Cây sấu hay còn gọi là cây sấu tía, cây sấu trắng hoặc cây long cóc. Cây Sấu có tên khoa học là Dracontomelon duperreanum, là một loài cây sống lâu năm, lá thường xanh, hoặc bán rụng lá, thuộc họ Đào lộn hột ( Anacardiaceae ).
Đặc Điểm Phân Bố Của Cây sấu:
Sấu phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á. Ở Trung quốc, Sấu thường được gặp ở những cánh rừng vùng thấp, ở cao độ 100 – 400 m thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Tại Việt Nam: Các cây mọc trong rừng thuộc loại bán rụng lá, trên đất đỏ sâu hoặc sâu trung bình, ở cao độ từ khoảng 0–600 m trong khu vực Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên tới vùng đồng bằng ven biển và cao nguyên Trung Bộ; ít gặp ở vùng Nam Bộ. Cây cũng hay được trồng ở nhiều nơi để lấy bóng mát và lấy quả, ưa trồng ở nơi đất cát pha.
Đặc Điểm Của Cây sấu:
Cây có thể cao tới 30 m. Cành nhỏ có cạnh và có lông nhung màu xám tro. Lá mọc so le, hình lông chim dài 30–45 cm, với 11-17 lá chét mọc so le. Phiến lá chét hình trái xoan, đầu nhọn gốc tròn, dài 6–10 cm, rộng 2,5–4 cm, dai, nhẵn, mặt dưới có gân nổi rõ.
Cụm hoa thuộc loại hoa chùm, mọc ở ngọn hay gần ngọn; hoa nhỏ, màu trắng xanh, có lông mềm.
Quả là loại quả hạch hình cầu hơi dẹt, đường kính khoảng 2 cm, khi chín màu vàng sẫm; chứa một hạt. Ra hoa vào mùa xuân – hè và có quả vào mùa hè – thu, quả được thu hái vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 9.
Quả dùng tươi để nấu canh hay lấy cùi thịt của quả để làm tương giấm hay mứt sấu, ô mai, sấu dầm v.v.
Công Dụng Của Cây Sấu:
Quả Sấu chứa nhiều dưỡng chất thường được dùng làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh. Để làm thực phẩm, có thể dùng quả Sấu tươi hay qua chế biến. Quả Sấu tươi thường được dùng nấu canh chua, nấu chè. Đây là cách ăn khá phổ biến của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là ở Thành phố Hà Nội. Mùa hè nóng bức, ăn bát canh Sấu chua cảm thấy sảng khoái, giải được nhiệt, tiêu hóa dễ. Một ly chè Sấu đá vừa ngọt thanh tao, vừa chua chua gây một cảm giác thú vị. Quả Sấu cũng được dùng luộc rau để giữ được màu rau luộc đồng thời tăng hương vị nước luộc rau, lúc ăn cũng kích thích tiêu hóa. Sấu chế biến có thể là Sấu muối, mứt Sấu… Đây cũng là những món ăn phổ biến ở Hà Nội mà các tỉnh thành miền Trung và miền Nam ít có.
Ngoài việc dùng làm thực phẩm, y học dân tộc truyền thống cũng dùng quả Sấu làm vị thuốc trị nhiều bệnh khác nhau. Quả Sấu chín làm mứt ngậm chữa được bệnh viêm họng, ngứa cổ, làm long đờm, thanh giọng; chưng cách thủy với đường phèn dùng làm thuốc giải khát, ngậm trị viêm họng; ngâm với đường, gừng thêm chút ớt, muối cũng tạo thành món ăn kích thích tiêu hóa, tiêu thực. Ngoài ra, quả Sấu cũng được dùng trị chứng lở miệng do nhiệt, giải say rượu, chữa phong độc nổi mận, mụn cóc, sưng lở, ngứa ngáy… Ở Vân Nam, Trung Quốc, người ta dùng quả Sấu (gọi là Nhân diện tử) giã nhỏ trị lở ngứa, nê thực; dùng rễ trị sưng vú.
Lá Sấu dùng nấu nước chữa mụn loét. Vỏ cây dùng trị bỏng.
Là một loại cây gỗ lớn có tuổi thọ cao, tỏa bóng tốt, tán lá dày, lá bóng láng, hoa đẹp và cho quả đa tác dụng, nên Sấu cũng thường được trồng nhiều nơi để gây bóng mát và thu quả. Những nơi có nền đất cát pha rất thích hợp để trồng Sấu. Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều đường phố có trồng cây Sấu hơn hẳn các thành phố khác của Việt Nam.
Những con phố dài phủ kín lá sấu.. Bình lặng đến lạ..
Sưu Tầm Và Biên Soạn
Lợi ích của cây tràm bông vàng Cây tràm bông vàng giúp cải thiện môi…
Các giống cây tràm bông vàng phổ biến Cây tràm bông vàng có nhiều giống…
Cây tràm bông vàng trong cảnh quan cây cảnh, nghệ thuật và trang trí Ứng…
Chuẩn bị đất và trồng cây tràm bông vàng Lựa chọn đất trồng cây tràm…
Bạn đã từng nghe về cây hoa kèn hồng (chuông hồng) - loại cây cảnh…
Cây hoa kèn hồng (chuông hồng) không chỉ làm đẹp cảnh quan xung quanh, mà…