Cây Hoa Mai Vàng Trên Đất Yên Tử – Biện Pháp Bảo Vệ Và Chăm Sóc

cay hoa mai vang tren nui yen tu

LÊN NÚI YÊN TỬ

NGẮM HOA MAI VÀNG

“Đại lão mai vàng” Yên Tử hoa thưa, cánh ít, có sắc xanh, khi nở toả ra hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết, lan toả cả góc rừng thiền môn chay tịnh. Gần đây, mỗi dịp Tết đến xuân về, mai vàng Yên Tử cũng đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều sơn tặc.

cay hoa mai vang

Mai vàng là cây đặc trưng trong ngày Tết của muôn nhà ở miền Nam, giống như hoa đào ở miền Bắc. Có điều ít ai biết được rằng, ở di tích Yên Tử (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) có cả rừng mai vàng rất quý, trong đó có nhiều cây mai cổ thụ, có tuổi thọ khoảng 700 năm, tương truyền chính vua Trần Nhân Tông khi đến đây tu luyện và sáng lập thiền phái Phật giáo Trúc lâm Tam tổ đã mang theo giống mai tôn quý thanh cao này ươm trồng, tồn tại đến ngày nay. Có lẽ vì thế mà mai ở Yên Tử còn được gọi là “đại lão mai vàng”.

cay hoa mai vang tren nui yen tu

Hiện nay, nhiều nhà khoa học tự nguyện bỏ công sức nghiên cứu nguồn gen, tìm cách nhân giống loài mai tôn quý. Tuy nhiên, cần phải lưu tâm đến một lĩnh vực khác không kém phần quan trọng: Cần bảo vệ “đại lão mai vàng” thoát khỏi hiểm họa diệt chủng.

cay hoa mai vang tren nui yen tu

Giống mai tôn quý

Du khách đến với Yên Tử nếu hành hương lên đỉnh theo đường bộ ai cũng rảo bước khi đi qua đường tùng cổ thụ, phải lặng lẽ ngắm nhìn vẻ khắc kỷ già nua của những cây đại cổ thụ trầm mặc trước chùa Hoa Yên, vườn Tháp Tổ. Đây là “di sản thực vật” do chính vua Trần Nhân Tông đã gieo trồng tồn tại cho tới ngày nay.

Sử liệu, công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hoá về di tích danh thắng Yên Tử có rất nhiều, song, hầu như không có tài liệu chính thức nào nói về loài mai vàng rất quý tại Yên Tử, mọc thành rừng. Trong đó, qua khảo nghiệm, có nhiều gốc mai có tuổi đời tương đương với thời điểm vua Trần Nhân Tông mới đến đây tu hành (khoảng từ năm 1285-1288, cách đây hơn 700 năm).

Do đặc điểm của loài, tuy là “cụ” mai nhưng cây già nhất, cao nhất cũng chỉ có chiều cao trên 10m, đường kính gốc hơn 50cm mà thôi. Vì vậy, giống mai này được các nhà thực vật gọi là “đại lão mai vàng”, phân bố tại nhiều điểm quanh núi Yên Tử: như chùa Đồng, Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái. Ngoài ra, một số điểm khác nằm trong vùng rừng đặc dụng Yên Tử như Dốc Ranh, Khe Chè, chùa Hồ, Trại Lốc, chùa Ba Bậc, Dốc Hẩy… thuộc xã Tây Sơn, huyện Đông Triều cũng có thấy “đại lão mai vàng” mọc tập trung, mật độ hàng trăm cây mỗi điểm với tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm.

Theo những nghiên cứu gần đây, cây mai vàng Yên Tử không khác mấy về loài so với cây mai vàng miền Nam, cùng có tên khoa học là Ochna integerrima. Mặc dù vậy, do phải sống trong khu vực miền Bắc nói chung và Yên Tử nói riêng, nền khí hậu có nhiệt độ 4 mùa rõ rệt, rất lạnh vào mùa Đông, lâu dần đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái. Mai Yên Tử có hình hài “khắc khổ”, “phong trần” hơn.

Điểm khác biệt đáng kể nhất là mai miền Nam hoa nhiều, cánh hoa dày, nhiều lớp, vàng rực nhưng rất ít hương thơm, trong khi đó, “đại lão mai vàng” Yên Tử hoa thưa, cánh ít, có sắc xanh, khi nở toả ra hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết, lan toả cả góc rừng thiền môn chay tịnh.


cay hoa mai vang tren nui yen tu

Nỗ lực bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng

Thời gian gần đây, mỗi dịp Tết đến xuân về, cùng với đào rừng ở vùng cao phía Bắc bị triệt hạ không thương tiếc, mai vàng Yên Tử cũng đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều sơn tặc.

Theo người dân địa phương, Mai Yên Tử cây lão niên mới có “thế” đẹp nên thường bị chặt cả cây. Phần gốc bị đánh bật để bán riêng cho những người có thú chơi cầu kỳ với giá tiền rất lớn. Do đó, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng đại lão mai vàng tại Yên Tử giảm rõ rệt, được cảnh báo trước nguy cơ tuyệt chủng. Một số người đào nguyên cả gốc đem về trồng ở vườn nhà, song do không nắm rõ điều kiện sinh trưởng, không thích nghi môi trường mới, mai vàng Yên Tử không thể tồn tại.

Từ năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thị xã Uông Bí đã ra sức kêu gọi các nhà khoa học chuyên ngành thực vật tham gia nghiên cứu cách giữ gìn nguồn gen loài mai quý. Theo đó, Viện Nghiên cứu Rau quả – Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) đã xây dựng phương án và thực hiện thành công bước đầu việc ươm giống 2.500 cây Yên Tử trồng tại xã Thượng Yên Công (chân núi Yên Tử).

cay hoa mai vang

Ở tầm nhìn xa hơn, nếu việc nhân giống tiến triển thuận lợi thì giống mai “đại lão” Yên Tử sẽ là cây mai thương mại của cả miền Bắc. Điều đó có nghĩa là rừng mai cổ thụ trong di tích sẽ bớt đi rất nhiều những nguy cơ diệt chủng.

Lê Minh Triết (CAND)