Categories: Tin Tức

Cam Và Căn Bệnh Lạ Đang Bùng Phát

NHIỀU NHÀ VƯỜN HẬU GIANG ĐANG KHỐN ĐỐN VÌ CĂN BỆNH LẠ TRÊN CÂY CAM

Bên cạnh 2 loại dịch bệnh quen thuộc trên cây cam sành là vàng lá thối rễ và vàng lá gân xanh, gần đây, nhiều nhà vườn trồng cam sành trên địa bàn thị xã Ngã Bảy đang hoang mang với một loại bệnh lạ gây vàng lá từ trên đọt cây cam xuống (vàng đầu).

 

Hiện nay, các nhà khoa học và ngành chức năng chưa tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị, trong khi dịch bệnh này đang bùng phát và có chiều hướng tăng nhanh đã khiến hàng trăm héc-ta vườn cam sành nơi đây có nguy cơ phải đốn bỏ, đẩy nông dân vào hoàn cảnh khó khăn.

 

Tiền mất tật mang

 

Những ngày này, đến xã Tân Thành, nơi có nhiều diện tích cam sành chịu ảnh hưởng của bệnh vàng lá sẽ cảm nhận được sự lo lắng của bà con nơi đây.

 

Gặp chúng tôi khi đang phá bỏ vườn cam sau 3 năm gầy công chăm sóc, ông Võ Minh Công, ở ấp Sơn Phú 2A, cho biết: “Cam trồng từ nhỏ đến lớn đều phát triển bình thường, nhưng đến lúc chuẩn bị cho trái (năm thứ 3 trở đi), cam bắt đầu có dấu hiệu vàng lá từ trên đọt dần xuống và bệnh ngày một nặng. Khi cây đã bị vàng lá thì trái không lớn, thương lái chê không mua hoặc mua giá thấp. Trước tình hình trên, mặc dù đã đầu tư nhiều công sức, tiền của vào đây nhưng tôi vẫn quyết định phá bỏ để trồng lại cây khác”.

 

Với mảnh vườn gần 5 công, gia đình ông Công trồng 1.000 gốc cam sành, chi phí lên liếp, cây giống, phân thuốc tổng cộng khoảng 40 triệu đồng, thế nhưng ông chẳng thu lại được gì. Hiện ông Công đang chuẩn bị trồng lại bưởi da xanh và mãng cầu, tuy nhiên, về mặt hiệu quả vẫn là dấu hỏi ở phía trước.

 

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Chiên, ở cùng ấp Sơn Phú 2A thì gặp tình cảnh khó khăn hơn. Bởi, để đầu tư cho gần 1ha vườn cam của mình, thời gian qua, bà Chiên đã vay ngân hàng 50 triệu đồng để cải tạo vườn, mua cây giống, phân bón. Thế nhưng, hiện vườn cam của bà đã có 500/2.300 gốc đang trong giai đoạn cho trái cũng bị bệnh vàng lá, khả năng có được nguồn vốn để trả nợ ngân hàng vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Bà Chiên lo lắng nói: “Đầu tư cho cây cam mấy năm trời chỉ mong đến ngày thu hoạch để có tiền trả nợ ngân hàng, thế nhưng, với tình hình cam bị bệnh vàng lá và ngày một lan rộng như thế này tôi rất lo lắng tới đây sẽ không biết ra sao. Chỉ sợ có đầu tư mà không thu lại được gì, tiền mất tật mang”.

 

Theo nhận định của nhiều nhà vườn, nguyên nhân dẫn tới bệnh vàng lá có thể là do nông dân sử dụng nguồn giống không tốt, giống trôi nổi không bảo đảm chất lượng.

 

Ông Nguyễn Hoàng Lưu, ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, cho hay: Trước đây, khu vực này hoàn toàn không có một điểm bán cây giống nào, hầu hết bà con đều mua giống từ thương lái ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang,… bán trôi nổi dưới sông, vừa không phải đi xa, vừa rẻ tiền.

 

Tuy nhiên, do phong trào trồng cam sành phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nguồn giống cao nên thương lái đưa qua nhiều giống kém chất lượng bán cho nông dân. Minh chứng là, cam sành trồng từ 5 năm trở lên thì rất ít bệnh, còn 3 năm trở lại đây thì hầu hết đều nhiễm bệnh vàng lá.

 

Ngoài yếu tố được cho là cây giống, một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh trên cây cam sành hiện nay, đó là, do đây là vùng đất thấp, nhưng bà con ít quan tâm khâu thiết kế vườn, chiều rộng, độ cao của liếp, mật độ trồng quá dày; đa số nhà vườn có thói quen bón phân hóa học, không sử dụng phân hữu cơ, chế độ chăm sóc kém;…

 

Chưa xác định được bệnh

 

Theo báo cáo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, tổng diện tích vườn cam sành ở thị xã hiện nay hơn 2.500ha. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích cam sành đã bắt đầu xuất hiện một số loại bệnh như vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh và mới đây là hiện tượng vàng lá từ trên đọt cây cam vàng xuống.

 

Qua thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số hơn 400ha cam sành bị nhiễm sâu bệnh, có hơn 380ha bị nhiễm bệnh vàng lá, trong đó 160ha bị nhiễm với tỷ lệ hơn 50% và đang có chiều hướng tăng nhanh; còn lại hơn 95ha bị vàng lá thối rễ và vàng lá gân xanh, tỷ lệ nhiễm bệnh chiếm từ 10-30%. Đối với diện tích nhiễm bệnh nặng, nhà vườn đang phá bỏ, cải tạo lại đất để trồng lại cây mới.

 

Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy Nguyễn Hữu Trí, cho biết: Thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp thị xã đã phối hợp với Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về hiện tượng cây cam bị vàng lá từ trên đọt vàng xuống, nhưng hiện các nhà khoa học cũng chưa xác định được loại bệnh, cũng như nguyên nhân gây bệnh, từ đó chưa có thuốc đặc trị.

 

Do đó, biện pháp trước mắt là khuyến cáo nhà vườn nên cắt, tỉa những cành bị bệnh kết hợp với bón phân cho cây một cách hợp lý, nhất là hạn chế dùng phân hóa học mà sử dụng phân hữu cơ.

 

Ngoài công tác nghiên cứu tìm nguyên nhân, ngành nông nghiệp thị xã còn tổ chức nhiều buổi tập huấn cho bà con về cách quản lý, phòng trừ dưới rễ, thân cây làm sao hạn chế sự lây lan của một số loại bệnh, nhất là bệnh vàng lá một cách thấp nhất.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế thị xã cũng chỉ đạo các xã, phường thống kê diện tích cam bị bệnh phải đốn bỏ trồng lại, từ đó, đề xuất về trên có chính sách hỗ trợ, giúp nông dân tái sản xuất…

Theo Bạn Nhà Nông
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về CÂY CAM tại đây: http://cayhoacanh.com/cay-cam/

Recent Posts

Lợi Ích Của Cây Tràm Bông Vàng, Những Vấn Đề Khuyến Nghị

Lợi ích của cây tràm bông vàng Cây tràm bông vàng giúp cải thiện môi…

Các Giống Cây Tràm Bông Vàng Và Phương Pháp Nhân Giống Cây Tràm Bông Vàng

Các giống cây tràm bông vàng phổ biến Cây tràm bông vàng có nhiều giống…

Ứng Dụng Của Cây Tràm Bông Vàng

Cây tràm bông vàng trong cảnh quan cây cảnh, nghệ thuật và trang trí Ứng…

Cách Trồng, Chăm Sóc Và Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Tràm Bông vàng

Chuẩn bị đất và trồng cây tràm bông vàng Lựa chọn đất trồng cây tràm…

Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Hoa Kèn Hồng (Chuông Hồng)

Bạn đã từng nghe về cây hoa kèn hồng (chuông hồng) - loại cây cảnh…

Ý Nghĩa Của Cây Hoa Kèn Hồng (Chuông Hồng)

Cây hoa kèn hồng (chuông hồng) không chỉ làm đẹp cảnh quan xung quanh, mà…