Cây Bạch Chỉ – Vị Thuốc Quý

cay bach chi

CÂY BẠCH CHỈ – VỊ THUỐC QUÝ

Cây bạch chỉ hay Hàng châu bạch chỉ, Hương bạch chỉ có tên khoa học là Angelica dahurica. Đây là một loài thực vật thuộc họ Hoa tán (Apiaceae) phân bố nhiều ở Đông Siberi, đông bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

cay bach chi
Đặc điểm
Cây bạch chỉ sống nhiều năm, thân thảo hình trụ rỗng, cao 1 – 1,5 m khi ra hoa. Thân cây thô, to tròn, rỗng ruột. Rễ thô to, mọc thẳng, có lúc đâm ra nhiều rễ nhánh. Lá có cuống, gốc lá phát triển thành bẹ ôm thân. Phiến lá xẻ thuỳ 2 – 3 lần lông chim, thuỳ hình trứng hay hình trứng dài, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Hoa dạng tán kép, mọc ở ngọn cành hay nách lá. Hoa nhỏ màu trắng, không có lá đài; 5 cánh hoa, 5 nhị đực mọc so le với cánh hoa, bầu hạ, 2 ngăn, 2 vòi hoa ngắn. Quả bế, dẹt, kích thước 5 x 6 mm. Toàn cây có mùi thơm.
Mùa hoa tháng 5 – 6.
Mùa quả tháng 7 – 8.

cay bach chi
Công dụng
Theo nghiên cứu dược lý, bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau,…

Theo Đông y

Cây bạch chỉ có tác dụng tán phong trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng trừ mủ,… Thường được dùng làm thuốc giảm đau, chữa cảm mạo, viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt sưng đau, viêm tuyến vú, thông kinh nguyệt,…

cay bach chi
Theo y học hiện đại
– Tác dụng dược lí
+ Tác dụng kháng khuẩn đối với một số chủng như: phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng, trực khuẩn than… và có tác dụng kháng virut.
+ Tác dụng giảm đau trên mô hình thực nghiệm gây đau bằng axit acetic 0,6 % tiêm xoang bụng trên chuột nhắt trắng.
+ Tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm thực nghiệm bằng kaolin trên chuột cống trắng.
+ Angelicotoxin – một hoạt chất chiết từ Bạch chỉ, dùng với liều nhỏ có tác dụng kích thích trung khu vận mạch, tủy sống, gây tăng huyết áp, mạch chậm, hô hấp hưng phấn, các phản xạ được tăng cường. Nhưng khi dùng liều cao dẫn đến co giật và dẫn đến tê liệt.
+ Trên lâm sàng: Bột khung chỉ và bạch địa căn có tác dụng hạ sốt, giảm đau rất tốt. Viên bạch địa căn có tác dụng hạ sốt, giảm đau rõ rệt. Đối với bệnh nhân bị sởi hoặc thuỷ đậu, bạch địa căn còn có tác dụng chống bội nhiễm, giảm ho nhiều cho các bệnh nhân bị viêm phế quản.

Sưu tầm