Categories: Tin Tức

Cây Hoa Phượng Tím Cổ Thụ Đang Bị “Rình Rập” Từng Ngày

CÂY HOA PHƯỢNG TÍM CỔ THỤ

ĐANG BỊ “RÌNH RẬP” MỖI NGÀY

 

Những cây phượng tím thuộc thế hệ đầu tiên được ươm trồng bén rễ trên đất Đà Lạt từ mấy thập kỷ trước nay bỗng thành hàng độc. Giới chơi cây cảnh sẵn sàng trả giá hàng chục triệu đồng cho một cây phượng tím cổ thụ có dáng thế đẹp.

 

 

Kỳ công nhân giống loài hoa lạ

 

Jacaranda Acutifolia với cánh hoa màu lam tím dịu dàng, bí ẩn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được di thực sang một số nước châu Âu; thường được trồng để làm đẹp đường phố, công viên.

Mỗi khi hoa nở rộ, người dân một số nước thường mở hội hóa trang, múa hát, vịnh hoa… Năm 1962, kỹ sư (KS) nông học Lương Văn Sáu (SN 1942,tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles,Pháp) đã mang hạt giống loài hoa này về Đà Lạt.

Tên hoa được Việt hóa thành phượng tím bởi lá có dạng lá kép như phượng vĩ ở Việt Nam.Hoa cũng mọc thành chùm nhưng dáng hoa không giống phượng vĩ mà có hình ống phủ lông tơ, dài từ 4-5cm.

Ông đã gieo ươm được nhiều cây con để trồng trên đường phố trước chợ Đà Lạt nhưng chỉ có 1 cây sống sót.Phượng tím ra hoa nhưng không đậu quả vì ở Việt Nam không có loài chim mỏ cong đưa phấn vào đài hoa để thụ phấn.

KS Sáu phải kỳ công chiết một số cành từ cây phượng tím độc nhất nói trên để trồng trước nhà hàng Thủy Tạ và Vườn hoa thành phố nhưng cũng chỉ có 1 cây ở Thủy Tạ sống sót.

Quyết ươm mầm loài hoa đẹp cho Đà Lạt, ông đã kiên trì nghiên cứu suốt nhiều thập kỷ và đến năm 1994 tìm ra loại hóa chất kích thích việc mọc rễ trong quá trình chiết cành nhân giống phượng tím; đồng thời đúc kết kinh nghiệm chăm sóc cây con để tránh một số bệnh do ký sinh nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống. Sau đó, một số cán bộ Vườn hoa thành phố và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng vào cuộc và chiết ghép được vài trăm cây phượng tím.

Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một số cơ quan nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt mới nhân giống thành công loài phượng tím bằng phương pháp nhân giống vô tính. Từ đó có thể nhân giống loài hoa này với số lượng lớn, chất lượng tốt hơn. Phượng tím không còn khan hiếm nên giá một cây giống từ 600 – 800 ngàn đồng giảm xuống chỉ còn vài chục ngàn đồng.

Săn phượng tím cổ thụ

 

“Sau nửa thế kỷ bản địa hóa, phượng tím ngày càng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở xứ hoa Đà Lạt, trở thành loại cây dễ trồng, dễ tạo dáng”- tiến sĩ (TS) Hà Ngọc Mai (Phường 8, TP Đà Lạt) nói.

“Trong 6 tháng đầu cần chăm sóc cẩn thận để tránh một số bệnh do ký sinh và tạo điều kiện cho cây phát triển khỏe mạnh, thích ứng với môi trường, sau đó có thể dễ dàng di dời sang trồng ở địa điểm khác” -KS Lan (số 9 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt) tiếp lời.

Trong khi phượng tím dễ di dời và mau phục hồi nên nhiều người thích mua cây lớn để làm quà tặng hoặc trang trí cho vườn hoa biệt thự. Giới chơi hoa, cây cảnh ở Đà Lạt cho biết một cây phượng tím đường kính khoảng 10 cm có giá từ 1-1,2 triệu đồng, gần 30cm giá hơn chục triệu đồng.Cũng theo KS Lan, thường thì sau khi trồng 5-6 năm cây mới ra hoa và để cây đạt đến độ cao lý tưởng (trên10m), đường kính tán lá (từ 5-7m), hoa nở sum suê với sắc màu tươi thắm nhất phải mất hơn 10 năm.

Đặc biệt những cây vài chục năm tuổi thuộc thế hệ đầu tiên được ươm trồng bén rễ trên đất Đà Lạt với đường kính hơn 30cm và có dáng thế đẹp như thế huynh đệ, phượng vũ (chim phượng múa), ngũ phúc (cây có 5 tán tượng trưng cho phúc, lộc, thọ, khang, ninh) giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Anh chị Hương – Nghĩa (đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt) bất ngờ khi người ta tìm đến tận nhà hỏi mua cây phượng tím mà họ trồng chơi dọc hàng rào cách đây hơn 10 năm với giá mười mấy triệu đồng.

“Những người trúng quả như trường hợp này không phải là hiếm. Sau khi mua, người ta cho xe cần cẩu tới nhổ cây rồi chở đi trồng nơi khác. Chỉ cần chăm bón cẩn thận vài tháng thì cây sẽ phục hồi, tươi tốt như cũ”- KS Lan khẳng định.

Hơn 2 tháng trước, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt phát hiện vụ đào bứng trái phép 6 cây phượng tím cổ thụ trong khuôn viên Trung tâm vui chơi giải trí ở số 11 Trần Quốc Toản. Chính quyền đã chỉ đạo trồng lại 6 cây phượng này ở Vườn hoa thành phố.

“Khi nhận cây để trồng lại, tôi rất lo vì thân bị cưa ngang chỉ còn khoảng 3m; cành và lá bị cắt và vặt trụi; bộ rễ cũng bị cưa, cắt phần lớn. Tuy nhiên do anh em kỹ thuật biết cách chăm sóc nên toàn bộ số cây này đang có dấu hiệu phục hồi: Cây tươi và nhú chồi mới” -Trưởng ban quản lý Vườn hoa thành phố Đà Lạt Huỳnh Ẩn nói.

Theo Báo Tiền Phong

Recent Posts

Lợi Ích Của Cây Tràm Bông Vàng, Những Vấn Đề Khuyến Nghị

Lợi ích của cây tràm bông vàng Cây tràm bông vàng giúp cải thiện môi…

Các Giống Cây Tràm Bông Vàng Và Phương Pháp Nhân Giống Cây Tràm Bông Vàng

Các giống cây tràm bông vàng phổ biến Cây tràm bông vàng có nhiều giống…

Ứng Dụng Của Cây Tràm Bông Vàng

Cây tràm bông vàng trong cảnh quan cây cảnh, nghệ thuật và trang trí Ứng…

Cách Trồng, Chăm Sóc Và Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Tràm Bông vàng

Chuẩn bị đất và trồng cây tràm bông vàng Lựa chọn đất trồng cây tràm…

Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Hoa Kèn Hồng (Chuông Hồng)

Bạn đã từng nghe về cây hoa kèn hồng (chuông hồng) - loại cây cảnh…

Ý Nghĩa Của Cây Hoa Kèn Hồng (Chuông Hồng)

Cây hoa kèn hồng (chuông hồng) không chỉ làm đẹp cảnh quan xung quanh, mà…