Một trong những giải pháp được đưa ra để gìn giữ và phát triển rừng thông Đà Lạt là cùng với công tác trồng mới, việc tái sinh cũng cần được chú trọng. Tuy nhiên, cả hai khâu trồng mới và tái sinh rừng thông Đà Lạt, nhất là rừng thông nội ô, hiện cũng gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thì rừng thông Đà Lạt chiếm khoảng hơn 26.000ha trong tổng số hơn 600.000ha của cả tỉnh. Trong tổng diện tích rừng thông Đà Lạt thì rừng phòng hộ chiếm phần lớn (trên 20.000ha); diện tích còn lại, ngoài một phần là diện tích rừng sản xuất, diện tích rừng nội ô chỉ là một con số quá nhỏ – chỉ không đến 400ha. Tuy chỉ chiếm diện tích khá ít nhưng gần 400ha này lại là rừng phòng hộ – cảnh quan rất xung yếu.
Điều đáng nói là, rừng thông nội ô Đà Lạt không những chỉ chiếm diện tích quá nhỏ mà nó đã và đang đứng trước nhiều mối nguy cơ cạn kiệt bởi sự già cỗi và các áp lực về sự mở mang đô thị với diện tích đất xây dựng ngày một gia tăng. Theo các chuyên gia của ngành lâm nghiệp, rừng thông Đà Lạt đã bước vào tuổi già cỗi với con số năm đo đếm được lên đến 70 – 80 năm, thậm chí còn cao hơn thế. Như vậy, theo tự nhiên, việc ngã đổ của rừng thông trong vài năm gần đây là vấn đề hợp với quy luật. Sở NN-PTNT Lâm Đồng đưa ra số liệu, giai đoạn hiện nay, theo quy luật tự nhiên, tính trung bình mỗi năm rừng thông nội ô Đà Lạt có khoảng 300 cây thông bị ngã đổ. Cũng theo giới chuyên môn, con số 300 cây thông bị ngã đổ vì già cỗi không đáng lo ngại nếu như môi trường cho cây thông tái sinh tự nhiên được đảm bảo. Nhưng, trong thực tế, bởi những tác động không mang tính tích cực của con người đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường tái sinh tự nhiên của thông nên diện tích rừng thông nội ô Đà Lạt ngày càng bị thu hẹp là điều không quá khó hiểu. Một chuyên gia lâm nghiệp nói rằng: “Cứ mỗi năm có trên dưới 300 cây thông cổ thụ bị mất đi bởi già cỗi đến tuổi phải chết nhưng môi trường tự nhiên đảm bảo khoảng vài nghìn cây thông non tái sinh tự nhiên thì không có điều gì phải đáng lo ngại về vấn đề rừng thông cảnh quan và môi trường Đà Lạt. Nhưng đáng lo là trong thực tế, môi trường tái sinh của thông hiện đang bị thu hẹp đến mức báo động”. Theo thống kê, hiện vùng nội ô Đà Lạt chỉ còn khoảng 10.000 cây thông cổ thụ và những cây này tuổi cũng đã 50 – 70 năm quả là điều đáng lo.
Giải pháp mà ngành lâm nghiệp đưa ra đó là mỗi năm, trong tổng số khoảng một triệu cây các loại được trồng theo hình thức trồng cây phân tán thì số lượng cây thông dành cho Đà Lạt khoảng trên dưới 3.500 cây. Bên cạnh đó, chính quyền TP Đà Lạt trong vài năm nay đưa ra chính sách cứ chặt hạ một cây thông (buộc phải chặt hạ) thì phải trồng mới 5 cây con. Hoặc, trong chính sách phát triển du lịch xanh, ngành du lịch Lâm Đồng cũng đã phát động phong trào mỗi du khách trồng một cây xanh cho Đà Lạt mỗi khi đến du lịch tại TP này cũng góp phần gìn giữ rừng thông Đà Lạt. Tất cả những chính sách, giải pháp đó đều rất đáng được ghi nhận và cần khuyến khích. Tuy nhiên, rừng thông Đà Lạt nếu chỉ còn là thông được trồng mới, dù diện tích có lớn đến mấy, cũng không thể bù lại rừng thông tự nhiên đã mất đi. Bởi vậy, song song với việc trồng cây, vấn đề khoanh nuôi tái sinh diện tích thông tự nhiên đối với “Đà Lạt trong rừng thông” là vấn đề đang được đặt ra một cách bức thiết. Trong khi đó, như trên đã nói, môi trường để cho thông Đà Lạt tái sinh tự nhiên hiện đã đang bị thu hẹp một cách đáng báo động. Do đó, theo các nhà chuyên môn, Đà Lạt cần loại bỏ ngay “tư duy” tận dụng đất trống để quy hoạch đất xây dựng và đất nông nghiệp. Bởi, cây thông Đà Lạt đang cần và rất cần các khoảnh đất trống để tái sinh tự nhiên.
Sưu tầm
Lợi ích của cây tràm bông vàng Cây tràm bông vàng giúp cải thiện môi…
Các giống cây tràm bông vàng phổ biến Cây tràm bông vàng có nhiều giống…
Cây tràm bông vàng trong cảnh quan cây cảnh, nghệ thuật và trang trí Ứng…
Chuẩn bị đất và trồng cây tràm bông vàng Lựa chọn đất trồng cây tràm…
Bạn đã từng nghe về cây hoa kèn hồng (chuông hồng) - loại cây cảnh…
Cây hoa kèn hồng (chuông hồng) không chỉ làm đẹp cảnh quan xung quanh, mà…