CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY HOA BỒ CÔNG ANH
Cây Hoa Bồ Công Anh có nhiều loại, trong phạm vi bài này mình chỉ giới hạn hướng dẫn cho những loại Cây Bồ Công Anh có hoa vàng, lá có dạng răng sư tử phổ biến.
1. Công đoạn chuẩn bị đất.
Cây Hoa Bồ Công Anh thích hợp với đất thịt, để đảm bảo thì có 3 cách sau đây để chọn đất.
1: Đất đỏ bazan, đối với loại đất này thì chỉ cần trộn thêm một ít phân vi sinh hoặc mùn là được. Rồi làm cho đất tươi xốp thôi.
2: Ở những vùng khác, chúng ta lấy một ít đất thịt trộn với đất có sẵn phân vi sinh người ta bán ở các tiệm cây cảnh.
3: Đối với các bạn ở những nơi không mua được đất thì chúng ta lấy một ít đất thịt trộn với phân vi sinh, trộn thêm bột than, và một ít tro trấu là được rồi (Cũng giống như đất trồng các loại cây cảnh thông thường)
Chú ý: Để thu được kết quả tốt các bạn nên làm cho đất mịn và xốp nhé.
Ngoài ra đất ở những nơi ủ trấu cũng rất tốt. Không thì đất hữu cơ vi sinh người ta bán ngoài tiệm cây cảnh (loại đất đen đen) cũng tốt. Đây là khâu quan trọng nhưng cũng đừng đặt nặng vấn đề lắm các bạn nhé.
2. Công đoạn chọn chậu trồng, diện tích và môi trường trồng.
– Ban đầu ươm hạt thì chậu lớn cỡ nào cũng được, tùy vào số lượng hạt giống. Khoảng cách gieo hạt tối thiểu nên là 5cm/hạt để sau này dễ bứng cây con.
– Bứng ra trồng riêng lẻ thì Lenken đề nghị chậu nên có đường kính 40cm đến 50cm để cây phát triển tốt, vì lá của Cây Hoa Bồ Công Anh nằm rạp xuống mặt đất khi cây lớn và đường kính bao phủ của lá cây trung bình khoảng 45cm diện tích đất. Chậu tối ưu thì phải là loại chậu có đường kính 60cm trở lên.
– Tất nhiên chậu có đường kính khoảng 25cm cũng được, nhưng không tốt cho lá cây lắm,
– Cách xử lý khi trồng cây ở chậu có đường kính nhỏ hơn 25cm: Ta dùng kéo cắt bớt những lá quá dài ra khỏi phạm vi của chậu.
– Khoảng cách giữa các Cây Hoa Bồ Công Anh trồng với nhau: Lenken đề nghị tối thiểu là 15cm, nhưng tốt hơn là 25cm trở lên.
– Đối với môi trường trồng ở những nơi có nhiều nắng và nóng thì ta hạn chế bằng cách dựng các vách che chắn quanh chậu trồng (không phải ở trên) nhằm hạn chế thời gian nhận nắng. Cũng có thể che chắn phía tây thôi, cho buổi chiều nắng không rọi trực tiếp vào chậu và cây, làm như vậy đồng thời sẽ hạn chế sự khô đất, cũng như dể giữ độ ẩm hơn cho cây.
– Nếu có điều kiện che ở bên trên thì chúng ta che làm sao để cho cây còn uống, còn nhận được sương đêm và sương sớm, như vậy cây sẽ tốt hơn. (Không phải là sương muối đâu nhé )
– Trồng thừa nắng quá thì tuổi thọ của lá cây không cao và cây bị vàng lá. Một lá cây BCA tốt có thể tồn tại gần nửa năm mà vẫn xanh tươi.
– Mưa to quá sẽ làm gãy hoa (sau này khi cây đã có hoa)
3.Công đoạn ươm hạt giống.
– Công đoạn này nên chọn những hạt giống còn tươi, 1 hoặc 2, 3 ngày sau khi thu hạt giống thì ươm ngay, nếu phải bảo quản thì chỉ nên bảo quản hạt trong vòng 1 tháng trở lại, nhưng tốt hơn là khoản 2 tuần trong điều kiện bình thường ở Việt Nam. Như vậy thì khả năng nảy mầm mới cao, nếu bảo quản lâu quá thì hạt giống sẽ bị kém sức sống. Không riêng gì Cây Hoa Bồ Công Anh mà bất kỳ loại hạt nào cũng chỉ có thời gian bảo quản nhất định.
– Muốn bảo quản hạt giống lâu hơn thì đòi hỏi phải có một vài kỹ thuật khác, ví dụ như ở -18°C (nhiệt độ chuẩn cho hạt giống ngủ đông trong điều kiện sức khỏe tốt – có thể bảo quản cả vạn năm), còn không thì bỏ hạt vào lọ kín, kèm theo gói hút ẩm và bỏ tủ lạnh, như vậy sẽ bảo quản hạt được lâu hơn. Nếu nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ làm tăng sự phát triển của nấm mốc, làm tăng hô hấp, hạt sẽ bị mất sức nảy mầm nhanh.
4. Công Đoạn gieo hạt.
– Chúng ta có thể lấy kéo cắt bớt đi những lông tơ trắng, như vậy sẽ làm hạt được gọn hơn và tránh được tình trạng bị gió thổi bay đi mất. Trước khi gieo chúng ta nên tưới cho ướt đất trước. Khi gieo chúng ta rải hạt giống trên đất rồi lấy một ít đất mịn phủ nhẹ lên trên (nếu trong quá trình tưới nước hạt bị lộ thiên thì cũng không sao).
– Khoảng cách giữa các hạt nên là 5cm trở lên, để sau này cây lớn lên chúng ta có thể dễ dàng bứng cây đem đi trồng riêng.
– Phun nước hơi âm ấm để tưới cho cây, có thể lấy bình phun chuyên dụng, hoặc có thể ngậm nước vào mồm và phun sương (chú ý khoảng cách giữa vòi phun và chậu nhé ^^).
5. Công đoạn bứng cây con để trồng riêng.
Sau khi cây lớn được 3 tuần tuổi cho đến 30 ngày chúng ta bứng nguyên xi rể và đất để trồng riêng cho cây có sức khỏe tốt.
6. Công đoạn tưới tiêu.
– Cây Hoa Bồ Công Anhưa sự ẩm ướt nhưng đừng để bị ngập úng trong thời gian dài.
– Cây Hoa Bồ Công Anh ưa nắng nhưng không phải là loại ánh sáng chiếu trực tiếp trong thời gian dài. Và nếu quá râm mát thì cũng không tốt.
– Trồng ngoài nắng cũng được, nhưng sức khỏe của cây sẽ bị giảm.
Các bạn ở những nơi quá nóng (như Tp.HCM) thì vào những ngày nóng chúng ta nên chú ý độ ẩm trong đất.
7. Công đoạn bón phân.
Không nên bón các loại phân hóa học, chỉ nên dùng phân hữu cơ. Trong quá trình phát triển của cây chúng ta nên cách tháng lại bổ sung chất dinh dưởng cho cây, tùy vào diện tích trồng, nhưng không nên bón nhiều phân hữu cơ quá. Phân gà hoặc heo là thích hợp, vì ít gây nóng cho cây. Chú ý là chỉ nên bón một lượng nhỏ.
Cách bón thì chúng ta nâng những chiếc lá lên và bỏ vào dưới lá, gần gốc. hoặc đào đất ở gần đó rồi bỏ phân xuống cho phân tan ra từ từ.
8. Phòng trừ sâu bệnh.
Các loại địch hại của Cây Hoa Bồ Công Anh là kiến, rầy, và có lẽ là cả ốc sên. Và… những người tưởng Cây Hoa Bồ Công Anhlà cỏ, đem nhổ bỏ đi
Thật ra kiến thì cũng tốt thôi, vì khi Cây Hoa Bồ Công Anh ra hoa vàng thì kiến sẽ giúp cây thụ phấn tốt hơn, nhưng trong giai đoạn ươm hạt giống thì không tốt.
Rầy và ốc sên thì có thể xử lý cách dùng tay giết, hoặc dùng thuốc bán ngoài tiệm.
Nếu có cỏ mọc sơ sơ ở chỗ trồng Cây Hoa Bồ Công Anh thì không cần phải nhổ cỏ.
9. Công đoạn kích thích cho cây phát triển.
Chúng ta muốn Cây Hoa Bồ Công Anhra hoa thật nhiều và cây thật xanh tươi để đón Tết? hay đơn giãn chỉ là một ngày đẹp trời nào đó chúng ta thích điều đó xảy ra?
Làm như sau:
– Cắt bỏ luôn một nửa số lá cây, hoặc hơn.
– Tưới ướt đất.
– Bỏ khô, không tưới nước trong khoản 1 tuần (cũng còn tùy vào điều kiện thời tiết, coi chừng khô quá gây nên chết cây)
– Sau 1 tuần thì bón cho cây một ít phân.
– Tưới và giữ độ ẩm cho đất ngày này qua ngày nọ
– 1 đến 3 tuần sau chúng ta sẽ thấy kết quả.
10. Công đoạn thu hái hoa.
– Coi chừng để hoa nở rộ ra và có nhiều gió là những cánh bồ công anh sẽ cùng gió đi về nơi xa lắm. Nhé!
– Có thể dùng kéo cắt đi hoa Bồ Công Anh để đem vào nhà cắm bình mà không sợ ảnh hưởng tới cây.
– Nếu chúng ta muốn hái Cây Hoa Bồ Công Anh đem đi tặng cho ai đó thì làm như sau: Canh cho đến khi hoa có dấu hiệu hơi nứt ra thì dùng kéo cắt rồi cứ để trạng thái như vậy đem đi tặng. Vài giờ hoặc 1 ngày, 2 ngày sau hoa sẽ bung ra. Thông thường thì chỉ vài ba giờ thôi. Hoặc dĩ như chưa nứt mà hoa đã già thì cũng có thể cắt.
– Cắm vào bình có nước các bạn nhé, vì nếu thiếu nước thì cuống hoa sẽ bị héo, mềm oặt và hoa bị gục xuống. Nếu đã lỡ làm cho cuống hoa bị héo thì cũng không sao, đem cắm vào nước thì hoa sẽ cứng cáp trở lại, cuống hoa Cây Hoa Bồ Công Anh hút nước hơi bị nhanh nên không cần phải lo.
Sưu Tầm Và Biên Soạn