canarie này gần như trời không bao giờ mưa. Mặc dù vậy, thực tế thì garoe vẫn sống khoẻ. Không có gì bí mật, vì lá cây của chúng có thể chảy nước thành vòi. Nước này đến từ đâu? Từ lớp sương mù dày đặc thường xuyên ngự trị trên đảo ở độ cao 600-1.500 m. Những giọt nước nhỏ bé tạo thành sương mù thường xuyên bị gió đẩy đi. Gặp phải lá cây, chúng bám vào rồi tập hợp lại thành những dòng nước nhỏ. Tính ra thì một cây garoe có thể tạo ra gần 80 lít nước/ngày nhờ giương ra một mạng lá khổng lồ hàng trăm mét vuông (diện tích toàn bộ lá cây) để bắt những giọt nước nhỏ trong sương mù. Chiến lược này xem ra rất hiệu quả vì hiện nay có nhiều loài cây trên thế giới áp dụng, như ở Chile, Nam Phi… Từ cây ôliu đến cây bách xù, bất kỳ loại nào cũng có thể tạo ra nước nếu chúng có được tán lá đủ dày và điều kiện khí hậu ở đó giống như trên đảo Hierro. Nguồn nước này hết sức quý giá cho dân chúng địa phương.
Cây bident
Nhớ dai như… thực vật
Nếu bạn hành hạ chúng, chúng sẽ nhớ mãi những gì bạn làm. Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu của các nhà thực vật học người Pháp. Họ sử dụng những chiếc kim châm thật nhiều lên thân cây bident, một loại thực vật ăn thịt nhiệt đới. Sau những hành vi “tàn bạo” như vậy, các nhà nghiên cứu còn tiếp tục bẻ cong thân hình chúng, nhưng sau đó đã an ủi chúng bằng cách bón thêm chút muối khoáng và chất dinh dưỡng để chúng chống chọi tốt hơn với những “vết thương” trên mình.
Một thời gian sau, những “vết thương” đã hoàn toàn bình phục. Nhưng theo bạn, chúng sẽ quên hết những vết kim châm chỉ vì chút thức ăn nhỏ đó sao? Không hề. Bằng chứng là chúng không thèm tăng trưởng… Theo các nhà nghiên cứu, cây Bident không phải là trường hợp ngoại lệ mà còn có rất nhiều loại thực vật khác đã không thèm lớn nếu bị đối xử không tốt.
VVT (tổng hợp)