HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ
CỦA CÂY HOA PHƯỢNG TÍM
Năm 1994, sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, Kỹ sư Lương Văn Sáu đã nhân giống phượng tím thành công bằng biện pháp chiết cành với bí quyết dùng một loại hoá chất (gửi mua từ Pháp).
Sau mấy mươi năm dày công nghiên cứu, các nhà khoa học đã thành công trong chiết ghép, nhân giống… để hôm nay phượng tím bung những chùm hoa xinh xắn với sắc tím mỏng manh, bâng khuâng tạo nét duyên mới cho phố núi Đà Lạt và nhiều thành phố khác.
Bởi Jacaranda Acutifolia là loài hoa quý với màu xanh tím dịu dàng, bí ẩn, được trồng để làm đẹp đường phố, công viên nên ở một số nước thuộc châu Mỹ, châu Âu, mỗi khi hoa nở rộ, người dân tưng bừng mở hội hóa trang, múa hát , vịnh hoa…
Bị huyễn hoặc bởi loài hoa ấy, năm 1962, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp), kỹ sư nông học trẻ, tài năng Lương văn Sáu (SN 1942) mang hạt giống về nước, tỉ mẩn gieo ươm rồi mang nhiều cây con trồng trên đường phố trước chợ Đà Lạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay).
Mặc dù được chăm sóc chu đáo nhưng chỉ có 1 cây sống sót, nở hoa màu lam tím, lá kép hai lần và dáng hoa giống hoa phượng nên người địa phương gọi là phượng tím.
“Điều nan giải là cây ra hoa nhưng không cho quả, không có khả năng sinh sản tự nhiên. Nguyên nhân là do phượng tím cần những chú chim mỏ cong đưa phấn vào đài hoa để thụ phấn nhưng tiếc thay loài chim này không có ở Việt Nam!” – KS Sáu từng băn khoăn tâm sự.
Sau đó, chàng kỹ sư trẻ chuyển sang áp dụng phương pháp chiết cành để tạo cây “con” từ cây “mẹ” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai rồi mang ra trồng ở Thủy Tạ và vườn hoa Đà Lạt, tuy nhiên cũng chỉ có 1 cây ở Thủy Tạ còn sống.
Đến năm 1994, sau hơn nửa thế kỷ không ngừng tìm kiếm, học hỏi qua sách báo (ngay cả lúc bản thân mắc bệnh hiểm nghèo rồi bị câm vĩnh viễn), KS Sáu đã thành công bước đầu trong việc nhân giống bằng biện pháp chiết cành với bí quyết dùng một loại hoá chất (gửi mua từ Pháp) kích thích việc mọc rễ; đồng thời có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với cây con để tránh một số bệnh do ký sinh.
Tỉ lệ cây sống cao hơn trước rất nhiều và ông đã gửi một số cây ra Huế, Hà Nội bán với giá trung bình 600 ngàn đồng/ cây. Sau đó, ông truyền bí quyết và công thức nhân giống loài hoa khó tính này cho KS Túy Đại (Phòng Nông – Lâm – Thủy Đà Lạt) và anh Phùng Văn Lộc (chủ hoa viên đầu đường Đinh Tiên Hoàng).
Những người kế tục KS Sáu đã cho ra đời hàng trăm cây phượng tím. Một thời gian ngắn sau đó, các cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng vào cuộc và chiết ghép thành công hơn 200 cây phượng tím.
Khác với các nhà khoa học nói trên, TS Hà Ngọc Mai tiến hành nhân giống phượng tím bằng cách gieo ươm hạt.
3 năm gần đây, sự thành công trong nhân giống phượng tím bằng phương pháp nhân giống vô tính của Phòng Nông nghiệp và một số cơ quan khoa học ở Đà Lạt càng làm cho thế hệ cây con phong phú hơn.
Để rồi từ đầu năm 2005 đến nay, không chỉ “Vương quốc hoa” Đà Lạt rực rỡ những con đường hoa tím mà ở đường Tô Hiến Thành (Khánh Hòa) và đại lộ Hòa Bình (Cần Thơ), người địa phương và du khách cũng bắt đầu được chiêm ngưỡng sắc hoa lạ.
Trong những ngày đất trời rạo rực chuyển mùa, có lẽ không ít người bâng khuâng xao xuyến với sắc tím hoa phượng nhưng mấy ai biết rằng đó là kết quả nghiên cứu gian nan, tâm huyết, trí tuệ suốt bao năm ròng rã của các nhà khoa học, đặc biệt là bác Lương Văn Sáu – Một kỹ sư suốt đời lặng lẽ tìm kiếm, ươm mầm giống hoa đẹp, hoa lạ để dâng tặng người yêu hoa?
Kim Anh